Tuesday, December 11, 2018

Thầy cô sử dụng những biện pháp phản giáo dục với học trò – đâu là gốc rễ của vấn đề?

Bình Luận

Thưa quý thính giả, trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa, sự dối trá, bạo lực tuyệt đối lên ngôi và thấm nhuần mọi tầng lớp xã hội, kể cả tại các trường học đào tạo ra thế hệ tương lai.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Song Chi với tựa đề: “Thầy cô sử dụng những biện pháp phản giáo dục với học trò – đâu là gốc rễ của vấn đề?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Những câu chuyện về sự bạo hành hay cách ứng xử phản giáo dục của các thầy cô giáo, bảo mẫu, dành cho các em học sinh của mình, kể cả lứa tuổi mầm non bé bỏng, đã không còn là chuyện mới mẻ gì nữa trong xã hội VN những năm gần đây. Nhưng càng ngày, dường như mức độ phản giáo dục, thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu vắng tính nhân bản trong chính những con người được mệnh danh là nhà giáo càng gia tăng!

Mới hồi tháng Tư năm nay, dư luận sững sốt, phẫn nộ trước câu chuyện một cô giáo Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng), chủ nhiệm lớp 3A5, bắt một em học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng trong lớp!
Ngày 19.11, một em học sinh lớp 6 ở trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vì chửi tục trong lớp nên bị cô giáo chủ nhiệm phạt bằng cách để cả lớp mỗi bạn tát 10 cái, tổng cộng 231 cái, trong đó cái tát bồi cuối cùng là của cô giáo, đến nỗi “mặt mũi tím sưng, tinh thần hoảng loạn, không nói được nên được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu!”
Câu chuyện chưa kịp lắng xuống thì ngày 3.12, “tại trường tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội khi một cô giáo xử phạt học sinh bằng cách cho bạn cùng lớp tát 50 cái. Sau khi bị tát 20 cái, em P. khóc lên vì quá đau thì cô giáo chủ nhiệm mới cho dừng lại.
Từ những câu chuyện trên, có những vấn đề cần lưu ý:
1. Vai trò, vị trí của nghề giáo trong xã hội chưa được thực sự được đánh giá cao, đồng lương lại không thỏa đáng khiến cho trong nhiều năm qua, sư phạm thường không phải là sự ưu tiên chọn lựa đối với phần lớn học sinh khi chọn ngành học. Thậm chí những năm trước, khi phải thi vào Đại học, điểm số một số ngành như Y, Dược, Kinh tế, Bách khoa… luôn cao hơn Sư phạm, khiến cho “đầu vào” của ngành Sư phạm có khá nhiều sinh viên có học lực yếu. Điều này rất khác với nhiều quốc gia khác, đặc biệt như Phần Lan, các thầy cô giáo được trả lương rất cao và yêu cầu tuyển chọn vào ngành giáo rất khó nên những người theo học ngành này phải giỏi.
2. Trong một môi trường xã hội mà chuyện con ông cháu cha hay chuyện nhờ có những mối quan hệ nào đó, nhờ “chạy chọt” để kiếm được một việc làm là chuyện… bình thường, ngành giáo cũng không là ngoại lệ.
3. Căn bệnh chạy theo thành tích. Một “căn bệnh” rất nặng trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề ở VN, trong đó có nghề giáo.
“Sau khi sự việc bị phanh phui, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, người chỉ đạo gây ra 231 cái tát kia (chưa kể cả 670 cái tát dành cho 10 học sinh (HS) khác trước đó), bao biện rằng tất cả chỉ vì cô lo lắng cho xếp hạng thi đua của lớp cô chủ nhiệm. Còn bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng nhà trường, thì xin báo chí đừng lên tiếng vụ việc vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ II.”
Đã từng có những câu chuyện khác, không liên quan, khi một học sinh bị lạm dụng tình dục bởi thầy cô hoặc nhân viên, bảo vệ của nhà trường thì thay vì đứng về phía đứa trẻ là nạn nhân đáng thương, thì tại một vài trường, nhà trường đã tìm cách ém nhẹm câu chuyện, bất hợp tác với phóng viên, vô cảm với nỗi đau của trẻ và phụ huynh… chỉ vì sợ nếu làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của nhà trường!
4. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, hoàn toàn không ý thức được là mình đã làm sai, một điều đáng kinh ngạc ở những con người đã qua tuổi trưởng thành, hoạt động trong môi trường giáo dục, là thầy cô, là Hiệu trưởng, Ban Giám Hiệu… này. Khi dư luận, báo chí lên tiếng, thì các cô giáo kia mới hoảng loạn! Có nghĩa là trước đó họ không hề ý thức được rằng hành động của mình là sai, cho đến khi dư luận phản ứng! Hãy đặt câu hỏi nếu dư luận không phản ứng thì sao, nhất là cô giáo Thủy qua vụ 230 cái tát kia đã từng sử dụng biện pháp bạo lực, mạnh tay với học sinh nhiều lần, ở cả trường cũ lẫn trường mới?
Nhân vật còn đáng trách hơn nữa là bà Hiệu trưởng nơi cô giáo cho học trò tát bạn 230 cái (và trước đó là hàng trăm cái tát, với 10 học sinh khác) đã không phản ứng những lần trước, lần này khi câu chuyện lan truyền thì lại xin báo chí đừng lên tiếng, sau đó lại tiến hành lấy “phiếu điều tra” các em học sinh đã tát bạn với mục đích làm giảm nhẹ sự việc.
Cái đáng sợ nhất là “Họ không nhìn được những gì người khác nhìn thấy”. Nên kết quả có ngay thôi, câu chuyện cô giáo cho học sinh tát bạn 231 cái chưa kịp lắng xuống, thì đã có cô giáo khác cho học sinh tát bạn, chỉ mới học lớp hai, 50 cái.
5. Và cuối cùng: Thiếu hiểu biết về Quyền Con Người, Quyền Trẻ em nên mới hành xử như thế. Bởi trong một xã hội như xã hội VN, Quyền Con Người, Quyền Trẻ em và vô số quyền khác là những khái niệm vô cùng xa xỉ!
Và tôi cũng không nghĩ rằng những câu chuyện tương tự sẽ chấm dứt, trong xã hội VN, khi những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn còn đó./.
Song Chi

No comments:

Post a Comment