Saturday, August 27, 2011

TRAO DUYÊN NHẦM TƯỚNG CƯỚP


HS: Đảng cộng sản VN đã cầm quyền trên đất nước hơn 60 năm qua, nhưng đến chuyện xây cầu cho dân đi lại cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Chúng tôi xin gửi đến thính giả bài bình luận "Trao duyên nhầm tướng cướp" của Lê Phục Văn, qua sự trình bày của anh Song Thập.  
Nếu muốn biết khả năng điều hành và xây dựng đất nước của tập đoàn lãnh đạo cộng sản VN ra sao… thì cứ điểm qua tin tức trên một số báo trong nước. Mà ví dụ cụ thể nhất là việc xây cầu.  

Trên tờ Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 11/8 vừa qua, có bản tin cho biết là cây cầu bắc qua suối Ea Khanh do sở giao thông vận tải tỉnh Đắc Lắc đứng ra xây dựng từ năm 2008, đến nay chỉ xong được vài cái trụ cầu và để nằm phơi sương suốt 3 năm qua sau khi đã chi ra hơn 7 tỷ đồng.  
Vì không thể chờ đợi được nữa nên một số người dân Thượng đành phải hùn tiền và bỏ công ra làm cây cầu gỗ, bắc vào hai sợi dây cáp, với phí tổn chỉ 70 triệu đồng, tức chỉ bằng một phần trăm số vốn của chiếc cầu bê tông. Nhưng cây cầu tạm bợ này chỉ giúp ích cho cư dân hai xã trong mùa nắng… còn đến mùa mưa thì việc đi lại trên cầu rất nguy hiểm.  
Cây cầu gỗ của đồng bào Thượng ở tỉnh Đắc Lắc khiến người ta nhớ lại là hai tuần trước đây, ở Quảng Trị, cũng có hai nông dân được nhà cầm quyền khen thưởng khi họ bỏ tiền ra xây một cây cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn, hoàn thành ước mơ cả trăm năm qua của 6 xã thuộc huyện Triệu Phong. Cây cầu đã giúp cho người dân thay vì phải đi vòng đến 20 cây số, hoặc phải xuống đò băng qua sông, mới đến thị trấn Đông Hà, thì nay chỉ cần bước đi trên chiếc cầu phao dài vài trăm thước.  
Dĩ nhiên khi người dân bỏ vốn ra thì họ phải thu lại vốn bằng cách lấy lộ phí. Nhưng người dân qua lại các chiếc cầu đó đã vui vẻ đóng tiền vì chúng giúp cho đời sống của họ trở nên dễ chịu hơn, trong lúc chờ đợi nhà nước thực hiện lời hứa sẽ xây một chiếc cầu bằng bê tông.  
Họ dù sao cũng may mắn hơn người dân huyện Nghĩa Hành thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Trên tờ Công an Nhân dân số ra ngày 16/8 vừa qua, một bản tin cho biết là dự án đường Cầu Dài – Hành Nhân – Long Sơn được trung ương tài trợ vốn để xây từ tháng 3 năm 2010, dự trù đến tháng 3 năm 2011 là hoàn tất. Nhưng đến hôm nay thì chỉ có cây cầu là được xây xong, đang nằm chơ vơ giữa ruộng, trong khi đường dẫn lên hai đầu cầu thì chưa có.  
Nhưng khi được chất vấn thì giới quan chức ở hai tỉnh Đắc Lắc lẫn Quảng Ngãi đều lặp lại điệp khúc quen thuộc, diễn ra từ Bắc chí Nam, là không đủ tiền để "giải tỏa mặt bằng", tức không đủ tiền bồi thường cho việc trưng thu đất đai của người dân để xây cầu hay làm đường. Không lẽ khi làm lập kế hoạch xây cầu hay xây đường họ không tính đến số tiền bồi thường cho dân? Hay là nghĩ rằng mình có quyền tước đoạt ruộng vườn của người dân bất cứ lúc nào?  
Câu trả lời là các quan chức đó luôn tính toán rất kỹ cho mỗi cái gọi là…"dự án". Họ tính là sẽ bỏ túi được bao nhiêu qua sự chênh lệch trong mức đền bù cho người dân, cộng với tỷ lệ hoa hồng mà các nhà thầu sẽ chung chi cho họ. Nhưng chỉ cần một vài trục trặc xảy ra là dự án sẽ nằm phơi sương. Trục trặc thứ nhất là người dân không chấp nhận giá đền bù, nhất là khi chủ nhân các miếng đất đó lại là quan chức lớn hơn/ hay công thần của đảng. Trục trặc thứ nhì là nhà thầu bỏ chạy vì giá cả nguyên vật liệu gia tăng bất ngờ, nếu tiếp tục làm/ thì sẽ lỗ.
Điều này có thể nhìn thấy rất rõ qua việc người dân tự bỏ tiền ra xây các chiếc cầu treo hay cầu phao. Chắc chắn đất đai ở hai bên bờ sông hay bờ suối phải thuộc về một ai đó. Những nông dân này chắc chắn phải điều đình, thuyết phục và kể cả phải trả tiền mới được các chủ nhân đó đồng ý cho xây mô cầu hay đường dẫn lên cầu. Tại sao họ có thể làm điều đó một cách dễ dàng mà nhà nước thì không làm được?  
Và đây chính là điểm đáng nói nhất.
Một nhà nước mà việc xây một chiếc cầu nhỏ cho dân cũng không xong, hay vừa xây xong thì sập, thì làm sao có thể đưa đất nước đuổi kịp các nước láng giềng?
Có xứ sở nào mà sau khi tai nạn chìm thuyền, lật đò khiến hàng chục trẻ em chết, thì dư luận đứng ra hô hào góp tiền để xây các cây cầu treo giúp người dân đi lại, trong khi nhà cầm quyền thì chỉ lo kết án nặng nề các chủ ghe hay chủ phà trong các tai nạn mà chính thân nhân họ cũng là nạn nhân?  
Tệ hơn thế nữa, những con đường dẫn lên các cây cầu được xem là hiện đại/ đang xuống cấp trầm trọng, gây biết bao tai nạn thảm khốc thì chẳng có một ai chịu trách nhiệm hay bị truy tố. Một nhà nước như vậy, nếu có gọi là "bất tài vô tướng" thì vẫn còn khá nhẹ.  
Chỉ tội nghiệp cho dân tộc Việt là đã lỡ "trao duyên nhầm tướng cướp"!      
Lê Phục Văn  

No comments:

Post a Comment