Kính thưa quý thính giả, hơn ngàn năm trước, có vị tướng khởi
binh đánh đuổi quân Nam Hán, chiếm thành Đại La, giành lại quyền tự chủ
cho đất nước, cùng với lời tuyên bố đanh thép: “Một là tiếp nối truyền
thống bất khuất, tinh thần tự chủ cho dân tộc dù bị ngàn năm đô hộ. Hai
là tạo nên một hậu phương vững chắc cho thế hệ mai sau giành độc lập cho
nước nhà”.
Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Tiết Độ Sứ Dương Diên Nghệ” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Tiết Độ Sứ Dương Diên Nghệ” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Dương Diên Nghệ là một hào trưởng ở làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu
Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thời Khúc Hạo cầm quyền cai trị
Giao Châu từ năm 907 đến năm 917, Dương Diên Nghệ là một trong những
thuộc tướng của Khúc Hạo. Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên
nối nghiệp. Dương Diên Nghệ tiếp tục làm thuộc tướng cho Khúc Thừa Mỹ.
Năm 930, nhà Nam Hán đưa quân sang xâm lược nước Nam, bắt Tiết độ sứ
Khúc Thừa Mỹ, đánh chiếm thành Đại La và giao cho Thứ sử Lý Tiến cai
quản.
Năm 931, Dương Diên Nghệ được sự ủng hộ của dân chúng và hào kiệt các địa phương như Ngô Quyền, Đinh Công Trứ .v.v… mang quân vượt rừng núi, từ Thanh Hóa tiến ra Giao Châu, bao vây và tấn công thành Đại La.
Nhận được tin dữ, triều đình Nam Hán vội cử Thừa chỉ Trình Bảo đem quân sang cứu viện. Viện binh chưa kịp đến thì Dương Diên Nghệ đã hạ được thành, quân Nam Hán tan vỡ, tướng giặc là Khắc Trinh bị giết chết, Thứ sử Lý Tiến thoát chạy về nước.
Quân cứu viện của Nam Hán kéo vào, chưa kịp ổn định đã bị Dương Diên Nghệ đem quân ra ngoài thành, tấn công tiêu diệt. Quân Nam Hán bị đánh bất ngờ nên rối loạn hàng ngũ và tan rã. Tướng Nam Hán là Trình Bảo bị giết tại trận.
Sau cuộc chiến này, Nam Việt trở thành một nước tự chủ, thoát khỏi sự cai trị của giới quan lại bên Tàu, Dương Diên Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, bắt tay vào xây dựng chính quyền, tổ chức lại việc trị quốc. Ngài giao cho Đinh Công Trứ giữ chức Thứ sử Hoan Châu và đem quân Bắc tiến, đánh bại liên tiếp hai đạo quân Nam Hán, và giết chết tên tướng chỉ huy cứu viện.
Theo sử sách Đại Việt, Dương Diên Nghệ không những là một vị tướng giỏi về cầm binh mà còn đích thân huấn luyện được một đạo quân tinh nhuệ hơn 3 vạn người. Chính ông đã nêu cao tinh thần đoàn kết trong nội bộ, tận tâm trong công việc và nhất là thương yêu và chăm sóc cho quân sĩ, khiến toàn quân đồng lòng hy sinh, tạo được các chiến thắng nhanh chóng.
Tháng 3 năm Đinh Dậu (937), Dương Diên Nghệ bị thuộc tướng Kiều Công Tiễn phản bội và giết chết. Nhưng sau đó thì Kiều Công Tiễn cũng bị Ngô Quyền chém đầu.
Hiện nay ở thành phố Hà Nội và Thanh Hóa có các con phố mang tên ông.
* * *
Việc đánh đuổi quân Nam Hán của Dương Diên Nghệ là trận khai mào đầu tiên cho tiến trình dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc Việt sau 1000 năm Bắc thuộc, đúng như lời tuyên bố dõng dạc của Dương Diên Nghệ trước ba quân tướng sĩ. Hơn thế nữa, đây là một cuộc chiến tái chiếm những đất đai đã mất vào tay phương Bắc, chứ không chỉ phòng vệ hay đẩy lui quân thù phương Bắc.
Nhưng điều đáng nói hơn cả là chính Dương Diên Nghệ đã tập hợp và đào tạo ra những con người rất quan trọng cho cuộc chiến xây dựng nền móng độc lập vững chắc cho dân tộc suốt mấy trăm năm sau đó. Trong số đó nổi bật nhất là Ngô Quyền, một thuộc tướng và cũng là người con rể của ông.
Các chiến thắng của Dương Diên Nghệ trước quân Nam Hán tuy không lẫy lừng bằng trận thủy chiến phá tan đạo quân chủ lực Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, nhưng chính các trận chiến đó đã củng cố niềm tin cho quân dân nước Việt trước dã tâm xâm lược của phương Bắc. Có thể nói rằng, Dương Diên Nghệ là người đã tạo điều kiện dễ dàng cho Ngô Quyền và các tướng lãnh kế thừa đại cuộc phục quốc sau khi ông bị giết hại.
Chính vì thế, vị anh hùng Dương Diên Nghệ xứng đáng có một chỗ đứng vinh quang tại mọi đền thờ của những bậc tiền nhân đã hy sinh máu xương để dựng nước và giữ nước. Và câu nói “Tiếp tục truyền thống bất khuất và tự chủ của giống nòi” của Ngài cần phải được tạc vào bia đá một cách long trọng để nhắc nhở con cháu về ý chí quật cường của các bậc tiền nhân.
Chưa bao giờ câu tuyên bố dõng dạc của tiền nhân Dương Diên Nghệ từ một ngàn năm trước lại trở nên vô cùng cấp thiết trong bối cảnh tập đoàn lãnh đạo CSVN đang cúi đầu khuất phục Trung Cộng, thậm chí là bị chúng xỉ vả mà vẫn cắn răng xưng tụng mối quan hệ hữu nghị Việt – Hoa, bất chấp sự căm phẫn của toàn dân.
Nếu nói về tương quan lực lượng, dân tộc VN mãi mãi không bằng dân Hán. Nếu nói về khát vọng sống chung trong hòa bình thì có lẽ không dân tộc nào hơn VN với hàng trăm cuộc nổi dậy và kháng chiến chống phương Bắc kể từ khi vua Hùng dựng nước. Thế nhưng, dân tộc Việt đã không có sự lựa chọn nào khác vì kẻ thù truyền kiếp là nước Tàu không bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược VN để độc chiếm Biển Đông.
Đó là định mệnh khắc nghiệt, nhưng cũng là cơ hội để rèn luyện ý chí sinh tồn của cả dân tộc. Nếu các bậc tiền nhân ngày xưa cũng ươn hèn và chỉ biết biện hộ cho khát vọng chung sống hòa bình như giới lãnh đạo cộng sản hôm nay, thì có lẽ VN từ lâu đã biến thành một tỉnh thành của Tàu, tương tự như Quảng Đông và Quảng Tây thuộc giòng Bách Việt.
Thế nhưng bây giờ, việc sát nhập vào nước Tàu đang được tập đoàn cộng sản VN cam kết thi hành tại hội nghị Thành Đô khi họ kéo nhau sang Tàu cầu cứu Đặng Tiểu Bình vào năm 1990.
Hơn lúc nào hết, nước Việt cần có một Dương Diên Nghệ để huy động toàn dân đánh cho quân Tàu biết rằng “Nam quốc sơn hà chi hữu chủ”, chứ không rụt rè sợ hãi đến độ không dám kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế như tập đoàn lãnh đạo cộng sản hiện nay./.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment