Chinh chiến thường khoác mầu ảm đạm. Ngày xưa, chinh phụ đã tưởng nhớ
chinh phu “xông pha gió bãi trăng ngàn” ngoài chiến địa. Ngày nay,
nhìn lại cuộc chiến bảo vệ miền Nam chống lại cộng sản miền Bắc 43 năm
trước đây, hình ảnh người trai mình đầy khói súng lại xuất hiện trên các
điểm nóng của đất nước, như Khe Sanh, Charlie, Quảng Trị, Pleime, đặc
biệt là An Lộc, Xuân Lộc.
Cuộc chiến đẫm máu đó đã ghi vào chiến sử những nét bi hùng nhưng rất nhân bản, với hình ảnh người chiến sĩ một lòng vì nước vì dân, quyết tâm bảo vệ tự do dân chủ và chủ quyền dân tộc, tiêu biểu như “Mùa hè Đỏ Lửa” của Phan Nhật Nam, “Trường Ca Trên Bãi Chiến” của Văn Nguyên Dưỡng, “Sau Cuộc Biển Dâu” của Pham Tín An Ninh. Đồng cảnh và đồng cảm với các tác giả trên, Nguyễn Phúc Sông Hương, qua bài thơ “Nửa Hồn Xuân Lộc” cũng đã chuyên chở những nét bi hùng chinh chiến, với lòng ái quốc và niềm kiêu hãnh tuyệt vời của người chiến sĩ cộng hòa.
Xuân Lộc, cửa ngõ vào Sài Gòn, là một địa danh đáng nhớ trong lịch sử đấu tranh bảo vệ miền Nam Việt Nam. Trước cuộc tấn công vũ bão của cộng sản Bắc Việt, với xe tăng thiết giáp và súng đạn Nga Tàu, quân đội cộng hòa đành phải rút lui với nỗi đau như dao cắt. Những tưởng có thể rời chiến địa thảnh thơi như người thượng sĩ già nào đó, nghe tin lui quân, chỉ thản nhiên nhìn trời, mỉm cười khinh bạc, nhìn đời bằng nửa con mắt:
Nếu được như bố già thượng sĩ
Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời,
Vỗ lên nón sắt, cười khinh bạc,
Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi
Nhưngvới tâm hồn nhạy cảm, tác giả đã không có được sự thản nhiên khinh bạc đó. Ông đã nhận lệnh rút quân với niềm uất hận sôi máu, nỗi đau chất ngất như vành khăn tang bịt cả đất trời, chân bước đi mà lòng ở lại vương vấn không rời:
Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
Như một vành tang bịt đất trời !
Chân theo quân rút, hồn ta ở
Sông nước La Ngà pha máu sôi
Ôm hận sôi máu, bởi đã biết rằng, mất Xuân Lộc là mất lá chắn cuối cùng trên đường tiến vào Sài Gòn của địch. Tác giả đã ngậm ngùi ra đi, bỏ lại phía sau những gì thê thảm nhất, nhưng lại thân thương và oai hùng nhất, như thể nửa mảnh hồn bám chặt đất mẹ đang nhỏ máu:
Mây xa dù quen đời chia biệt
Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời !
Ngậm ngùi là phải. Anh phải rời nơi đây. Nơi đã cùng em chia sẻ niềm đau dân tộc. Nơi đã cùng em vui hưởng những ngày tình nghĩa gắn bó bên nhau. Nay chỉ còn em ở lại trong lửa khói. Còn anh xin ra đi, gửi em nửa mảnh hồn như trái sầu vỡ đôi:
Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi !
Mà không phải chỉ có mình em. Bên cạnh em còn biết bao nỗi lòng chinh phụ quặn thắt nhìn chồng ra đi không hẹn ngày trở lại. Những dòng nước mắt đó hẳn nhiên sẽ sưởi ấm lòng người đi, nhưng cũng không khỏi làm rạn vỡ những con tim sắt đá:
Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
Khóc theo, vợ lính cả trăm người!
Em biết dù tim ta sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.
Mang theo những giọt lệ tiễn biệt của người thương, người đi còn phải mang theo những hình ảnh thân thương khó quên, với làn nắng vàng, buồng chuối chín, bầy gà ríu rít bên nắm lúa phơi. Tất cả đều phảng phất nét đẹp quê hương, ấp ủ bao tình tự dân tộc:
Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,
Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.
Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,
Trên đuờng rút lui, nhìn lại chính mình, tác giả đã tự hỏi, phải chăng mình chưa làm tròn sứ mệnh của người trai thời chiến? Hẳn nhiên, lắm lúc vì hoàn cảnh nghiệt ngã, người trai đành bó tay trước vận nước ngả nghiêng mà cảm thấy như chưa thi thố hết tài năng. Thực ra hỏi để trải hết nỗi lòng cuồng nộ, nhưng không chút ân hận tiếc nuối:
Thân ta là ngựa sao không hí
Cho nỗi đau lan rộng đất trời.
Hồn ta là kiếm sao không chém
Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
Hẳn biết ra đi là không hẹn quay về, nên người chiến sĩ tự thấy mình như xác không hồn, chân bước đi mà hồn vỡ đôi, nửa mang theo, nửa gửi lại trận địa hoang tàn:
Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi,
Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui.
Người chiến sĩ nghẹn ngào ra đi khi tiếng đất nước còn réo gọi sau lưng! Làm sao đây? Với cảm thức chưa tròn sứ mệnh, người chiến sĩ chỉ còn biết tạ lỗi với đồng bào, với quê hương và lịch sử:
Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người.
Tiếng gọi quay lui chính là tiếng quốc thảm thiết. Sao đành! Sao đành! Đau đớn thay! Người chiến sĩ cộng hòa cũng như toàn thể dân Việt đâu còn có thể làm gì hơn khi vận nước đã đổi thay, khi Việt Nam chỉ là con cờ thí trên bàn cờ quốc tế? Người ta nhẫn tâm quay mặt đi, để cho xe tăng nghiền nát Xuân Lộc, để cho búa liềm chém nát thi thể mẹ Việt Nam:
Em ơi Xuân Lộc, em Xuân Lộc
Xích sắt nghiến qua những xác người.
Thế đó! Những vần thơ bi hùng của Nguyễn Phúc Sông Hương còn đậm nét trong sử Việt và còn rỉ máu trong tâm hồn mỗi con dân đất Việt. Hẳn nhiên, thơ sẽ nở thành hoa bởi lẽ thơ đã tắm máu, như thể khổ giá sẽ trổ hoa phục sinh, máu thánh sẽ kết tinh thành ngọc qúy đúng như Tuệ Sỹ đã nằm mơ:
Ðêm qua chiêm bao ta thấy máu
Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
Bà mẹ soi tim con thành lỗ
Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời.
Máu Xuân Lộc, máu Việt Nam đã thấm xuống lòng đất mẹ, và chắc chắn sẽ trổ hoa đầy hương sắc, kết thành châu ngọc sáng ngời, tô điểm cho giang sơn cẩm tú, biến Việt Nam thành minh châu trời Đông.
NQS, MN và HS xin hẹn quí thinh giả trong TCYN lần tới.
Ngô Quốc Sĩ
No comments:
Post a Comment