CỘNG ĐỒNG VN Ở NHẬT BIỂU TÌNH VỀ THẢM HỌA CÁ CHẾT Ở MIỀN TRUNG.
Nhằm báo động dư luận thế giới về thảm họa cá chết ở vùng biển miền
Trung, cộng đồng người Việt tại Nhật đã xuống đường vào hôm qua, giương
cao các biểu ngữ có nội dung "cá chết, nước mắm hết", đồng thời yêu cầu
nhà cầm quyền VN phải công bố rõ nguyên nhân dẫn đến thảm họa nói trên.
Khác với tình trạng bị công an hành hung đánh đập ở VN, đoàn biểu
tình VN được lực lượng cảnh sát Nhật hộ tống và gìn giữ trật tự. Đại
diện của ban tổ chức đã thay mặt hàng trăm đồng bào VN để đọc lời tuyên
cáo, nội dung cho biết cuộc tuần hành chỉ nhằm nói lên thảm họa môi
trường đang diễn ra tại VN. Bản tuyên cáo nhấn mạnh rằng, cho đến bây
giờ nhà cầm quyền VN vẫn chưa đưa ra một thông cáo chính thức nào về
nguyên nhân dẫn đến thảm họa cá chết ở ven biển miền Trung. Điều này cho
thấy là tập đoàn lãnh đạo VN không quan tâm đến đời sống, môi trường và
sức khỏe của người dân.
Tuyên cáo nói trên cũng cho biết là dân Việt đang lo lắng đến nguồn nước mắm sắp tới cũng bị nhiễm độc từ những con cá chết đó.
Trong khi đó thì tại Hà Nội, một số người đã bị bắt khi mở cuộc tọa
kháng kêu gọi bảo vệ môi trường vào sáng hôm qua. Những người bị bắt và
áp giải về đồn công an gồm có ông Lã Việt Dũng, bà Đặng Bích Phượng, bà
Nguyễn Thúy Hạnh, bà Trần Thúy Nga và các ông Trương Văn Dũng, Nguyễn
Văn Phương.
NHIỀU NGƯỜI DÂN Ở NGHỆ AN BỊ TRÚNG ĐỘC SAU KHI ĂN HẢI SẢN.
Trong vòng một tuần qua, đã có nhiều người dân ở tỉnh Nghệ An phải
nhập viện cấp cứu vì ngộ độc sau khi ăn các hải sản như tôm tép và mực
cá.
Nạn nhân mới nhất là bà Nguyễn Thị Liên 58 tuổi ở xã Nghi Phương,
huyện Nghi Lộc, đang ở trong tình trạng hôn mê ở bệnh viện sau khi ăn
một số tôm biển mua từ chợ. Trước đó, một người đàn ông tên Luyện ở cùng
xóm với bà Liên đã chết trên đường đưa đi cấp cứu sau khi ăn một con
mực và vợ ông Luyện đang ở trong tình trạng nguy kịch.
Cần nói thêm là không chỉ có các loài hải sản nhỏ tiếp tục lăn ra
chết ở ven biển Nghệ An mà ngay cả loài cá voi cũng liên tiếp dạt vào bờ
trong mấy tuần qua. Vào ngày 25/5 tuần trước một con cá voi, dài 15
thước nặng 17 tấn, bị mắc cạn ở bãi biển huyện Diễn Châu. Hai ngày sau
thì một con cá voi nặng hơn 7 tấn được phát giác nằm chết trên bờ cát.
Chỉ tính trong vòng 5 tháng qua đã có nhiều con cá voi tấp vào các bãi
biển ở Nghệ An khiến người dân càng thêm lo lắng về thảm họa cá chết.
NGƯ DÂN VÀ TIỂU THƯƠNG BÁN CÁ NGÀY CÀNG ĐIÊU ĐỨNG VÌ THẢM HỌA CÁ CHẾT.
Gần hai tháng qua, cảnh cá Thọ Quang ở thành phố Đà Nẵng ngày càng
trở nên đìu hiu, mất hẳn vẻ nhộn nhịp, mặc dù một số ngư dân vẫn kiên
gan ra tận Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt hải sản mang về, bất chấp
lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Cộng.
Thế nhưng dù cố gắng đánh đổi bằng mồ hôi và cả tính mạng giới ngư
dân vẫn điêu đứng vì giá cả hải sản vẫn tiếp tục giảm mạnh và khó tiêu
thụ. Theo ghi nhận tại cảng cá Thọ Quang thì giá cả đã sụt giảm từ 50
đến 60% kể từ khi diễn ra thảm họa cá chết khiến người dân lo sợ không
dám tiêu thụ cá biển.
Trong khi đó thì tại Sài Gòn, nhiều tiểu thương buôn bán hải sản cũng
lao đao và có nguy cơ phải bỏ nghề vì không bán được hàng. Một tiểu
thương cho biết là trước đây chị bán từ hai đến ba trăm ký cá biển mỗi
ngày nhưng bây giờ cả ngày chỉ bán được vài chục ký, không đủ trả tiền
thuê mướn chỗ. Một tiểu thương khác cho biết thêm, không chỉ cá đông
lạnh đã khó bán mà ngay cả cá tươi cũng không bán được.
BA MƯƠI BA NGÀN DOANH NGHIỆP PHÁ SẢN TRONG VÒNG 5 THÁNG QUA.
Tổng cục Thống kê VN vừa công bố dữ liệu cho thấy là trong vòng 5
tháng đầu năm nay, đã có hơn 33 ngàn doanh nghiệp bị phá sản hay ngưng
hoạt động trên toàn quốc. Đáng chú ý là trung bình mỗi tháng có khoảng
5700 công ty đóng cửa, tức mỗi ngày có khoảng 190 công ty ngưng hoạt
động.
Tuy nhiên, tổng cục này cho biết là trong 5 tháng qua có 44 ngàn
doanh nghiệp ra đời, với tổng số vốn đăng bạ là 350 ngàn tỷ đồng, tức
vào khoảng 17 tỷ Mỹ kim. Đồng thời giới ngoại quốc cũng đầu tư vào VN
khoảng 10 tỷ Mỹ kim trong vòng 5 tháng qua, đứng đầu vẫn là các công ty
Nam Hàn.
Cũng theo số liệu nói trên thì trong 5 tháng đầu năm 2016, VN xuất
cảng khoảng 68 tỷ Mỹ kim hàng hóa, với thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ.
Trong khi đó thì lượng hàng nhập cảng vào khoảng 66 tỷ Mỹ kim, trong số
đó hàng hóa nhập từ Trung Cộng lên đến 19 tỷ Mỹ kim.
TÂN TỔNG THỐNG PHILLIPNES YÊU CẦU TRUNG CỘNG TÔN TRỌNG PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI QUỐC TẾ
Tân tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, vào cuối tuần qua
kêu gọi Trung Cộng phải tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế
về chủ quyền Biển Đông.
Ông Duterte, người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng tới, tuyên bố là
Trung Cộng phải tuân thủ luật lệ quốc tế, mặc dù nước Phi rất cần đến
viện trợ của Trung Cộng để xây dựng các hạ tầng cơ sở. Ông Duterte nói
rằng, nếu tòa án đã có phán quyết thì Trung Cộng nên tuân theo, chứ
không phải chỉ vì giúp nước Phi xây dựng hệ thống hỏa xa nên bắt buộc
nước Phi phải giao bãi cạn Scarborough.
Trong khi đó thì một lần nữa, Trung Cộng tỏ ra giận dữ trước tuyên bố
chung của khối thất cường G-7, được đưa ra vào cuối tuần qua ở Nhật. Bộ
ngoại giao Trung Cộng cáo buộc là hội nghị khối G-7 tại Nhật đã xuyên
tạc vấn đề Biển Đông, thổi phồng quá đáng mối đe dọa tại khu vực này,
khiến Trung Cộng hết sức bất mãn trước lề lối làm việc của khối G-7.
Cần biết là trong tuyên bố đưa ra vào hôm thứ Sáu tuần qua, các
nguyên thủ quốc gia khối G-7 nói rằng, họ rất chú ý đến tình hình Biển
Đông và biển Hoa – Nhật. Bản tuyên bố chung nhấn mạnh là bất cứ tuyên bố
chủ quyền nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và các nước liên
can cần tránh mọi hành động đơn phương nhằm áp đặt chủ quyền của mình
lên các nước khác.
No comments:
Post a Comment