Thứ Tư, 04.05.2016
Cái chế độ lạc hậu, già nua, bất lực CSVN từ lâu đã biến dân chúng thành những con cừu để xỏ mũi cho dễ, do đó cừu không được quyền lựa chọn bất cứ điều gì. Bây giờ đòi hỏi quyền lựa chọn là đòi hỏi một nỗ lực thay đổi lớn lao của toàn thể dân chúng. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả theo dõi bài viết của Mẹ Nấm với tựa đề: "Formosa Hà Tĩnh: Chúng Ta Có Quyền Lựa Chọn Hay Không?" qua sự trình bày của Nguyên Khải.
Ngày 25/4/2016, ông Chu Nhân Kiệt – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH
Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) có buổi tiếp xúc báo chí và đưa ra
phương án lựa chọn giữa lợi ích kinh tế và phát triển môi trường bằng
câu trả lời: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả
hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được...".
Nguyên văn đoạn trả lời của đại diện FHS được trích đăng trên báo Tuổi Trẻ như sau:
"Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường,
nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn
làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên.
Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước VN.
Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà
nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở
đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc. Nếu xả thải thì đương
nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ
mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến
con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu
chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia
chứ.
Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì
được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay
tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt
bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác
rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.
Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng
đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công
ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của VN.
Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được..."
Chọn nhà máy thép hay chọn tôm cá?
Lựa chọn mà đại diện FHS đưa ra đã được chính phủ Việt Nam lựa chọn
khi quyết định đặt các khu công nghiệp nặng ở vùng ven biển rồi.
Người dân Việt Nam có quyền lựa chọn hay không đó mới là vấn đề!
Trên thực tế khi lựa chọn công nghiệp làm thế mạnh để phát triển thì
bài toán đặt ra về việc quản lý giám sát tác động đến môi trường là bài
toán khó cho tất cả các nước trên thế giới không riêng gì Việt Nam.
Đại diện FHS đã trả lời rất thẳng thắn: "Trước khi xây dựng dự án này
thì công ty phải xin phép Nhà nước Việt Nam... Công ty khi xây dựng nhà
máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không
là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố
gắng làm theo quy định của Việt Nam."
Cấp phép và quy đinh là của nhà nước, bài toán còn lại là năng lực
giám sát và quản lý của các cơ quan chức năng. Và yếu tố quan trọng nhất
quyết định năng lực của các cơ quan chính là sự minh bạch thông tin và
quan sát độc lập của những tổ chức không chịu sự chi phối từ đảng và
chính phủ.
Chúng ta thiếu những thứ ấy!
Hơn 20 ngày trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay lúng túng
như gà mắc tóc. Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn, Bộ Công thương.. ngoài các phát ngôn chung chung, không thể
chứng minh cho người dân thấy được năng lực của mình.
Tôi không muốn viện dẫn yếu tố dân tộc để bài trừ Formosa khi báo chí
đã đăng tin đã có một thợ lặn ở công trình dự án Formosa đã tử vong.
Nguyên nhân tử vong đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Trả lời báo
chí, những công nhân khác cho biết: "Chúng tôi đã làm nghề lặn trên 10
năm rồi, từ hôm cá chết đến giờ lặn xuống về thì cảm thấy trong người
mệt, ê ẩm trong người, đau đầu, đau chân, tức ngực khó thở".
Từ lúc cá chết, xét nghiệm độc tố đã phát hiện trong mẫu nước, mẫu cá
đã có. Sao công nhân vẫn phải lặn và làm việc trong môi trường nước độc
hại như thế?
Điều này cho thấy khả năng cảnh báo và ứng phó với thảm họa môi trường của các cơ quan chức năng quá kém cỏi và vô trách nhiệm.
Hôm nay, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ vào thanh tra đột xuất Formosa.
Quy trình thanh tra đã được thông báo từ vài ngày trước. Liệu mấy ai còn
tin vào kết quả kiểm tra hôm nay khi phải chờ đợi quá lâu và loay hoay
giữa các tin chồng chéo do cơ quan chức năng đưa ra?
Cá chết do độc tố, do sóng âm, do tác động môi trường... Không quan trọng nữa, đã có người chết rồi!
Vấn đề đối với chúng ta hôm nay không chỉ là lựa chọn nhà máy thép
hay cá biển. Bởi nếu viện dẫn yếu tố "Tàu khựa" để xóa sổ Formosa thì
việc sửa sai sẽ dễ dàng hơn rất nhiều lần so với việc đưa ra xét xử
những người quản lý có năng lực yếu kém.
Chúng ta cũng không thể để cảm xúc dẫn dắt mình bực bội, lo âu hàng
trăm lần qua những vụ gây ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn tràn lan...
Nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa hôm nay chính là năng lực yếu kém
của các cơ quan chức năng. Và đây là điều mà chúng ta phải lựa chọn.
Sẽ không chỉ có một Formosa trên toàn lãnh thổ Việt Nam nếu hôm nay
chúng ta không có quyền được biết những gì đang thực sự diễn ra và có
lựa chọn đúng đắn cho riêng mình.
Hãy lên tiếng và yêu cầu quyền được lựa chọn của chúng ta phải được
tôn trọng! Tôi nghĩ đã đến lúc chính chúng ta phải lựa chọn và có trách
nhiệm với lựa chọn của mình.
No comments:
Post a Comment