Friday, December 28, 2018

Tương Quan Giữa 2 Khái Niệm Nhân Quyền Và Chủ Quyền Quốc Gia

Quan Điểm

Trào lưu dân chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên đang là thịnh trào của thế giới đương đại. Tuy nhiên tiến trình dân chủ hóa gặp nhiều khó khăn vì tương quan giữa 2 khái niệm Nhân Quyền và Chủ Quyền Quốc Gia, trên bình diện luật quốc tế, chưa phải là một tương quan nghiêm chỉnh. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Tương Quan Giữa 2 Khái Niệm Nhân Quyền Và Chủ Quyền Quốc Gia” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Trong mấy ngày gần đây, có 2 hiện tượng quan trọng liên hệ đến tiến trình giải thể các chế độ độc tài cộng sản trên thế giới.

Đó là:
1. Hôm thứ Tư ngày 19 tháng 12, 2018 Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phê chuẩn ban hành Sắc Luật Tiếp Cận Hai Chiều Tây Tạng 2018 (The Reciprocal Access to Tibet Act of 2018) do dân biểu đảng Dân Chủ Jim McGovern đề xướng tại Hạ Viện và được lưỡng đảng tại lưỡng viện đồng thuận thông qua.
2. Thẩm phán liên bang Beryl A. Howell, trong một phiên xử của tòa án Liên Bang, đã tuyên phạt chính quyền Bắc Hàn phải bồi thường $500 triệu cho gia đình công dân Hoa Kỳ Warmbier vì cái chết của con trai của họ là Otto Warmbier, khi bị công an mật vụ cộng sản Bắc Hàn tra tấn dã man năm 2016.
Hiện tượng thứ nhất liên hệ đến Tây Tạng diễn ra trên căn bản của nguyên tắc “tiếp cận tương xứng và đáp ứng hai chiều” của luật ngoại giao (mutual access and reciprocity of diplomatic law). Phía Hoa Kỳ đã luôn luôn tuân thủ nguyên tắc này và các nhà ngoại giao, phóng viên hoặc du khách Trung Quốc được hoàn toàn tự do tiếp cận mọi nơi chốn, tập thể và cá nhân tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc lại dựng lên nhiều ngăn cản nhất là liên hệ đến vùng Tây Tạng và sắc dân Tây Tạng.
Dưới sắc luật mới này thì tất cả những cơ quan chính quyền TQ dính líu vào sự hình thành và thực thi các chính sách ngăn chận tiếp cận Tây Tạng này sẽ không được quyền có visa hay đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ.
Biến cố thứ nhì liên hệ đến một thanh niên Hoa Kỳ du lịch tại Bắc Hàn. Anh bị bắt năm 2016 và vu cáo là đánh cắp một bố cáo chính trị trong vùng cấm của một khách sạn. Anh bị xử dụng như một món hàng mà cả trong cuộc thương thuyết với Hoa Kỳ và tra tấn dã man suốt 17 tháng trong ngục tù CS Bắc Hàn. Anh trở về Hoa Kỳ và qua đời vì những tra tấn dã man đó.
Tuy 2 biến cố nêu trên phát xuất từ 2 nguồn gốc khác nhau. Một từ lập pháp tức Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một sắc luật mới. Một phát xuất từ một phiên xử của một pháp đình tư pháp độc lập của Hoa Kỳ. Nhưng trên bản chất cả 2 biến cố đều liên hệ đến 2 khái niệm căn bản của luật quốc tế, đó là các khái niệm Nhân Quyền (Human rights) và Chủ Quyền Quốc Gia (State Sovereignty).
Nhân quyền có thể được định nghĩa như những quyền căn bản phát xuất từ bản chất nhân tính của mọi con người và được cụ thể hóa chi tiết trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc 1948.
Chủ Quyền Quốc Gia có thể được định nghĩa như tính tuyệt đối của một quốc gia trong tác động xây dựng và điều hành guồng máy chính quyền nội bộ của mình, mà không bị bất cứ một chính quyền ngoại bang nào xen lấn. Chủ quyền quốc gia trên nguyên tắc là tuyệt đối bất khả xâm phạm và bình đẳng giữa các quốc gia, không phân biệt nước lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu.
Tuy nhiên, một thực tế không thể chối cãi là trong thế giới đương đại, các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản, thường núp bóng khái niệm chủ quyền quốc gia, hầu vi phạm nhân quyền trầm trọng. Saddam Hussein trong quá khứ, CSTQ, CS Bắc Hàn, và CSVN trong hiện tại.
Một trong những biện minh của CSTQ và CSVN là tại các quốc gia của họ không có tù nhân lương tâm mà chỉ có tù nhân hình sự. Lý do là vì họ núp bóng khái niệm Chủ Quyền Quốc Gia, thông qua những điều khoản vô cùng phản nhân quyền trong Bộ Luật Hình Sự hoặc các bộ luật khác như Luật An Ninh Mạng và liệt kê những tù nhân lương tâm hay chính trị vào danh sách những tù nhân hình sự.
Tại TQ thì hằng triệu người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm trong các trại cải tạo và chính quyền TQ lại lớn tiếng ngăn cấm quốc tế chỉ trích vì làm như thế là xen lấn vào chuyện nội bộ của TQ, vi phạm nguyên tắc Chủ Quyền Quốc Gia.
Sắc Luật Tiếp Cận Hai Chiều Tây Tạng mà TT Donald Trump vữa ký ban hành là một bước tiến dài trong tác động nâng cao tầm vóc của khái niệm Nhân Quyền.
Hiện tượng Thẩm phán liên bang Beryl A. Howell tuyên phạt CS Bắc Hàn $500 triệu sẽ đi về đâu chúng ta chưa biết và chừng nào họ mới nhận được bồi thường vì những trở ngại do khái niệm Chủ Quyền Quốc Gia tuyệt đối nêu trên. Cần nhận xét rằng đây không phải là phiên xử duy nhất đối với các chế độ độc tài. Một vài quan tòa tại Âu Châu đã từng tuyên xử tương tự.
Tuy nhiên, rõ ràng các chế độ độc tài CS vẫn nhởn nhơ trên xương máu của công dân xứ họ như CSTQ, CSVN và CS Bắc Hàn.
Đã đến lúc, tương quan giữa hai khái niệm Nhân Quyền và Chủ Quyền Quốc Gia cần phải được duyệt xét và điều chỉnh, hầu gia tốc cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam và Trung Quốc nói riêng và cho sự phát triển cũng như thực thi quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên trên toàn thế giới nói chung.
Trong tinh thần đó, 1 trong những công tác quan trọng đầu tiên của 1 chính phủ VN hậu CS phải là:
Trao trọng trách cho Đại sứ VN tại Liên Hiệp Quốc đề nghị tu chính bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948, hầu khắc ghi một nguyên tắc mới làm căn bản cho Công Pháp Quốc Tế. 
LLCQ

No comments:

Post a Comment