Thứ Ba, 24.05.2016
Biểu tình là biểu lộ tình cảm, suy nghĩ của dân cho nhà cầm quyền biết để hoạch định kế hoạch đối nội đối ngoại theo lòng dân nhưng bạo quyền độc tài thì chỉ muốn dân im lặng rồi chết theo cá để chúng tự tung tự tác bán nước cho giặc. Trong tiết mục Đất Nước Đứng Lên, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: "Những con cá im lặng " của Phanxine sẽ được Nguyên Khải trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Người Việt Nam mình, chỉ mong muốn có cuộc sống bình yên, nhưng rồi sao?
Chúng ta luôn mong muốn như Mỹ. Chúng ta luôn mong muốn như phương
Tây. Nhưng chúng ta liệu có biết, nước Mỹ và phương Tây được như ngày
hôm nay, người dân của họ đã phải tranh đấu bằng những cuộc biểu tình,
đôi khi đẫm máu. Ngay cả cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ cũng biểu
tình chống lại chính phủ của họ ngay trên nước Mỹ suốt từ năm 1965-1973,
mà đỉnh cao là những cuộc biểu tình năm 1969. Cuộc biểu tình
Alexanderplatz ở Đông Đức năm 1989, tạo nên sự sụp đổ của phe xã hội chủ
nghĩa. Cuộc biểu tình Stonewall ở Mỹ năm 1969 đòi quyền bình đẳng cho
người đồng tính. Cuộc diễn hành ở Washington năm 1963 ở Mỹ để người dân
hiểu về sự bất bình đẳng chủng tộc và đòi quyền bình đẳng. Không chỉ
người lớn, mà cả trẻ em cũng có mặt trong những cuộc biểu tình. Chẳng
hạn năm 1978, các em nhỏ ở thác Niagara, New York, Mỹ đã biểu tình để
bảo vệ môi trường nơi các em sống – khi mà khoảng 10 tấn chất thải độc
hại thải ra chôn dưới sân chơi của các em.
Những ngày tôi ở Seoul, ngay kế bên khách sạn, luôn có những người
biểu tình cầm bảng, bắc loa, căng bạt đứng suốt giữa trời lạnh cóng.
Những người cảnh sát đứng đó, một bạn hướng dẫn viên bảo, là để bảo đảm
an ninh và bảo vệ cho những người biểu tình. Có cả những công trường để
mọi người đến đó biểu tình, cứ nộp đơn lên cho chính quyền biết, ngày
đó, giờ đó, có khoảng bao nhiêu người đó sẽ đến để biểu tình về vấn đề
này, thế là xong. Mọi việc dễ dàng, suông sẻ, minh bạch. Có những cuộc
biểu tình về một vấn đề kéo dài trong nhiều năm trời, chẳng hạn như cuộc
biểu tình đòi hỏi nêu rõ trách nhiệm của những người quản lý trong vụ
chìm phà khiến nhiều em học sinh bị chết đuối xảy ra mấy năm trước, cho
đến nay cha mẹ của các em vẫn biểu tình, chia ca nhau ra để ra biểu
tình.
Đó mới thật sự là một cách thức hoạt động lành mạnh và văn minh.
Sáng nay, tôi chỉ là người đứng ngoài.
Từ phía bên này hàng rào kẽm gai ai đó giăng lên chắn ngang đường
Đồng Khởi, vốn năm xưa từng có tên gọi Tự Do, nhìn về bên kia dưới chân
Nhà Thờ Đức Bà, là đám đông muốn cất tiếng nói ôn hoà trong tiếng loa
vang chối tai:"Bà con hãy ra về đừng gây mất trật tự gây cản trở giao
thông". Chẳng biết đứa nào chặn đường rồi bảo là nhân dân gây cản trở
giao thông. Phía đầu đường thấy treo tấm băng rôn kêu gọi người dân hãy
lựa chọn người tài đức xứng đáng để bầu vào quốc hội !
Chỉ nghe kể lại, có thằng bạn mình trong đó, có mẹ của bạn mình trong
đó, có cả rất nhiều bạn của bạn mình trong đó. Người thì bị bắt đem đi
đâu đó, người thì bị đánh tơi bời. Cho dù họ biểu tình ôn hoà, cho dù họ
đã ngồi một chỗ. Người mẹ này, mang theo con gái trong một buổi sáng
Chủ Nhật đầy nắng, một ngày Chủ Nhật đặc biệt – ngày của mẹ – và bạn bị
những người xa lạ mặc đồng phục lao vào đánh. Mình biết bạn từ Facebook
của anh Đàm Hà Phú từ câu chuyện bạn làm từ thiện tặng bánh mì miễn phí.
Mình tin bạn là người tốt. Và khi đang ngồi cà phê ở một quán nhỏ trên
phố đi bộ, cậu bạn của mình đã hốt hoảng quay sang mình nói, "bé Bee bị
đánh rồi"... Ubee là tên trên mạng của bạn. Bạn mình quá lo lắng, bỏ
luôn bữa cà phê, để chạy đi lo cho cô bạn của bạn. Mình ngồi lại, thấy
chẳng biết nên nghĩ gì.
Rồi mình thấy bức ảnh cậu dân phòng bị xịt hơi cay. Bạn tác giả bức
ảnh viết chú thích "Một người lực lượng an ninh bị phần tử quá khích xịt
hơi cay". Phần tử quá khích đó là phe nào thì bạn không biết. Có người
bảo cậu này xịt hơi cay vào người dân, chẳng may gió thổi ngược, trúng
vào mắt cậu ta. Không thể biết được sự thật, chỉ có sự thật mà chúng ta
chọn lựa để tin. Nhưng bức ảnh những người dân đổ nước rửa mắt cho cậu
là có thật. Mình hy vọng cậu thanh niên trẻ này hãy nhớ rằng những người
mà cậu được chỉ đạo đàn áp chính là những người đã ở bên cạnh cậu khi
cậu gặp nạn.
Lũ cá thì cũng im lặng không dám lên tiếng. Cuối cùng thì chúng cũng
chết. Hay cái chết đó chính là cách chúng lên tiếng, bởi chúng không có
quyền được nói.
Tự nhiên nhớ tới cậu bé Việt kiều Pháp năm ngoái được cư dân mạng
Việt Nam ca ngợi, khi mà em cùng cha đi thăm nơi tưởng niệm những nạn
nhân khủng bố ở Paris, nơi vẫn còn nhiều mối nguy hiểm chực chờ vì diễn
biến phức tạp vẫn đang diễn ra. "Người cha này thật tuyệt vời, phải cho
em bé thấy được cảnh tượng để em chiến thắng nỗi sợ, Tâm sự hay dạy con
trẻ hiểu biết sự việc xung quanh sớm chừng nào thì sẽ hình thành tính
cách tốt chừng đấy bạn à", là những gì người Việt mình bình luận dành
tặng cho cha con em bé.
Phanxine
No comments:
Post a Comment