Scandal Việt- Á phát xuất từ những tệ nạn mang tính hệ thống của Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa, dung dưỡng cho tham nhũng tràn lan. Bao lâu đất nước chưa dân chủ hóa, ngày ấy nhiều người Việt còn mất mạng vì bệnh tật và tham nhũng.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình
luận của Trân Văn với tựa đề: “Scandal Việt Á mất thêm một
mạng người thì cũng... thế?” sẽ
được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm
nay.
Trân Văn
Hơn 20.000 người Việt đã
chết trong đợt dịch COVID-19 thứ tư dường như chưa đủ, thêm một người tự tử để
đệ đạt nguyện vọng: “Tìm ra nguyên nhân vấn đề, xử đúng người, đúng tội” có lẽ
cũng sẽ chẳng đến đâu!
Bà Nguyễn Thị Thuý Oanh,
52 tuổi, Trưởng khoa Dược của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp vừa tự tử. Theo
tờ Nhân Dân thì bà Oanh để lại hai thư tuyệt mệnh. Một viết về suy nghĩ của bà
đối với “Việc chỉ định thầu rút gọn bộ test PCR của Việt Á”
và nhấn mạnh “Tôi không nhận tiền, quà từ Công ty Việt Á”. Thư còn
lại gửi cho chồng và hai con. Tuy không có cơ quan truyền thông chính thức
nào ở Việt Nam giới thiệu nội dung hai thư tuyệt mạng của bà Oanh nhưng nhiều
người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đã chia sẻ ảnh chụp hai thư tuyệt mạng mà tờ
Nhân Dân đề cập.
Báo chí Việt Nam xác định,
trước khi tự tử, bà Oanh cùng nhiều người khác đã bị Công an tỉnh Đồng Tháp
triệu tập để lấy lời khai về những vấn đề có liên quan tới gói thầu mua sắm
thiết bị y tế của Công ty Việt Á. Một viên đại tá là Giám đốc Công an Đồng Tháp
cho biết, công an “mời bà Oanh đến làm việc bởi theo quy trình, công an phải
làm việc với những người liên quan tới gói thầu của Việt Á”. Về lý,
điều này không sai nhưng không thỏa đáng, cùng là công dân Việt Nam và bình
đẳng trước pháp luật, tại sao các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật không
mời ông Pham Minh Chính (Thủ tướng), ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học
Công nghệ - KHCN), ông Nguyễn Thành Long (Bộ trưởng Y tế) làm việc?
Nếu ông Chính không chỉ
đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không liên tục đôn
đốc, thậm chí dùng nhiều biện pháp khác nhau để thúc ép toàn bộ hệ thống chính
trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tiến hành... “thần
tốc xét nghiệm diện rộng” thì các địa phương có thi nhau... “chỉ
định thầu” mua các bộ COVID-19 test kit và nay thi nhau giải trình, kiểm
điểm hay không? Không mời ông Chính “làm việc” thì làm sao biết chuyện
ông bất chấp cảnh báo của các chuyên gia và một số viên chức hữu trách về sự
lãng phí tiền bạc, nhân lực, khiến dịch bệnh phát tán rộng hơn, hậu quả nghiêm
trọng hơn là do tác động từ ai đó liên quan đến sự nghiệp của Công ty Việt Á
hay chỉ vì đã thiếu hiểu biết còn chủ quan nên gây hậu quả nghiêm trọng?
Tương tự, nếu ông Chu Ngọc
Anh, ông Nguyễn Thành Long không phê duyệt việc dùng công quỹ để se duyên cho
Học viện Quân y và Công ty Việt Á nghiên cứu bộ xét nghiệm COVID-19, đủ ý thức
trách nhiệm và đủ năng lực không để các cơ quan hữu trách tung tin giả rằng WHO
(Tổ chức Y tế Thế giới)... công nhận chất lượng và chấp thuận cho sử
dụng bộ xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất, kịp thời can ngăn
Thủ tướng, không cùng Thủ tướng xướng họa về “thần tốc xét nghiệm diện
rộng”, không thả nổi việc mua sắm, sử dụng các bộ xét nghiệm
COVID-19,... thì Công ty Việt Á có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cả về
tiền bạc lẫn nhân lực như vậy hay không? Sao các cơ quan bảo vệ và thực thi
pháp luật không mời ông Anh, ông Long... “làm việc”
Vì tuyệt vọng, công dân
Nguyễn Thị Thuý Oanh chọn tự tử để đệ đạt nguyện vọng: “Tìm ra nguyên nhân vấn đề, xử đúng người,
đúng tội”, sau khi bị... làm nhục bằng “giải
trình, kiểm điểm, phải ‘làm việc’ với công an” về “việc chỉ
định thầu rút gọn bộ test PCR của Việt Á”, bất kể trước
đó có... “hơn nửa năm ròng rã cùng ngành y tế chống dịch, không
nghỉ ngơi và gần như không lo gì được cho con cái”! Chẳng riêng bà Oanh,
rất nhiều nhân viên y tế đã cũng như đang bị nhục mạ vừa vì không thể sống được
bằng thu nhập từ nghề nghiệp của họ, vừa vì sự đãi bôi xem họ như trẻ con, dễ
dụ, dễ gạt của nhiều viên chức hữu trách, dẫn đầu là Thủ tướng Cộng hòa XHCN
Việt Nam.
Thượng
tuần tháng 11 năm ngoái, khi Quốc hội
khóa 15 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại đợt hai của Kỳ họp thứ hai,
lúc hậu quả đợt dịch thứ tư còn nóng hổi, ai cũng thấy vai trò của nhân viên y
tế quan trọng thế nào nhưng cuộc sống của họ cơ cực ra sao và giá mà xã hội
phải trả cho sự rẻ rúng ấy, ông Chính... thỏ thẻ: Chúng ta có thể mua
nhanh trang thiết bị nhưng đào tạo nhân lực như đào tạo bác sĩ ít nhất phải sáu
năm. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực ngành y. Thời gian tới phải tập
trung đào tạo nhân lực... Ngay sau đó – sau những hứa hẹn về đầu tư
thỏa đáng cho y tế cơ sở - là chuyện nhân viên y tế - nguồn
nhân lực hiện hữu của ngành y - bỏ việc hàng loạt vì lương thấp, không
đủ sống...
Từ đó
đến nay, tình trạng này càng ngày càng tồi tệ mà nguyên nhân vẫn thế, vẫn
là “lương thấp, đãi ngộ kém” dù đợt dịch
COVID-19 thứ tư đã cho thấy, nếu xảy ra biến cố thì sẽ có thảm họa, mức độ
nghiêm trọng của thảm họa sẽ gia tăng vì thiếu lực lượng chăm sóc sức khỏe ban
đầu! Mới đây, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu – một Đại biểu Quốc hội - tiếp tục van nài
như nhiều đồng nghiệp đã từng nài van: Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn
việc hồi phục để một ngành trụ cột trong an sinh xã hội phát triển tốt hơn sẽ diễn ra như thế nào? Không
thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một ngành tê liệt. Những khó khăn trước
đây như thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm đấu thầu trang thiết bị, vật tư
thuốc men không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết.
Hơn 20.000 người Việt đã
chết trong đợt dịch COVID-19 thứ tư dường như chưa đủ, thêm một người tự tử để
đệ đạt nguyện vọng: “Tìm ra nguyên
nhân vấn đề, xử đúng người, đúng tội” có lẽ cũng sẽ chẳng đến
đâu! Với đảng “ta” thì bao nhiêu mới đủ?
No comments:
Post a Comment