Thứ Hai, 02.05.2016
Viên chức chính quyền Đà Nẵng ăn cá và tắm biển để trấn an dân chúng
Như hôm qua chúng tôi đã loan tin, một màn trình diễn ăn cá và tắm
biển của viên chức chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, nơi có khu công nghiệp
Formosa, để chứng minh với người dân tại đây rằng cá biển vẫn an toàn,
và nước biển vẫn sạch. Đồng thời tại Quảng Trị các viên chức tại đây
cũng quả quyết rằng nước biển vẫn an toàn, nhưng không thấy các viên
chức và thân nhân họ xuống tắm biển.
Cũng trong chiều ngày 30/4, Ông Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, cùng
với Phó chủ tịch Đặng Việt Dũng, đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa, Giám đốc
Sở Y tế và nhiều lãnh đạo các sở, ngành đã đến cảng cá Thọ Quang, quận
Sơn Trà để quan sát tình hình mua bán hải sản tại đây. Ông Thơ yêu cầu
từ nay đến khi tình hình tiêu thụ hải sản ổn định trở lại, các nhà ăn
phục vụ hơn 1,000 cán bộ trong Trung tâm hành chính Đà Nẵng phải có thực
đơn "toàn món cá". Ông sẽ ăn trước để làm gương cho cán bộ. Tiếp theo
Ông Thơ đã mua 100kg cá của ngư dân, rồi tự mình chế biến và cùng nhiều
viên chức thưởng thức bữa hải sản ngay tại cảng cá, để quay phim và chụp
hình đưa lên mạng làm bằng chứng cá biển vẫn an toàn.
Tin tổng hợp cuộc biểu tình ngày 1/5 để bảo vệ môi trường
Như hôm qua chúng tôi đã loan, sáng ngày 1/5 tại Hà Nội đã có đến
3000 người tham dự cuộc biểu tình tuần hành để phản đối công ty Formosa
làm ô nhiễm vùng biển ở Miền Trung Việt Nam, theo nhiều nguồn tin độc
lập cho biết, con số người biểu tình ở nhiều ngả đường cộng lại có thể
lên đến 5000 người.
Tại Sài Gòn thì bà con biểu tình trải dài từ Công Viên 30/4, quanh
khu chợ Bến Thành đến nhà thờ Đức Bà, con số trên 2000, đoàn biểu tình
đã bị công an cơ động và các lực lượng khác ngăn chận, xô đẩy, giựt biểu
ngữ. Nhưng hình ảnh và âm thanh đã được chuyển đi khắp thế giới từ các
chiếc điện thoại cá nhân.
Tại Hà Tĩnh: Liên tiếp trong nhiều ngày qua, quanh khu vực Vũng Áng
Hà Tĩnh nơi có khu công nghiệp Formosa, ngư dân đã rất phẫn nộ đem cá ra
đường biểu tinh vì cá đánh bắt được thì không ai dám mua, khi cá chết
hàng loạt, mà chính quyền không thể giải thích và cũng không có biện
pháp nào để giải quyết. Nên sáng ngày 1/5 nhà cầm quyền tỉnh này đã huy
động rất đông cảnh sát cơ động để ngăn chận ở nhiều ngả đường và trước
khu công nghiệp Formosa, sẵn sàng ngăn chận và đàn áp ngư dân đến phản
đối công ty gây ô nhiễm này.
Tại Quảng Bình: Từ đêm 30/4 bà con giáo dân giáo xứ Xuân Hòa thuộc xã
Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã thức suốt đêm, để
sáng hôm sau sẽ biểu tình hưởng ứng cùng đồng bào khắp nơi, nhằm bày tỏ
quyết tâm bảo vệ môi trường biển đang bị phá hủy bởi các tập đoàn nước
ngoài.
Tại Nghệ An: Một số người đã tập trung biểu tình tại bãi biển Cửa Lò,
Nam Cấm. Tại Ngã tư Quán Hành công an đóng chốt chặn và kiểm tra người
dân. Nhóm bạn trẻ từ Quỳnh Lưu hướng tới Cửa Lò đã bị công an mặc thường
phục đe dọa: "bọn mày mà bước chân ra khỏi xã tao đập chết". Chị Bích
Phương, anh Đức, anh Nghiễm đã bị công an bắt đem về xã Nghi Hòa.
Tại Đà Nẵng: Một số bà con Đà Nẵng cũng xuống đường biểu tình nhưng
lực lượng công an bao vây, đàn áp và đánh đập. Tuy bị đánh nhưng người
dân Đà Nẵng quyết tâm hòa nhập vào dòng người cả nước biểu tình để bảo
vệ môi trường sống của nước ta. Anthony Minh Bùi cũng đã bị công an đánh
vào mặt tại đây..
Đặc biệt tại Đài Loan: Công nhân người Việt đã có cuộc biểu tình
trong ngày 1/5 để đòi nâng cao lương làm ngày thứ Bảy. Nhưng vì vụ cá
chết nơi quê nhà nên những công nhân này đã tập trung ngay tại trụ sở
của Formosa ở Đài Loan để đòi họ phải chịu trách nhiệm về những tai hoạ
đã gây ra. Cuộc biểu tình này diễn ra cùng lúc với hàng ngàn người xuống
đường tại Sài Gòn, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình... ở trong nước. Ngoài
ra bà con còn kêu gọi người Việt trên khắp thế giới hãy đến các chi
nhánh công Formosa khác để biểu tình phản đổi và đòi họ phải rời khỏi
Việt Nam.
No comments:
Post a Comment