Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Miên Dương trình bày sau đây.
1) TNLT PHẠM CHÍ DŨNG KHÔNG NHẬN THỨC ĂN ĐỂ ĐẤU TRANH CHO BẠN TÙ
Ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội Nhà báo Độc lập VN đang thọ án 15 năm tù
tại trại giam Xuân Lộc, đã từ chối nhận thức ăn để phản đối đám cai tù không
cung cấp dịch vụ y tế cho một số tù nhân lương tâm.
Tin trên do TNLT Huỳnh Đức Thanh Bình, người bị kết án 10 năm tù và ở
phòng giam sát cạnh ông Dũng, kể với mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ trong chuyến gặp
gỡ vào ngày 14/6 vừa qua. Lý do mà ông Phạm Chí Dũng không nhận thức ăn của
trại giam ở tỉnh Đồng Nai là nhằm phản đối nhiều tù nhân bị giam đang bị đau
răng nhưng không được chăm sóc y tế.
Bà Bùi Thị Hồng Loan, vợ ông Dũng, cũng xác nhận là chồng mình không nhận
thịt cá từ khẩu phần vào ngày 5/6 để phản đối đám cai tù không điều trị cho các
tù nhân bị đau răng. Bà Loan cho biết thêm là ông Dũng vẫn nhận cơm trắng từ
trại giam để ăn với thức ăn do gia đình cung cấp.
Cần biết là hiện có một số tù nhân lương tâm đang bị giam giữ cùng với
ông Dũng tại trại giam Xuân Lộc như ông Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Văn Đức Độ, Huỳnh
Trương Ca và Huỳnh Đức Thăng Bình.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng 56 tuổi là một sáng lập viên
hội Nhà báo độc lập Việt Nam, giữ chức chủ tịch từ khi hội thành lập năm 2014
đến khi ông bị bắt giữ vào tháng 11 năm 2019. Ông từng được tổ chức Ký giả Không
Biên giới (RSF) trao giải Anh hùng Thông tin vào năm 2014 vì hoạt động báo chí
của mình.
2) NƯỚC ANH ĐIỀU TRA TÀI KHOẢN HỖ TRỢ CỦA BÀ
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Chính phủ Anh đang điều tra một tài khoản trị giá
155 triệu bảng Anh cho một ngôi trường trực thuộc đại học Oxford từ công ty
Sovico mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch.
Các mối quan ngại được đưa ra tại hạ viện Anh đối
với bản ghi nhớ của Linacre College với tập đoàn Sovico, trong đó có kế hoạch
đổi tên ngôi trường thành Thao College sau khi nhận được khoản tiền 50 triệu
bảng Anh đầu tiên. Bản ghi nhớ này được hai bên ký kết vào ngày 31/10 năm
ngoái.
Việc đổi tên là nhằm vinh danh bà Nguyễn Thị
Phương Thảo. Phát ngôn nhân của trường Linacre College cho biết đã thực hiện
các bước bảo đảm các khoản tài trợ sẽ phù hợp với luật pháp. Tuy nhiên bà
Michelle Donelan, quốc vụ khanh các mảng đại học của Anh, tuyên bố là đang
“tích cực điều tra” vấn đề này và sẽ công bố thông tin trong vài ngày tới.
Cuộc điều tra diễn ra sau khi dân biểu Julian
Lewis nêu lên mối quan ngại này tại phiên thảo luận ở quốc hội. Ông Lewis nhấn
mạnh là Hội đồng Cơ mật của Oxford đã chấp thuận việc đổi tên và liệu chính phủ
Anh có quan điểm gì về việc này hay không. Ông Lewis tuyên bố là không thể nào
có các công ty độc lập làm việc trong các nước cộng sản.
Vào hôm thứ Hai 12/6, chính phủ Anh đã đề nghị sửa
đổi Dự luật Tự do Ngôn luận nhằm hạn chế mức ảnh hưởng của ngoại quốc đối với
các đại học.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61813053
3) VN GHI NHẬN
HƠN 52 NGÀN TRƯỜNG HỢP SỐT XUẤT HUYẾT VỚI 36 NGƯỜI CHẾT
Số người bị bịnh sốt
xuất huyết ở VN đang gia tăng từng ngày, với tổng cộng hơn 52 ngàn người bị nhiễm
bệnh với 36 tử vong, tính đến ngày 14/6.
