Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Miên Dương
1) GIỚI HOẠT ĐỘNG MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ PHẢN ĐỐI VIỆT NAM KẾT ÁN BÀ NGUỴ THỊ KHANH
Nhiều nhà hoạt động môi trường quốc tế đã chỉ trích việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kết án bà Nguỵ Thị Khanh, nghi ngờ cam kết của Việt Nam về việc đạt mục tiêu đưa phát thải khí carbon về con số không vào năm 2050, đồng thời kêu gọi các nước G7 gây sức ép về tài chính lên Hà Nội.
Ông Michael Sutton, Giám đốc điều hành của Goldman Environmental Prize - cơ quan trao giải thưởng cho bà Khanh, nói rằng “Các cáo buộc pháp lý nhắm vào bà Nguỵ Thị Khanh là một phần trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bịt miệng các nhà lãnh đạo môi trường ở Việt Nam” và việc tống giam bà “sẽ gây hại cho danh tiếng của Việt Nam ở quốc tế.” Ông Sutton cũng kêu gọi “bất cứ hỗ trợ chuyển đổi về năng lượng nào dành cho Việt Nam trong tương lai cũng phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Khanh.”
Tiến sĩ Kimiko Hirata - người nhận Giải Goldman vào năm 2021 và là Giám đốc tổ chức Climate Integrate của Nhật Bản nhận xét: “Các nước G7 đang mong muốn làm đối tác với Việt Nam trong một loạt các nỗ lực quan trọng về môi trường, đây là điều khó khăn khi các lãnh đạo về môi trường của Việt Nam bị cầm tù.”
Jake Schmidt - Giám đốc Chiến lược Cấp cao thuộc Chương trình Quốc tế về Khí hậu thuộc Natural Resources Defense Council (NRDC) cho rằng các công ty phương Tây không nên đầu tư vào việc chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam vậy nếu không có sự bảo đảm từ Chính phủ Việt Nam rằng xã hội dân sự có thể hoạt động một cách xây dựng, tự do và không sợ bị trả thù, bị tội phạm hoá.
2) HOA KỲ CẢNH BÁO VỀ CÁC CUỘC BIỂU TÌNH GẦN TOÀ ĐẠI SỨ Ở HÀ NỘI
Vào thứ Sáu ngày 17/6, Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội phát đi cảnh báo về các cuộc biểu tình gần khu vực tòa đại sứ và khuyên công dân Mỹ nên cẩn trọng khi đi đến những nơi tập trung đông người.
Thông cáo của toà đại sứ cho biết trong nhiều ngày gần đây, thỉnh thoảng dân chúng tụ tập biểu tình ôn hoà ở khu vực lân cận cơ quan đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ ở thủ đô của Việt Nam.
Trong tuần qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video về một số vụ biểu tình được cho là của các dân oan đến từ nhiều địa phương ở trung tâm thủ đô Hà Nội, yêu cầu chính quyền trung ương giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, kêu gọi bài trừ tham nhũng và tôn trọng nhân quyền.
Các cuộc biểu tình này diễn ra khi các quan chức từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bao gồm Thứ trưởng Wendy Sherman và Phụ tá Ngoại trưởng Todd Robinson thăm Việt Nam.
3) HOA KỲ TÀI TRỢ CƠ SỞ ĐÀO TẠO KIỂM NGƯ, THIẾT BỊ Y TẾ CHO VIỆT NAM
Hoa Kỳ vừa bàn giao một cơ sở đào tạo cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam tại đảo Phú Quốc, tài trợ gói thiết bị y tế trị giá 200 ngàn Mỹ kim cho một số bệnh viện của Bộ Công an, và khởi động dự án “Tăng cường Tư pháp cho người chưa thành niên ở Việt Nam.”
Truyền thông Việt Nam cho biết cơ sở huấn luyện Kiểm ngư tại Phú Quốc có với tổng ngân sách đầu tư gần 2 triệu Mỹ kim, do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cộng nguồn đối ứng của Việt Nam. Cơ sở này giúp đảm bảo đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện cho lực lượng Kiểm ngư Trung ương và 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng bàn giao gói thiết bị y tế bao gồm máy thở, bình oxy, đồ bảo vệ, và các thiết bị y tế khá.
4) UKRAINE TIẾP TỤC CẦM CỰ, THỦ TƯỚNG ANH TUYÊN BỐ ỦNG HỘ LÂU DÀI
Với sự ủng hộ mới dành cho tham vọng gia nhập Liên minh Châu Âu và lời hứa tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ từ Anh, Ukraine tiếp tục chiến đấu vào ngày thứ Bảy, với việc binh sĩ nước này cầm cự trước cuộc tiến công của Nga nhắm vào một thành phố trọng yếu ở miền đông và các cộng đồng dân cư bị nã pháo dồn dập hơn.
Tại một hội nghị thượng đỉnh vào tuần sau, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ cấp cho Ukraine tư cách ứng viên sau khuyến nghị ngày thứ Sáu từ ban lãnh đạo của khối, đưa Kyiv vào con đường hiện thực hóa ước vọng vốn được coi là xa vời trước cuộc xâm lược, dù tư cách thành viên thực sự có thể mất nhiều năm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người bất ngờ đến thăm Kyiv ngày thứ Sáu và đưa ra lời đề nghị huấn luyện các lực lượng Ukraine, ngày thứ Bảy nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ nước này và tránh “sự mệt mỏi về Ukraine” sau gần bốn tháng chiến tranh.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi phương Tây tiếp tục giúp cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine và duy trì áp lực lên Moscow bằng các chế tài.
Trong khi đó, trong bài phát biểu dài ở phiên họp toàn thể tại Diễn đàn kinh tế thường niên St-Petersbourg ngày 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định quyết tâm tiếp tục thực hiện “chiến dịch đặc biệt” tại Ukraina. Ông ta cũng tố cáo phương Tây muốn đè bẹp nước Nga với các lệnh trừng phạt “xuẩn ngốc” và khẳng định Nga sẽ đương đầu trước mọi thử thách.
No comments:
Post a Comment