Wednesday, June 8, 2022

Ghế nóng ai ngồi?

Chuyện Nước Non Mình

Phe phái đưa nhau ngồi vào những chỗ ngon lành để kiếm chác, làm giàu và duy trì quyền lực nhưng rồi họ cũng bị thay đổi hạ bệ đau đớn.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề:“ Ghế nóng ai ngồi?“ của Lâm Bình Duy Nhiên sẽ được Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Lâm Bình Duy Nhiên.

Chức vụ Chủ tịch UBNDTP Hà Nội hay mang lại “điềm gở” cho người nắm giữ. Hết Nguyễn Đức Chung (vào tù) nay lại đến lượt Chu Ngọc Anh mới bị bãi nhiệm.

Là dân làm khoa học, lại là tiến sĩ, như ông Nguyễn Thiện Nhân, Chu Ngọc Anh không biết làm sao, bệ đỡ mạnh cỡ nào mà lại được bầu vào chỗ nóng ấy! Nhưng cái thái độ ra vẻ nịnh bợ, a dua cấp trên cùng với những tuyên bố quái đản, chẳng ra gì như hồi đại dịch Covid-19: “Nếu Hà Nội mà bung, mà toang, hứa với các đồng chí, tôi chịu trách nhiệm”. “Bung”, “toang” chưa đã, ông còn bồi thêm: “Mà chả hứa tôi cũng chịu trách nhiệm. Phải rõ trách nhiệm ra. Gắn với trách nhiệm người đứng đầu”. Chủ tịch Hà Nội là thế. Vây cánh, bè phái, bợ đít, nịnh hót,… để rồi bị ”vi phạm các qui đinh của Đảng và pháp luật của nhà nước, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân”.

Những sai phạm hết sức mơ hồ mà chỉ có người cộng sản mới thấu hiểu. Dường dây Việt Á và kít xét nghiệm Covid-19 đã nhấn chìm không ít tên tuổi “vang bóng một thời” của đảng.

Chu Ngọc Anh bị bãi nhiệm bởi 100% đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội. Một con số lớn lao như khi ông ta được bầu vào chức vụ ấy! Như muốn triệt hẳn con đường quan chức của ông Tiến sĩ Vật lý, Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trước đó cũng đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh.

Ông thăng quan, tiến chức một cách mau chóng và bất ngờ nhưng năng lực và chuyên môn của một nhà khoa học như ông trong thời điểm đại dịch lại gần như con số không tròn trĩnh. “Bung “, “toang” như thế nào, con số bị nhiễm là bao nhiêu thì mới bị cho là ”bung”? Ông chẳng đưa ra một biện pháp rõ ràng nào để giúp Hà Nội chống dịch hiệu quả. Ngoại trừ những tuyên bố vớ vẩn của một người không làm khoa học, ông chẳng để lại một dấu ấn nào. Và khi ông bị những kẻ đỡ đầu, những cánh tay quyền lực bỏ rơi, ông trở thành một thủ phạm xứng đáng của một cơ chế lỗi thời, phi khoa học và độc tài.

Những vai diễn ồn ào, rầm rộ trên chính trường thường để lại những kết cục bẽ bàng, thậm chí đau đớn trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Những Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Thiện Nhân hay Chu Ngọc Anh,… chỉ là những con cờ của các phe phái trong nội bộ triệt hạ lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực trong đảng.

Ai ngồi vào ghế nóng Hà Nội? Hay đúng hơn, thế lực nào sẽ thành công trong việc cài người của mình vào chức vụ Chủ tịch Hà Nội?

Độc đảng là thế. Không có đối lập, không có phản biện, không có minh bạch. Tất cả chỉ nhằm duy trì sự tồn tại và tính chính danh của đảng.

Đó chỉ là trò hề và những màn kịch vụng của gánh tuồng rẻ tiền nhưng trớ trêu thay, ai cũng thấy, ai cũng thấu nhưng chẳng ai thèm lên tiếng.

Cứ mặc kệ nó, bỏ mặc nó…

Sao cũng được!

 

No comments:

Post a Comment