Wednesday, June 22, 2022

Mối đe dọa của các cường quốc chuyên chế

Bình Luận

Cuộc chiến trong tương lai của nhân loại là cuộc tương tranh không khoang nhượng giữa khối độc tài dưới sự lãnh đạo của Nga Tàu và khối dân chủ dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và khối Liên Âu.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Hiếu Chân với tựa đề: Mối đe dọa của các cường quốc chuyên chế” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân

Các ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, và Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, không chỉ cầm đầu các chính thể độc tài chuyên chế mà còn nuôi tham vọng bành trướng, “thu hồi” các vùng đất thuộc về các đế chế Nga và phong kiến Trung Hoa cũ. Điều đó đặt ra một thách thức khủng khiếp cho các nước nhỏ bên cạnh hai cường quốc này và đòi hỏi Hoa Kỳ phải có đối sách thích hợp.

Trong lúc cuộc chiến tranh đang diễn ra hết sức khốc liệt ở vùng Donbass phía Đông Ukraine, ông Putin đã có một hành động đáng chú ý: đến khai trương cuộc triển lãm về Sa Hoàng Peter Đại Đế (1672-1725) nhân kỷ niệm 350 năm ngày sinh của ông – người được coi là hoàng đế đầu tiên đã biến nước Nga từ một nước nông nghiệp lạc hậu ở Châu Á thành một cường quốc Châu Âu vào thế kỷ 18. Tại cuộc triển lãm ông Putin đã ví mình ngang với nhà cai trị thuở xưa và nói cả hai người có sứ mệnh mở rộng bờ cõi nước Nga.

Tham vọng của ông Putin không khác so với “Trung Hoa Mộng” của ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc. Cũng như ông Putin, ông Tập muốn khôi phục đế chế Trung Hoa vĩ đại thời nhà Thanh, giành lại những lãnh thổ “đã mất,” hoặc bằng vũ lực, hoặc bằng mua chuộc. Trong 14 nước giáp biên với Trung Quốc trên đất liền và bốn nước giáp biển, nhiều nước đã bị Trung Quốc gây hấn và chiếm đất, từ nước lớn như Ấn Độ, Nga đến nước nhỏ như Việt Nam, Tajikistan.

Người Trung Quốc từ nhỏ đã được thấm nhuần cái gọi là tư tưởng Đại Hán, theo đó Trung Quốc là trung tâm của thế giới, là xứ văn minh trong lúc các nước chung quanh chỉ là các tiểu quốc “man di,” là chư hầu của Trung Quốc. Ngay trong đất nước Trung Hoa, chỉ có dân tộc Hán mới là giống người thượng đẳng, còn người Hồi, Mông, Tạng chỉ là những sắc dân bán khai cần được khai hóa và giáo dục. Cuộc diệt chủng về văn hóa đang diễn ra với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) theo Hồi Giáo ở Tân Cương, hay người Tây Tạng theo Phật Giáo Mật tông ở Tây Tạng là cuộc thanh lọc sắc tộc lớn nhất, có căn cứ từ chủ nghĩa dân tộc vị chủng của người Hán.

Ở Nga cũng vậy, ông Putin từ năm 2007 đã cho tuyên truyền sâu rộng trong dân chúng Nga rằng sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là “thảm họa về địa chính trị trầm trọng nhất của thế kỷ 20,” củng cố cái quan niệm rằng người Nga là thượng đẳng so với các dân tộc thiểu số trong Liên Xô cũ, do đó Nga có nhiệm vụ khai hóa cho các dân tộc khác. Cuộc chiến tranh Ukraine lúc đầu được ông Putin tuyên truyền là để “cứu” người Nga và người Ukraine đang khốn khổ dưới ách phát xít, dù bên ngoài ai cũng biết rằng điều đó là gian dối, rằng chủ nghĩa phát xít đang mạnh lên ở chính nước Nga chứ không ở đâu khác.

Chủ nghĩa dân tộc không chỉ cần giáo dục niềm tự hào về quốc gia, dân tộc, về truyền thống văn hóa mà còn phải dựng lên một kẻ thù để hướng sự căm thù của dân chúng vào. Đối với chính phủ chuyên chế của ông Tập và ông Putin, kẻ thù không ai khác hơn là Hoa Kỳ và khối các nước dân chủ tự do.

Truyền thông Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp bất hợp pháp vào công việc nội bộ của nước này trong các vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông, Đài Loan, lên án Hoa Kỳ bao vây nước này bằng các liên minh theo kiểu NATO như nhóm Bộ Tứ (QUAD), hiệp ước an ninh AUKUS (Anh-Mỹ-Úc)… dù Bắc Kinh không bao giờ thừa nhận chính Trung Quốc đã và đang lôi kéo nhiều nước khác về phe mình để đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ xa khỏi khu vực.

Ở Nga, ông Putin dùng bóng ma của NATO và Hoa Kỳ như một con ngáo ộp để biện minh cho các cuộc chiến của ông ta. Nga đánh Ukraine là để ngăn NATO mở rộng tới biên giới của Nga, đe dọa an ninh quốc gia Nga, ông ta nói như vậy, dù ai cũng biết là với kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, an ninh của Nga luôn được bảo đảm, ngay cả Hoa Kỳ cũng sẽ không bao giờ liều lĩnh tấn công quân sự vào nước Nga. Chiêu bài NATO của ông Putin hầu như không còn tác dụng khi mới đây Phần Lan và Thụy Điển nộp hồ sơ gia nhập NATO và ông Putin tuyên bố ráo hoảnh: “Không có vấn đề gì!”

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” – cùng nuôi tham vọng bành trướng, cùng có kẻ thù chung là Hoa Kỳ và Tây phương, Nga và Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành “đồng chí” chung một chiến hào. Đó là lý do tại sao trong cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra, Moscow tin họ có chỗ dựa đáng tin cậy và vững chắc là Bắc Kinh.

Không nghi ngờ gì nữa, hai ông Putin và Tập đang làm trỗi dậy một liên minh các cường quốc chuyên chế với triết lý nền tảng là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, là tham vọng bành trướng. Điều đó không chỉ đe dọa các quốc gia nhỏ bé láng giềng của họ mà có nguy cơ lôi kéo thế giới vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, sâu rộng và nguy hiểm hơn. Những cường quốc chuyên chế cũ – phát xít Đức và quân phiệt Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến – cũng đặt căn bản ý thức hệ trên chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cũng xâm lược và bành trướng lãnh thổ nhưng quy mô kinh tế của Đức và Nhật nhỏ bé hơn rất nhiều so với đại cường Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu; khác hẳn quy mô và vị thế của Nga-Trung hiện nay.

Sự tham gia của Mỹ vào Đệ Nhị Thế Chiến, sau khi Nhật bất ngờ ném bom Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) ngày 7 Tháng Mười Hai, 1941, là yếu tố quyết định dẫn tới sự đầu hàng của Berlin và Tokyo, chấm dứt thể chế phát xít-quân phiệt, mở ra tiến trình dân chủ hóa hai nước Nhật và Đức.

Bây giờ Hoa Kỳ sẽ làm gì trước sự trỗi dậy của các cường quốc chuyên chế mới giữa lúc nước Mỹ và Tây phương đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có như sự phân liệt chính trị trong nội bộ và nguy cơ suy thoái kinh tế? Chiến tranh Nga-Ukraine liệu có thể là ngòi nổ cho một cuộc xung đột lớn hơn, dẫn tới sự suy vong của các thể chế độc tài ở Nga-Trung Quốc và mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới cho nhân loại? 

 

No comments:

Post a Comment