Thứ Hai, 16.05.2016
Dưới cế độ độc tài toàn trị, đảng CSVN một mình một chợ nắm quyền và quan chức đảng, từ cấp bậc cao nhất đến cán bộ địa phương, hoàn toàn vô trách nhiệm trước đại họa Khu Công Nghiệp Vũng Áng nhiễm độc bờ biển miền Trung nước ta, từ Hà Tỉnh đển Thừa Thiên_Huế. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Bùi Văn Phú với tựa đề: "Cá chết và hình ảnh đất nước."sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Những ngày qua trên mạng xã hội cũng như truyền thông trong và ngoài
nước bùng lên thông tin về cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt
Nam từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên - Huế.
Xác cá trôi giạt vào bờ có vô số cá bé, cá lớn và có chỗ có cả cá heo là loại cá sống rất xa bờ.
Sự kiện đã gây hoang mang tột cùng cho dân và tạo ra khủng hoảng kinh
tế tại nhiều tỉnh thành, từ Nghệ An vào tới Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và
xuống đến Nha Trang vì ngư dân đánh cá đem lên bán không còn ai muốn
mua nữa.
Trong thời gian tới sự kiện cá chết hàng loạt có cơ nguy lan rộng ra
cả nước thành khủng hoảng mắm vì có tin một số con buôn trục lợi đã gom
mua cá chết về để làm nước mắm. Với chính sách kiểm soát lỏng lẻo, với
tệ nạn tham nhũng lan tràn thì việc trục lợi dễ xảy ra, như đã bị phát
giác trong hoa quả, rau, thực phẩm có nhiều độc tố trên thị trường Việt
Nam những năm qua.
Số cá chết do độc tố được ước tính khoảng 70 tấn. Còn số cá ngư dân
đánh bắt đem lên không bán được, có hàm lượng độc tố cao hơn bình thường
hay không thì không biết, nhưng con số này chắc cũng không ít và không
rõ rồi sẽ được xử lý ra sao - vất ra đường, vất lại xuống biển hay vì
miếng cơm manh áo mà ngư dân sẽ phơi khô để ăn hay làm mắm để dùng sau
này mà chưa biết có nguy hại gì cho sức khoẻ trong tương lai.
Tại nhiều tỉnh miền Trung ngư dân đã phải ngưng hành nghề, sẽ mất thu
nhập mà chưa biết đến bao giờ mới có thể ra biển trở lại để mưu sinh.
Cách xử lý của nhà nước trong vụ này, trước hết là thiếu trách nhiệm
vì cá chết nổi lên và trôi dạt vào bờ từ đầu tháng Tư, đã cả tháng qua
mà nguyên do vẫn chưa được xác định. Quan chức thì tránh những câu hỏi
của báo chí, nhưng lại biểu diễn tắm biển, ăn cá ngay trong những khu
vực bị ảnh hưởng càng làm người dân nghi ngờ về những hành động mang
tính tuyền truyền của nhà nước.
Câu nói của ông Chu Xuân Phàm, phụ trách đối ngoại của Formosa, rằng:
"Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm
thủ tướng cũng không giải quyết được..." là dấu chỉ rõ nhất cho thấy
nguyên do gây cá chết là từ chất thải của công ty này.
Nếu đó là sự thực thì mức ô nhiễm trong vùng biển này trong tương lai
còn nguy hại hơn vì đến giờ Formosa mới chạy thử, mai này khi nhà máy
đi vào hoạt động toàn bộ thì ảnh hưởng đến môi trường còn trầm trọng đến
mức nào và sẽ kéo dài bao lâu, vì hợp đồng Việt Nam đã ký cho phép công
ty hoạt động là 70 năm.
Sự phẫn uất của người dân đã thể hiện qua những cuộc biểu tình ngay
tại địa phương sau khi có cá chết nổi lên bờ và đánh cá đem lên không có
người mua. Ở Quảng Bình ngư dân đã đổ cá ra đường và tuần hành. Trên
bình diện rộng, ngày 1/5 đã có hàng nghìn người tham gia biểu tình tại
Hà Nội và Sài Gòn, trên tay giương cao những biểu ngữ "Formosa. Get out
of Vietnam", "Dân Muốn Cá Sống".
Tuy nhiên đến nay nhà nước vẫn chưa đưa ra những biện pháp xử lý minh
bạch. Không xử lý ngay không phải vì các cơ quan chức năng thiếu chuyên
môn mà vì sự phức tạp và bí mật trong cách quản lý kinh tế của Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Formosa nói họ làm đúng với những gì ghi trong hợp đồng. Trong khi
nhà nước Việt Nam nói hợp đồng giữa chính quyền Hà Tĩnh với Formosa
không được sự đồng ý của chính quyền trung ương.
Những nhà đầu tư vào Việt Nam cho biết ở mỗi tỉnh thành có một ông
quan cai trị một cõi riêng và được một ông vua trong bộ chính trị đỡ
đầu.
Dẹp Formosa, hay buộc công ty này phải sửa lại hợp đồng sẽ làm giới
đầu tư nước ngoài lo. Điều chỉnh lại hay hủy bỏ hợp đồng, bắt bồi thường
thiệt hại cho dân, thiệt hại môi trường cũng sẽ khởi động những màn đấu
đá khác trong nội bộ đảng về những dự án đầu tư nước ngoài đã được chấp
thuận, mà mỗi dự án đều có một ủy viên bộ chính trị bảo kê, gọi là nhóm
lợi ích, và tiền bôi trơn không phải là ít.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên, khi phóng viên đặt vấn
đề với quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường về cá chết là có khả năng
bị "nhiễm kim loại nặng", nghe câu hỏi, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu
tắt máy và nói với phóng viên rằng hỏi thế là làm "tổn hại hình ảnh đất
nước".
Không đưa ra được câu trả lời rõ ràng liên quan đến việc cá chết hàng
loạt, đó mới là làm tổn hại đến hình ảnh đất nước. Vì người dân sẽ phải
chịu nhiều hậu quả, ngay trước mắt có thể chết vì ăn cá hay chạm vào
nước biển có chất độc mà sinh bệnh.
Những thông tin mới nhất do ngư dân Philippines báo động về đảo
Pag-asa (Thị Tứ), trong vùng quần đảo Trường Sa, cũng có hiện tượng cá
chết hàng loạt và nghi là do các tàu của Trung Quốc xả độc để tiêu diệt
môi trường quanh đó khiến ngư dân không thể đánh cá được nữa.
Sự kiện này đặt ra nghi vấn, có thể những tàu đánh cá Trung Quốc đã
giả dạng và xâm nhập vào được hải phận Việt Nam, thả độc chất xuống biển
để gây ra thảm họa cá chết trong những tuần qua.
Đó là một cách thâm độc để Bắc Kinh bao vây và đánh vào kinh tế Việt
Nam, trước viễn cảnh Hà Nội đang đến gần hơn với Washington trong quan
hệ hai nước.
Dù nguồn hoá chất đến từ đâu, di hại về ô nhiễm biển có thể kéo dài
trong nhiều năm, khi đó ngành xuất khẩu hải sản của Việt Nam, trị giá
gần 7 tỉ đô-la một năm, sẽ bị ảnh hưởng vì người tiêu dùng sẽ e dè với
các sản phẩm làm từ tôm cá cua mực từ Việt Nam.
Dân Việt khắp nơi đang chờ đợi nhà nước giải quyết sự kiện cá chết
một cách minh bạch. Không làm được điều đó sẽ nguy hại đến hình ảnh đất
nước, vốn dĩ đã có nhiều bất cập.
Bùi Văn Phú
No comments:
Post a Comment