Bộ y tế VN cho biết
số liệu nói trên và đưa ra cảnh báo hiện đang là cao điểm của mùa dịch, với số người
bị nhiễm liên tục gia tăng tại nhiều tỉnh thành trong mấy tuần qua, và dự báo sẽ
còn tăng cao nếu không có biện pháp quyết liệt chống dịch. Theo dự báo thì dịch
sốt xuất huyết có thể bộc phát vào tháng 6 và tháng 7 năm nay.
Trước đó trong
công văn khẩn cấp phát đi vào hôm 27/4, bộ y tế VN cho biết là tính từ đầu năm
đến cuối tháng 4 vừa qua, VN ghi nhận hơn 14 ngàn trường hợp sốt xuất huyết với
6 người tử vong. Tính đến ngày 14/6, số người bị nhiễm đã vọt qua mức 52 ngàn
và 36 người tử vong, có thể thấy được là trong vòng một tháng rưởi, số người bị
nhiễm đã tăng gấp 3 lần.
4) TRUNG CỘNG
THAY ĐỔI LỊCH SỬ: HỒNG KÔNG KHÔNG LÀ THUỘC ĐỊA ANH
Trong hành động lố
bịch và phủ nhận lịch sử thế giới, sách giáo khoa mới ở Hoa Lục cho biết là Hồng
Kông chưa bao giờ từng là thuộc địa của Anh. Thay vào đó, các bộ sách này tuyên
bố người Anh chỉ “thực hiện quyền cai trị thực dân” ở Hồng Kông.
Trung Cộng khẳng định
là không bao giờ từ bỏ chủ quyền và việc đầu hàng trao cho Anh nhượng địa Hồng
Kông là do hiệp ước bất công của cuộc Chiến tranh Nha phiến vào năm 1800. Tuy
nhiên nước Anh đã trao trả nhượng địa này cho Trung Cộng vào năm 1997 sau hơn
150 năm cai trị, biến vùng đất này thành một trung tâm tài chánh hàng đầu thế
giới.
Trong các bộ sách
mới, giới chức Hoa Lục tuyên bố là người Anh chỉ “thực hiện sự cai trị thực
dân” vì vậy “Hồng Kông không phải là thuộc địa của Anh”. Các cuốn sách này được
biên soạn để giảng dạy ở Hồng Kông, tập trung vào lý tưởng công dân, luật pháp
và lòng yêu nước.
Sau khi trao trả Hồng Kông vào năm 1997,
bạo quyền Trung Cộng đã xếp thành phố này là một đặc khu hành chính với hệ
thống quản lý và kinh tế riêng, cho phép các cá nhân có nhiều quyền tự do hơn
so với trong đại lục. Thế nhưng sau các cuộc biểu tình lớn năm 2019, Trung Cộng
đã đàn áp các quyền tự do dân sự vốn được cho phép trước đây. Đến năm 2020, Trung
Cộng áp đặt đạo luật an ninh quốc gia, nội dung cấm hầu hết các hình thức chỉ
trích chính trị.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-61815463
5) MÃ LAI KÊU GỌI
CỨNG RẮN HƠN VỚI TÀU HẢI CẢNH TRUNG CỘNG
Dân biểu Mã Lai,
ông Larry Wei Shein, vào đầu tuần này đã kêu gọi chính phủ cần phải có hành động
mạnh trước việc tàu hải cảnh Trung Cộng liên tục xâm nhập vào hải phận và bắt nạt
các ngư dân Mã Lai.
Báo chí Mã Lai
trích lời ông Larry Wei Shein cho biết là ông này rất thất vọng trước tình trạng
chính phủ coi nhẹ những vụ xâm lấn nói trên. Ông cho biết là các ngư dân Mã Lai
đang rất khổ sở trước tình trạng này. Ông Shein cũng kêu gọi chính phủ Mã Lai
phải có hành động kiên quyết hơn với các tàu Trung Cộng đang xâm nhập vào vùng
biển Mã Lai.
Không chỉ có Mã
Lai, ông Shein cũng nhắc đến các nước láng giềng như Philippines, VN, Brunei
đang vất vả chống chọi với tàu chiến Trung Cộng. Trong các năm qua, Mã Lai đã
chọn giải pháp im lặng trước các hành vi hung hăng của Trung Cộng ở Biển Đông với
mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment