Monday, August 15, 2011

CÔNG AN HẠ GỤC BÁO CHÍ

Cuối cùng thì… vụ án nhà báo Hoàng Hùng cũng kết thúc giai đoạn điều tra. Trong kết luận điều tra của công an tỉnh Long An chuyển qua Viện kiểm sát để truy tố bà Thúy Liễu, vợ của nhà báo xấu số, đã hành động… một mình, tức là "không có đồng phạm".
Có thể nói đây là cuộc chiến âm thầm giữa tờ báo Người Lao Động nói riêng và báo chí VN nói chung với một thế lực thao túng mọi quyền hành ở VN hiện nay. Đó là công an. Nhìn vào kết luận điều tra thì xem như phía công an dẫn trước báo chí với tỷ số 1-0.  

Cũng như các cơ quan hành chính cồng kềnh ở VN hiện nay, giới công an được phân cấp như sau: bộ công an và công an tỉnh thành trực thuộc trung ương, rồi đến công an quận huyện, công an phường xã, công an thôn ấp. Về báo chí thì phân cấp thành báo cấp 1, cấp 2, cấp 3. Báo cấp 1 thuộc trung ương như báo Nhân Dân, VTV, hay Thông Tấn Xã Việt Nam. Báo cấp 2 là các tờ báo thuộc tỉnh và cơ quan chính phủ như tờ Sài Gòn Giải Phóng, Hà Nội Mới, Pháp Luật v.v.. và báo cấp 3 là cơ quan ngôn luận của các sở ở tỉnh thành. Ví dụ như báo Tuổi trẻ thuộc thành đoàn Sài Gòn, báo Pháp Luật Thành Phố của sở Tư pháp và báo Người Lao Động cũng thuộc diện báo chí cấp 3 vì trực thuộc liên đoàn lao động thành phố.  
Phân tích như vậy để thấy rằng, trong vụ án nhà báo Hoàng Hùng thì đây là cuộc chiến giữa báo Người Lao Động (tức báo cấp 3) và sở công an tỉnh Long An (thuộc cấp 2). Chính vì thế cuộc chiến này ngay từ đầu đã không ngang sức ngang tài. Nếu báo Người Lao Động gặp đối thủ là công an huyện, ví dụ như trong vụ án của anh Nguyễn Minh Nhựt ở huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương thì "vai vế mới ngang nhau". Còn trong vụ án nhà báo Hoàng Hùng thì báo Người Lao Động ở dưới cơ rồi. Và bây giờ thì kết quả hiệp 1 là nghiêng về phía công an tỉnh Long An.  
Các phóng viên của các báo ở thành phố, về nghề nghiệp, giỏi hơn xa các công an điều tra rất nhiều. Các phóng viên chuyên viết về đề tài chính trị, xã hội tòa án hay công an... rất giỏi và rất đoàn kết cũng như chia sẻ tin tức cho nhau. Ngay từ đầu, các phóng viên đã nháy mắt cho nhau biết ai là kẻ đứng đằng sau vụ án này. Các tay phóng viên ở Sài Gòn không thèm đến công an tỉnh Long An để lấy tin. Họ đi thẳng đến thân nhân của nạn nhân để tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của nhà báo Hoàng Hùng.  
Trước khi có vụ án, giới phóng viên cũng quá biết ông Nguyễn Văn Tâm, đội trưởng đội 5 Quản lý Thị trường tỉnh Long An, vì ông Tâm thường lui tới các sòng casino dọc biên giới Việt-Miên. Ông Tâm vừa là công chức của đội Quản lý Thị trường, vừa là một an ninh biệt phái của bộ công an với chức vụ tổ phó tổ ngoại tuyến của công an Long An.  
Để ngăn chặn những bài phanh phui tham nhũng của nhà báo Hoàng Hùng, ông Tâm được lệnh "chặn đứng" bằng mọi giá. Và cái giá phải trả là cái chết của nhà báo này. Nhưng việc dư luận phẫn nộ về cái chết của Hoàng Hùng vượt hẳn mức dự đoán của giới công an điều tra vì những sai lầm của các quan chức này.  
Lẽ ra bà Thúy Liễu, vợ của nhà báo Hoàng Hùng, phải bị bắt ngay/ khi nạn nhân được đưa vào bệnh viện. Nhưng vì chưa chuẩn bị kịp nên họ mới cầm cự dây dưa rồi mới bắt Bà Liễu. Họ bỏ sót quá nhiều nhân chứng và vật chứng. Chẳng hạn như người đi mua sợi dây dù để dàn cảnh cướp vào nhà. Một số nhân viên khách sạn thì khai với báo chí là ông Tâm nhiều lần đi cùng bà Liễu vào khách sạn. Rồi còn lá thư mà bà Liễu viết cho ông Tâm để hỏi về mưu kế đánh lạc hướng điều tra bị tờ báo Người Lao Động tìm thấy.  
Khi kết luận điều tra được công bố thì dư luận vô cùng phẫn nộ. Lý do là nếu ông Tâm không bị truy tố là đồng phạm thì cũng bị phải bị tội bày mưu tính kế cho bà Thúy Liễu khai gian. Nhưng nếu ông Tâm mà bị bắt thì chắc chắn phiên tòa sẽ phải xử kín vì ông Tâm sẽ khai rõ từng sự thật. Lúc đó… dư luận sẽ còn kinh hoàng hơn nữa.  
Trong trận chiến này, tờ báo Người Lao Động sẽ thua, từ thua ít đến thua nhiều. Dùi cui thì bao giờ cũng thắng ngòi bút trong các chế độ độc tài. Ông Tâm là đảng viên và ông Hoàng Hùng cũng là đảng viên. Nhưng người ta đã thí một đảng viên cấp thấp để che giấu tội lỗi cho những đảng viên cấp trên. Cha anh Hoàng Hùng là một liệt sĩ, nếu ông ta biết trước kết cục bi thảm của con trai mình thì có lẽ ông đã chửi thẳng vào mặt những kẻ gọi là "đồng chí" của ông.  
Trung Sơn 

No comments:

Post a Comment