Ngô Quốc Sĩ
HS: Mùa lễ Vu Lan là mùa báo hiếu cho mẹ ruột, mẹ nuôi, mẹ tâm linh và cả Mẹ Việt Nam. Nhưng nhìn lại đất nước thì nhiều bà mẹ này đang bị con cái hất hủi hay ruồng bỏ, nhất là mẹ Việt Nam. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết "Bông Hồng Nào cho Mẹ Việt Nam" của anh Ngô Quốc Sĩ, qua sự trình bày của anh Song Thập
Lễ Vu Lan đã qua. Nhìn lại tuần rồi, dân Việt trong nước cũng như ngoài nước đã cử hành lễ Vu Lan thật cảm động và thật ý nghĩa. Một bông hồng đỏ cài lên ngực áo mùa báo hiếu/ như một nhắc nhở những ai đang còn mẹ hãy vui mừng và hãnh diện vì còn được yêu thương ấp ủ. Một bông hồng trắng cài lên ngực áo những ai không còn mẹ/ cũng để nhắc nhở con cái biểu tỏ lòng hiếu thảo đối với những người mẹ đã ra đi, nhưng tình mẹ con vẫn còn nguyên vẹn trong lòng con bên này và mẹ đã khuất bên kia.
Nhất là những bông hồng dâng lên cho mẹ dưới mái gia đình, trong sân chùa, nơi thánh đường, càng biểu tỏ truyền thống hiếu thảo cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, trong xã hội gọi là “xã hội chủ nghĩa" hôm nay, truyền thống báo hiếu đó đã trở thành khôi hài, nếu không muốn nói là mỉa mai và sỉ nhục!
Thật vậy, hiếu thảo với cha mẹ là một nét son của nền văn hóa Việt Nam. Mẹ là âm từ dịu dàng êm ái và truyền cảm nhất đối với bất cứ dân tộc nào. Nhưng đặc biệt, đối với dân tộc Việt Nam, hình ảnh người mẹ không phải chỉ thâu tóm vào đấng sinh thành, mà còn trải rộng ra tận những nguồn yêu thương khác như: Mẹ nuôi, mẹ tâm linh và mẹ dân tộc.
Trước hết là mẹ ruột. Sau chín tháng mang nặng đẻ đau, mẹ đã đưa con vào đời. Giòng sữa ngọt ngào của mẹ mãi là giòng sống tuôn trào với tình yêu vô vị lợi và vô điều kiện. Bàn tay ẵm bồng của mẹ vẫn mãi tỏa hơi ấm suốt đời con. Bông hồng dâng lên cho mẹ ngày Vu Lan quả là hợp tình và hợp lý, và hợp đạo làm người.
Tiếp đến là mẹ nuôi. Tuy không sinh mà có công dưỡng dục nuôi nấng chiều chuộng. Đó có thể là bàn tay từ ái của một ni cô tại cô nhi viện, là bàn tay dịu dàng của một “ma soeur” tại một trại cùi hay một ký túc xá. Ngoài ra, đó cũng có thể là con tim bao dung của những bà mẹ vẫn được gọi là “mẹ chiến sĩ”, đem tình yêu tô điểm cho những đứa con xả thân cho đất nước cho lý tưởng quốc gia dân tộc. Một bông hồng dâng lên cho mẹ nuôi ngày Vu Lan cũng là một cử chỉ cao đẹp của những đứa con còn tình còn nghĩa.
Bước qua ngưỡng cửa tâm linh, dân Việt cũng rất sùng kính những ngưởi mẹ siêu nhiên, như Mẹ Quan Âm của các tín hữu phật giáo, mẹ Maria của các tín hữu công giáo. Người ta còn nói tới Thiên Y Mẫu tại Tháp Bà Nha Trang, tới Bà Đen tại Sóc Trăng, như những cánh tay linh thiêng và từ ái. Một bông hồng cho những bà mẹ tâm linh này trong ngày Vu Lan cũng là chuyện không thể thiếu nơi những đứa con trần thế.
Đáng nói nhất là mẹ Việt Nam. Đó chính là mẹ Âu Cơ đã mang bọc trăm trứng, nở ra trăm con, tạo thành nòi giống Bách Việt, dù có chia tay lên núi xuống biển, nhưng không bao giờ chia lìa, mà luôn luôn quấn quýt và gắn bó, Cha Rồng, Mẹ Tiên và trăm con một mẹ. Một bông hồng cho mẹ Việt Nam ngày Vu Lan là điều tất yếu, con cái không có quyền lơ là lãng quên.
Thế đó! Dân Việt có mẹ yêu thương bảo bọc, nên dù lưu lạc nơi đâu, cũng cảm thấy gần gũi gắn bó và ấm lòng. Nhất là ngày Vu Lan, mùa báo hiếu, con cái/ mẹ cha lại càng cảm thấy an ủi, ấm cúng hơn. Thế nhưng, trong xã hội Việt Nam hôm nay, được gọi là “xã hội chủ nghĩa” thì chữ hiếu đã trở nên vô nghĩa và mùa Vu Lan cũng chỉ làm lòng người chùng xuống, ngậm ngùi đến thâm tím.
Thật vậy,
Mẹ ruột thì bị con cái đem ra đấu tố đến phải bức tử hay quyên sinh!
Mẹ nuôi thì bị con cáí “vắt chanh bỏ vỏ” đến nỗi phải kéo lê số phận dân oan, nhà cửa ruộng vườn tài sản bị con cái cướp mất, phải lang thang nơi đầu đường xó chợ!
Còn mẹ tâm linh thì ôi thôi, đang bị con cái vô thần nhục mạ, phạm thánh… tiêu biểu như Mẹ La Vang tại Quảng Trị, Mẹ Sầu Bi tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội. Đặc biệt, mẹ Âu Cơ đã bị “con cháu Bác” phản bội, chặt đứt thân thể châu ngọc của mẹ dâng cho ngoại bang qua những Hiệp định Biên giới, những Công hàm Biển đảo, cũng như những thỏa thuận thuê mướn núi rừng, nhượng địa Tây Nguyên…
Thế đó! Xã hội chủ nghĩa là một xã hội trong đó con cái bất hiếu với mẹ, bất nhân với người, bất kính với Trời và bất tín bất nghĩa với đồng bào, đồng loại. Nhiều người tự hỏi, sao dân Việt chưa khai tử những đứa con bất hiếu, bất tín bất nghĩa và bất nhân đó? Nói là chưa, vì hoàn cảnh chưa thuận lợi, nhưng điều chắc chắn, là một khi “đất trời bão nổi" thì tàn hung ơi! Bám vào đâu? Trốn vào đâu?
Ngô Quốc Sĩ
No comments:
Post a Comment