Ngày 02.12.2011
Lời dẫn: Sau ông Trương Tấn Sang thì đến phiên ông Nguyễn Tấn Dũng gây xôn xao trong dư luận về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Một số quan sát viên đã lạc quan cho rằng, đây là những chuyển biến quan trọng của giới lãnh đạo cộng sản. Có thật như thế hay không? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm dưới đây của LLDTCNTQ, có tựa đề "Tắc kè đổi màu", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Vào tuần qua, trong phần trả lời các câu hỏi ở quốc hội về chủ quyền ở Biển Đông, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của VN và bị Trung Cộng tấn chiếm từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Dư luận tỏ ra xôn xao về lời phát biểu này của ông Dũng. Một số người lạc quan cho rằng, đây là một chuyển biến tốt trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam. Thậm chí còn có một số người gọi đây là một vận hội mới cho đất nước. Tại sao họ lại nghĩ như thế? Có lẽ vì hai lý do.
Lý do thứ nhất, ông Dũng là người lãnh đạo cao cấp nhất của đảng cộng sản, dám nói thẳng ra rằng quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, trong khi chuyện này bị xem là một đề tài "cấm kỵ" hay "nhạy cảm", đi ngược lại phương châm "16 chữ vàng" và "4 tốt" mà đảng cộng sản đề cao trong mối quan hệ với Trung Cộng. Chính vì sự nhạy cảm đó, mà rất nhiều công dân yêu nước đã bị đi tù hay bị sách nhiễu, đặc biệt là trong các cuộc biểu tình phản đối sự xâm lấn lãnh hải của Trung Cộng trong mấy tháng qua.
Lý do thứ hai, ông Dũng lần đầu tiên dùng cụm chữ "chính quyền Việt Nam Cộng Hòa", chứ không phải lối gọi xách mé mà ông và cả đảng cộng sản vẫn dùng suốt 36 năm qua khi đề cập đến chế độ miền Nam. Điều gì đã khiến ông Dũng thay đổi cách gọi đó? Không ai biết rõ, nhưng có thể là vì con gái ông kết hôn với con trai của một sĩ quan cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nếu gọi xách mé như thế có thể làm buồn lòng người con rể.
Nhưng nếu chỉ vài câu tuyên bố như thế mà nhận định rằng ông Dũng nói riêng, và đảng cộng sản nói chung, đang có ý hòa giải hay đoàn kết dân tộc thì quả là quá lạc quan. Thật sự thì là họ đang "há miệng mắc quai" vì bức công hàm bán nước của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, nội dung công nhận Hoàng Sa và cả Trường Sa là của Trung Cộng. Nếu tin là hai bên đều tôn trọng công ước quốc tế, thì trên pháp lý nhà nước cộng sản Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Cộng trên giấy trắng mực đen thì không thể nào cãi ngược lại được. Và đó là một trong những bằng chứng mạnh nhất mà Trung Cộng luôn luôn nêu ra tại các diễn đàn quốc tế và các cuộc đàm phán để bắt bí VN.
Chính vì thế, để xóa bỏ tội danh bán nước, họ vội vàng chụp lấy các lý luận của một số trí thức trong và ngoài nước để phủ nhận tính cách pháp lý của bức công hàm Phạm Văn Đồng, giống như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao cấp cứu. Sắp tới đây, nếu đảng cộng sản có ra một nghị quyết như thế thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì họ đã cam tâm làm chư hầu cho Trung Cộng. Chuyện Hoàng Sa hay Trường Sa thuộc chủ quyền của ai, đối với họ, không hề quan trọng bằng việc bám giữ được quyền lực.
Bằng chứng là sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng mạnh dạn tuyên bố Hoàng Sa là của VN, và được báo chí làm ầm ĩ lên, thì công an lại ngăn chận không cho ông Hồ Cương Quyết trình chiếu cuốn phim tài liệu về Hoàng Sa? Không lẽ ông Dũng đã phát ngôn bừa bãi, trái với chủ trương chung của đảng?
Câu trả lời là bản chất "nói một đằng, làm một nẻo" của người cộng sản VN, đúng như câu tuyên bố bất hủ của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Dũng muốn bắt chước ông Trương Tấn Sang trong việc lấy lòng người dân về chủ quyền Biển Đông, nhưng bên trong thì không muốn làm mất lòng Trung Cộng bằng cách đàn áp những người biểu tình yêu nước.
Chỉ khi nào ông Sang và ông Dũng tuyên bố trả tự do cho những người như Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, và ra lệnh cho công an ngưng sách nhiễu những người đã xuống đường biểu tình chống Trung Cộng, thì mới chứng tỏ được thiện chí đoàn kết dân tộc để chống giặc ngoại xâm. Không có những hành động đó đi kèm theo, thì có nghĩa là họ đang tung ra một chiêu bài mị dân mới. Nói theo lối ví von của dân gian là con tắc kè "đang đổi màu".
Họ từng "đổi màu" nhiều lần trong quá khứ. Họ đổi từ đảng cộng sản sang đảng Lao Động, núp dưới cái dù Việt Minh, để lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân. Họ đổi từ cụm từ "Dân chủ Cộng hòa" sang "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa" để gắn chặt vào Liên xô. Và khi khối Đông Âu sụp đổ thì "đổi màu" sang nền kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ cái đuôi "xã hội chủ nghĩa".
Và bây giờ thì họ đổi sang màu yêu nước, nhưng trên đầu lại đội chiếc mũ "16 chữ vàng" và "4 tốt" mà Trung Cộng âu yếm tặng cho. Nhưng liệu có bịp được người dân một lần nữa hay không?
Câu trả lời xin dành cho mọi người dân Việt!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment