Friday, December 7, 2018

Bạo Lực Cách Mạng Đang Phát Triển Trong Nền Giáo Dục Việt Nam

Quan Điểm

Dù cho ngôi trường khang trang đến đâu, nhưng bên trong dùng bạo lực cách mạng để giáo dục học sinh thì đó là mối nguy hại cho đất nước. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “ Bạo Lực Cách Mạng Đang Phát Triển Trong Nền Giáo Dục Việt Nam” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thưa quý thính giả,
Mới đây, sự việc cô giáo Nguyễn thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6/2 trường Trung học Cơ sở Duy Ninh ra lệnh 23 học sinh trong lớp lần lượt mỗi người tát 10 cái vào mặt một học sinh phạm tội nói tục và cô tát cái cuối cùng, tổng cộng 231 cái tát, đã làm cho học sinh bị tát phải vào bệnh viện, gây xôn xao dư luận ngoài xã hội, trên báo chí và các trang mạng.

Đã có nhiều bài báo lên án bệnh tạo thành tích, dối trá trong nghành giáo dục, khiến nhiều thầy cô vì áp lực mà phải phạm tội ác với các em học sinh. Nạn bạo hành trong học đường đã thường xảy ra tại Việt Nam sau khi miền Nam VN bị CS cưỡng chiếm và đã tăng vọt trong thời gian gần đây. Nội trong 2 tháng 10 và 11, ngoài những vụ bạo hành nhỏ, 2 vụ được xem là “lớn chuyện” được báo chí đăng tải:
-Một thầy giáo trường tiểu học Lương Thế Vinh ở Sài Gòn đã đấm đá một học sinh trong lớp để trị tội “nói leo”.
-Một cô giáo ở huyện Ứng Hòa, ngoại ô Hà Nội đã đánh gãy răng một học sinh lớp 8 vì tội “chưởi bậy”.
Nay lại xảy ra vụ 231 cái tát tại Duy Ninh, làm cho nhiều phụ huynh phẫn nộ viết trên trang mạng và đặt câu hỏi: “Lịch sử giáo dục VN đã bao giờ đến nông nỗi này chưa?”. Nhiều người nguyền rủa cô giáo Thủy, bảo rằng, phải cho 23 học sinh lớp này tát cô 230 cái và nhiều người khác yêu cầu nhà cầm quyền truy tố cô về tội cố ý dùng bạo lực xâm hại đến thân thể và tinh thần trẻ em.
Theo lời các học sinh kể lại, trước em học sinh này còn có 10 em khác cũng đã bị phạt cùng hình phạt nhưng ít hơn. Có 7 em bị phạt mỗi em bị 30 cái tát. Trong 3 tháng làm cô giáo, cô Thủy đã phạt học sinh tất cả 901 cái tát vì tội nói tục. Học sinh trưởng lớp cho biết, em phải thừa hành lệnh của cô giáo “tổ chức” cho các bạn trong lớp tát các bạn bị phạt vì tội nói tục.
Riêng cô giáo Thủy nhìn nhận việc cô ra lệnh cho cả lớp tát học sinh bị phạt và nói vì nóng giận và bị “áp lực thi đua” tạo thành tích. Cô nói lớp do cô làm chủ nhiệm luôn đứng cuối bảng thi đua.
Sau khi báo chí đăng tải, một số nhà báo cho biết, cô hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh đã yêu cầu các tờ báo đừng khai thác thêm nữa, vì sẽ làm ảnh hưởng đến việc nhà trường sắp được công nhận “danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ II. Nếu chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân mà nhà trường không nhận được danh hiệu thi đua, thì toàn bộ công sức của tập thể nhà trường sẽ bị uổng phí”.
Vì áp lực của dư luận, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy đã bị cho nghỉ dạy 15 ngày.
Hình phạt do cô giáo Thủy nghĩ ra quả thật là quá tàn nhẫn, giống như thời Trung cổ. Cô tự cho mình có toàn quyền sinh sát, có quyền đánh đập các em, chắc cô đã thấm nhuần “tư tưởng bạo lực cách mạng theo phong cách của Hồ Chí Minh” để quản lý lớp học. Cô dùng học sinh trưởng lớp và vài học sinh cờ đỏ để hạ nhục, bạo hành, tạo ra sự sợ hãi đối với học sinh cả lớp, nhằm mục đích… không còn ai dám nói tục. Cô xử dụng nhuần nhuyễn các thủ đoạn chính trị của giới lãnh đạo CSVN là giết một số người, để gieo rắc kinh hoàng cho toàn xã hội, đạt được hiệu quả trong cách cai trị là sẽ không còn ai dám chống đối chủ nghĩa cộng sản.
Chính ông Tổng bí thư đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng cũng xử dụng chiêu bài này để… cứu đảng. Ông huy động nhiều ban ngành, cùng giới truyền thông để hạ nhục, kỷ luật giáo sư Chu Hảo là người có công đem Internet vào VN, mang ánh sáng văn minh của thế giới vào đất nước này qua các cuốn sách dịch của nhà xuất bản Tri Thức. Mục đích của ông Trọng đã được ông tuyên bố trong buổi tiếp xúc với “cử tri” quận Ba Đình vào sáng ngày 24/11/2018 rằng, “bất cứ ai nếu có suy thoái chúng ta phải giáo dục, phải uốn nắn, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, để người khác đừng vi phạm nữa”. Điều này có nghĩa là ông Trọng dùng “bạo lực tinh thần” không khác gì “bạo lực thể xác” mà cô giáo Thủy đã xử dụng để đạt được mục đích. Suy rộng thêm, người ta sẽ thấy cả guồng máy cầm quyền, hệ thống chính trị – xã hội CS, từ việc Cải cách ruộng đất trong thập niên 1950 đến cách hành xử bạo lực trong ngành giáo dục năm 2018 cũng giống như nhau. Do đó, không có gì phải ngạc nhiên khi nhiều cô giáo Thủy nữa sẽ xuất hiện trong tương lai vì việc giáo dục bằng bạo lực đã ăn sâu vào đầu óc thiển cận của người cộng sản như “gen” di truyền. Một xã hội mà từ trẻ em đến người lớn đều sợ hãi nhà cầm quyền, sợ hãi lẫn nhau là điều mà đảng cộng sản mong muốn để dễ dàng cai trị, cho dù biết rằng tình trạng này kéo dài đất nước VN sẽ ngày càng tụt hậu, xuống thấp nhất so với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á.
Tóm lại, từ việc dâng hiến Hoàng Sa, Trường Sa, cho Formosa mướn đất xả thải chất độc gây ô nhiểm môi trường sống ven biển miền Trung, đến việc cho lưu hành đồng nhân dân tệ ở 7 tỉnh biên giới, cướp đất đai của dân oan khắp nơi, dùng bạo lực trong việc giáo dục… tội ác của đảng CSVN ngày càng gia tăng. Tình trạng này kéo dài, nếu không thay đổi chế độ, đất nước VN sẽ không tránh khỏi thảm họa diệt vong do bè lũ tay sai Tàu cộng xúi dục và đưa đẩy.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment