Wednesday, August 24, 2011

GIẤU GIẾM VÀ LẤP LIẾM

HS: Vụ hối lộ để in tiền nhựa của một công ty Úc đã gây sôi nổi khắp thế giới, với 7 nhân vật cao cấp bị bắt và bị truy tố ra tòa. Thế nhưng nhà nước VN khăng khăng cho rằng là chưa đủ chứng cớ để mở cuộc điều tra các quan chức liên hệ. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận "giấu diếm và lấp liếm" của Lê Phục Văn, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Vào ngày 16/8, nhà nước VN đã đẩy ông phó thanh tra Trần Đức Lượng ra trả lời về vụ tai tiếng nhận hối lộ của hai quan chức VN trong vụ thầu in tiền nhựa của một công ty Úc. Khi được báo chí hỏi là phía VN có vi phạm gì hay không/ thì ông Lượng phán một câu: "có dấu hiệu chưa rõ ràng, chưa minh bạch, có yếu tố nước ngoài" về chuyện này.

Cả câu hỏi lẫn câu trả lời đều rất vô duyên.
Rõ ràng là "đã vi phạm pháp luật" chứ còn dấu hiệu hay dấu ấn gì gì nữa. Giới cảnh sát Úc đã viết rõ trong cáo trạng truy tố là số tiền hối lộ hơn 20 triệu Úc kim. Họ đã xin trát tòa để tống giam 7 nhân vật cao cấp của công ty Securency. Họ cũng nêu đích danh là ông Lê Đức Thúy, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, và Lương Ngọc Anh, một đại tá tình báo thuộc bộ công an, là những người đã nhận những số tiền này, được chuyển vào những trương mục ngân hàng ở Thụy Sĩ và một số nước nữa.
Ông Lượng à, trừ phi là muốn giấu giếm hay lấp liếm, chứ… "chưa rõ ràng" hay "chưa minh bạch" là ở cái chỗ nào, hả ông Lượng? Cảnh sát Úc chứ đâu phải là công an VN mà muốn bắt ai là bắt đâu, hay… chỉ cần ném hai bao cao su vào trong phòng người ta là có thể kết tội: "tuyên truyền chống phá nhà nước"?
Nhưng nếu ai còn mù mờ chưa hiểu cụm từ "có yếu tố nước ngoài" trong câu trả lời của ông Lượng thì xin trích dẫn thêm một câu nữa để làm sáng tỏ ý của ông Lượng nhá, và cũng là của nhà nước VN: "Thông tin trên báo chí nước ngoài chỉ là một kênh để các cơ quan chức năng của Việt Nam tham khảo, có sự phối hợp, làm rõ xem có yếu tố đó không. Nước Úc truy tố theo pháp luật của nước họ. Việt Nam sẽ xem xét có vi phạm pháp luật Việt Nam hay không?"
Có nghĩa là pháp luật Úc xem việc hối lộ là một trọng tội/ thì đó là chuyện của nước Úc. Còn ở VN thì hối lộ là chuyện thường ngày xảy ra ở huyện, không cần phải lưu ý tới, vì ngay cả giới hữu trách cũng không biết là có vi phạm pháp luật hay không.
Hay thiệt! Một ông phó tổng thanh tra chính phủ mà lập luận như thế thì đủ hiểu lý do tại sao có 6 cuộc thanh tra ở tập đoàn Vinashin trong mấy năm qua/ mà vẫn không phát giác ra hàng tỷ Mỹ kim đã bị thất thoát, cho đến khi nó tuyên bố phá sản.
Trong khi đó, ngay sau khi nổ ra vụ tai tiếng in tiền nhựa, các chính phủ Mã Lai và Nam Dương đã lập tức cộng tác với cảnh sát Úc, dựa trên các tài liệu mà Úc cung cấp để điều tra những viên chức bị nêu tên trong hồ sơ. Và có ít nhất là hai nhân vật cao cấp của họ đang bị ngưng chức để chờ ra hầu tòa.
Những hành động nhanh nhẹn này/ giúp nâng cao uy tín của các chính phủ đó và thể hiện được quyết tâm chống tham nhũng của các quốc gia này/ chứ không phải là hô hào khẩu hiệu suông như tập đoàn lãnh đạo cộng sản VN.
Nhưng chuyện lấp liếm hay giấu giếm, bất chấp uy tín của quốc gia, của nhà nước VN là điều dễ hiểu. Ông Lê Đức Thúy và Lương Ngọc Anh là đàn em tín cẩn của Thủ tướng Dũng, người được thế giới cho rằng có quyền lực nhất VN hiện nay. Việc ký hợp đồng in tiền nhựa là có sự đồng ý và chữ ký của ông Dũng. Như vậy, nếu có chuyện hối lộ thì chắc cũng có phần chia chác cho ông Dũng.
Nhưng muốn biết rõ hơn thì phải chờ xem 7 quan chức Úc sẽ khai thêm những gì trước tòa trong những ngày tới. Vì đây là vụ án hối lộ lớn nhất ở Úc từ trước đến nay. Giới cảnh sát Úc vẫn chưa ngừng lại ở những tài liệu mà họ thu thập được. Họ tiếp tục cử nhân viên sang các nước liên hệ để mở rộng cuộc điều tra, nhưng… không sang được VN vì nhà nước cộng sản cương quyết không hợp tác, dù nhận được lời yêu cầu của Úc.
Chính vì thế, nếu nói là không rõ ràng hay không minh bạch thì phải nói là phía VN/ chứ không phải Úc. Số tiền hối lộ đó không phải đến từ tiền thuế của dân Úc, mà là đến từ khoản lợi nhuận khi công ty Securency in tiền nhựa cho các nước đó. Có nghĩa là tiền thuế của người dân Việt đã chảy vào túi của cha con ông Lê Đức Thúy, ông Lương Ngọc Anh và một số quan chức nữa, nhưng chưa bị nêu tên.
Xin hỏi còn bao nhiêu vụ hối lộ, tương tự như vụ in tiền nhựa, mà chưa được khui ra?
Chắc là nhiều không đếm nổi, nhưng phải chờ/ "xem lại pháp luật VN"/ cái đã/ rồi mới công bố được!
À, quên hỏi ông phó thanh tra Trần Đức Lượng là vụ Vinashin đã điều tra xong chưa vậy, hả ông?
Lê Phục Văn

No comments:

Post a Comment