Tuesday, December 11, 2018

Thư ngỏ gửi bộ trưởng bộ Giáo Dục và Đào Tạo nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, tệ trạng xã hội xảy ra ở khắp mọi nơi mọi ngõ ngách trong đời sống của dân chúng mà tệ nhất, bận thỉu nhất, bị bỏ bê nhiều nhất là ngành giáo dục. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Thư ngỏ gửi bộ trưởng bộ Giáo Dục và Đào Tạo nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11” của Trần Đình Triển sẽ được Quê Hương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Tôi không bàn đến một số vi phạm nghiêm trọng trong ngành giáo dục vừa qua, như: gian lận trong thi cử, in ấn và cải cách giáo dục, đầu tư cung cấp thiết bị trường học, đưa giáo viên nữ đi tiếp khách uỷ ban, đề xuất sinh viên nữ bán dâm 4 lần mới bị đuổi học; tên sách, đóng bìa sách cũng thành một luận án tiến sỹ;…

Ông phải trực tiếp đi bộ vài ngày đường (xe gắn máy, xe đạp cũng không thể đi vào được), đến một số trường tiểu học miền núi xem cơ sở vật chất; cô với trò dạy và học thế nào? Trường không ra trường, bàn ghế không có, bốn bề lán học tan hoang giữa cái rét thấu gia thấu thịt; bị chia cắt khi mùa mưa lũ ập đến…
Ông thử ngồi tâm sự với các cô giáo lên đây đưa chữ nghĩa đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Các cô trình bày, than thở cho phận mình “ở không yên, đi không được” đành đổ cho số phận. Họ phải đến từng nhà khuyến khích phụ huynh cho con đi học, đưa đón các em; tối về lại thui thủi một mình với ngọn đèn dầu, không bạn bè và hầu hết là độc thân. Tủi phận lắm, đau lòng lắm, xót xa lắm!
Đất nước đã thống nhất bao nhiêu năm rồi? Cán bộ nằm lì ở thủ đô và thành thị, vẽ chính sách như mây như gió; không để ý cặn kẽ đến chính sách đào tạo người dân tộc để họ có kiến thức về chính thôn bản mình để đưa chữ nghĩa đến với dân bản?
Hàng năm, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng ngàn tỷ. Tại sao không có chính sách đặc biệt đối với vùng sâu vùng cao? Để trường không ra trường, bàn ghế không có cho học sinh ngồi. Các vị ở và nơi làm việc nhà cao cửa rộng, điều hoà bật suốt ngày, đi đâu thì xe đưa xe đón, kẻ hầu người hạ ăn uống ngập răng – Còn cô với trò ở vùng sâu vùng cao thì sao?
Về lý luận ai cũng nói rất hay “vai trò của nhà nước điều tiết và bình ổn xã hội”; đòi hỏi cấp cao ngành phải giải quyết tốt vấn đề thuộc mình phụ trách. Ngành giáo dục lâu nay đang để tự phát như cỏ dại; yếu tố cần và đủ, quy luật cung – cầu;… không được tính toán đến. Do vậy, đào tạo tràn lan, đào tạo thừa thãi, nơi này thừa nơi kia thiếu, môn này thừa môn kia thiếu.
Khi tốt nghiệp ra trường là một cuộc chạy đua vũ trang để kiếm công ăn việc làm (nhất tiền tệ, nhì quan hệ,…). Thậm chí như vài trăm cô giáo ở Sóc Sơn hoặc gần 300 cô giáo ở Kỳ Anh Hà Tĩnh cho ký hợp đồng vài ba năm rồi chấm dứt hợp đồng đẩy đời sống và hạnh phúc gia đình họ đứng bên bờ vực thẳm. Không lẽ nào hàng năm Bộ GD& ĐT không tính toán được con số tương đối số lượng giáo viên cần và đủ trong khoảng 5 năm để học sinh tự lựa chọn cho mình ngành nghề khi thi đại học, cao đẳng?…Vô số sinh viên tốt nghiệp đại học ngành sư phạm ra trường thất nghiệp: người về quê làm ruộng, nuôi lợn, nuôi gà; người đi làm bốc vác, phụ thợ xây, gò hàn, giao nhận hàng hoá, giúp việc, bán quán, tiếp thị; người đi xe ôm; người đi xuất khẩu lao động làm nghề móc cống,…
Tôi học và trình luận án tiến sỹ trước ông Nhạ (Bộ trưởng) 5 năm; thời đó học ra học, rất đàng hoàng. Thời gian vừa rồi nhìn trước ngó sau đã là cao học, tiến sỹ; loại cao học– tiến sỹ liên kết, bằng mua ở nước ngoài tại các trường không được công nhận nhiều vô kể. Rồi đến lượt Giáo sư, Phó Giáo sư, không đi dạy cũng mang danh, đua nhau làm để lấy danh, lấy oai, lấy tiêu chuẩn. Ra khỏi nhà gặp Giáo sư, tiến sỹ, cao học mà chẳng làm nên trò trống gì cả. Thi nhau có sáng kiến cải cách, thay bài vở để in sách kiếm tiền; bất cần biết hậu quả xảy ra đối với cả một thế hệ. Bạo lực học đường: thầy cô giáo đánh trẻ như đánh con vật; chửi bới học sinh như chợ búa. Tôn sư trọng đạo bị mai một, thầy cô sợ trò…
Tôi thành thật xin lỗi ngài Bộ trưởng; đáng lẽ ngày lễ nên nói lời chúc tốt đẹp, nhưng tôi lại nói ra những điều nhức nhối này. Mong được sự cảm thông của ông.
Trần Đình Triển.

No comments:

Post a Comment