Đảng CSTQ từ lâu đã buông bỏ xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế sự tranh chấp quyền lợi trong nội bộ đảng ngày càng khốc liệt hơn.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình
luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Lý Khắc Cường dám đối đầu Tập Cận Bình” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết
thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Ngô Nhân Dụng
Năm 2018 hiến pháp
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được tu chính, xóa bỏ tiền lệ làm chủ tịch 2 nhiệm
kỳ của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Cuối năm nay Tập Cận Bình sẽ được Đại hội
Đảng tái cử chức chủ tịch lần thứ ba. Tư Tưởng Tập Cận Bình được ghi vào cương
lĩnh, ngang với Mao Trạch Đông, trên chân Lý thuyết Đặng Tiểu Bình. Có ai dám
đối đầu với quyền lực của Tập Cận Bình hay không?
Ngày 25 tháng 5
vừa rồi, Thủ tướng Lý Khắc Cường mới xuất hiện, nói chuyện với hàng ngàn cán bộ
trên toàn quốc, qua màn ảnh. Lần cuối cùng một lãnh tụ nói chuyện với đông đảo
cán bộ như vậy là vào tháng Hai, 2020, theo bản tin Bloomberg. Năm đó, Tập Cận Bình phát động một “cuộc chiến tranh
nhân dân” chống bệnh dịch Covid-19.
Bây giờ, hơn hai năm sau, Lý
Khắc Cường báo động cả nước rằng kinh tế có thể suy sụp nếu tiếp tục chặn Covid
bằng các biện pháp thiếu khôn ngoan.
Lý Khắc Cường dám
công khai trình bày một ý kiến khác với “lãnh tụ cốt lõi.” Lý không trực tiếp
phê phán chính sách chống Covid cứng nhắc của Tập Cận Bình; nhưng phê
bình gắt gao các lãnh tụ địa phương đã không thi hành các biện pháp kích thích
kinh tế của ông ta. Tập Cận Bình nhấn mạnh đánh Covid, Lý Khắc Cường lo bảo vệ
kinh tế.
Trong hai người,
ai cũng thấy Tập mạnh hơn. Nhiều cán bộ cao cấp không tham dự nghe Lý Khắc
Cường nói chuyện. Điều này
dễ hiểu. Lãnh đạo các thành
phố lớn đang chú tâm ngăn ngừa Covid. Tương lai sự nghiệp của chính họ sẽ chấm
dứt sớm nếu bệnh dịch gia tăng. Thống kê số người bị bệnh hoặc người chết được
công bố ngay lập tức. Còn kết quả việc kích thích kinh tế sẽ tới rất chậm chạp.
Nhưng Lý Khắc Cường
vẫn chứng tỏ mình là người chủ chốt, người duy nhất lo lắng cho nền kinh tế vì
biết uy quyền, ảnh hưởng của Tập trên nhiều cán bộ cao và trung cấp đang giảm.
Kinh tế suy yếu thì hệ thống bao cấp của Đảng Cộng sản để mua chuộc lòng trung
thành của cấp dưới cũng yếu đi. Các quan chức còn bất mãn vì Tập Cận Bình cổ vũ
những chính sách ngoại giao thù nghịch với bên ngoài. Các nước Mỹ, Âu châu,
Nhật Bản đoàn kết hơn, sẽ ngăn cản sức bành trướng của kinh tế Trung Quốc.
Chương trình Nhất Đới Nhất Lộ có tiếng mà không có miếng, kích thích tự ái dân
tộc của dân lục địa, Tập Cận Bình được “tiếng, nâng uy tín cá nhân. Nhưng các
quan chức địa phương không thấy được hưởng “miếng” nào hết mà chỉ thấy tài
nguyên đem ra ngoài, họ không được quyền sử dụng.
Nỗi bất mãn ngấm
ngầm này sẽ được các đối thủ của Tập Cận Bình khai thác trong kỳ Đại Hội Đảng
lần thứ 20 sắp tới.
Tập Cận Bình sẽ tiếp
tục nắm địa vị cao nhất, nhưng không chắc sẽ uốn nắn được thành phần lãnh đạo
tương lai theo ý mình. Nghĩa là không còn độc quyền quyết định các chính sách
quốc gia trong năm, mười năm tới.
Trong 25 người
thuộc Thường Vụ Bộ Chính Trị hiện nay có 15 người thuộc vây cánh của Tập Cận
Bình. Theo thông lệ, 11 người tới tuổi 68 sẽ phải về hưu – trong số đó có Tập
Cận Bình nhưng chức chủ tịch sẽ được miễn trừ. Lý Khắc Cường sẽ phải ngưng làm thủ
tướng vì đã ngồi quá lâu, nhưng vẫn còn thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa trong
Thường Vụ. Lý đang tìm cách xếp đặt cho một người của mình lên thay làm thủ
tướng đối đầu với người của Tập, theo nhật báo the Wall Street Journal.
Thế lực của Tập
Cận Bình yếu hơn vì hai mối lầm lẫn trong năm qua. Trong nước, chiến dịch ngăn
chặn Covid-19 lúc đầu chỉ chú trọng đến những người trong tuổi làm việc; những
người lớn tuổi chưa được chích ngừa đủ, bây giờ họ bệnh nhiều hơn và nặng hơn.
Tập bắt tất cả các thành phố lớn đóng cửa dù không cần thiết, khi vi khuẩn
Corona biến thái đến một dạng bớt nguy hiểm. Hậu quả là kinh tế càng xuống thấp
sau khi đã giảm tốc độ tăng trưởng suốt mấy năm. Bắc Kinh đặt chỉ tiêu kinh tế
sẽ tăng thêm 5.5% trong năm nay, nhưng các nhà quan sát kinh tế tiên đoán sẽ
chỉ thêm được 4.5%, theo cuộc thăm dò của hãng tin Bloomberg.
Bên ngoài, Tập Cận
Bình cũng lầm khi đứng hẳn về phía Vladimir Putin trong cuộc xâm lăng Ukraine.
Các cường quốc Mỹ, Âu châu, Nhật Bản phản đối, dọa áp dụng lệnh cấm vận lên các
công ty Trung Quốc còn mua bán với Nga. Các nước tiên tiến đã cấm vận các công
ty Trung Quốc trong các lãnh vực tin học, không cho mua những “chíp” bán dẫn
tân tiến nhất.
Mặc dù Tập Cận
Bình hô hào Trung Quốc phải “tự túc” trong việc phát triển các công nghệ tân
tiến, Trung Quốc vẫn phải mua các bộ phận quan trọng nhất trong những ngành
này. Từ năm 2012 khi Tập Cận Bình lên ngôi, số tiền nhập cảng các bộ phận quan
trọng nhất cho các ngành điện tử và tin học không giảm. Kỹ nghệ chế tạo máy bay
của Trung Quốc vẫn cần mua 98% các bộ phận từ các nước tự do dân chủ.
Kinh tế Trung Quốc
sống nhờ xuất cảng, vẫn lệ thuộc thị trường các nước dân chủ tự do Âu Mỹ, Nhật
Bản. Tức là vẫn chịu rủi ro lớn nếu các nước này ngăn chặn, như cựu Tổng thống
Donald Trump đã làm. Trước năm 2012 số hàng bán qua các nước trên đã giảm từ
50% xuống 39% trong tổng số xuất cảng. Từ hồi Tập Cận Bình lên đến nay, tỷ số
đó không giảm. Tập Cận Bình muốn dùng thị trường Nga để giảm bớt ảnh hưởng của
các nước Âu Mỹ, nhưng nước Nga chỉ mua 2% hàng xuất cảng của Trung Quốc.
Hai bước đi lầm
lẫn của Tập Cận Bình, trong nước và bên ngoài, không thể nào che giấu được. Lý
Khắc Cường biết, và biết rằng quan chức cán bộ cũng biết. Cho nên cuộc tranh
giành ảnh hưởng và quyền lực đã bắt đầu. Muốn biết kết cục ra sao phải coi tiếp
các hồi sau mới rõ!
No comments:
Post a Comment