Lời dẫn của HS: Cuộc bạo loạn ở Anh trong tuần qua, đã gây rúng động trong dư luận, nhưng cũng cho thấy cung cách hành xử của một đất nước dân chủ khác với các quốc gia độc tài chuyên chế như thế nào. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Hồng Giang về cuộc bạo loạn này, qua sự trình bày của anh Hướng Dương
Suốt một tuần lễ liền, cả thế giới gần như nín thở khi nhìn thấy những cuộc bạo động và cướp phá ở Anh. Đây là lần đầu tiên xứ sở này gặp một biến loạn có tầm cỡ như thế. Mười sáu nghìn cảnh sát được điều động về thủ đô Luân Đôn, và hàng nghìn nhân viên công lực khác được đua về các trung tâm kỹ nghệ như Bristol, Birmingham, Manchester, Liverpool để đối phó với hàng nghìn thanh thiếu niên xuống đường đốt phá các cửa tiệm, xô xát với cảnh sát, lật và đốt các phương tiện chuyên chở công cộng.
Người ta cần phải nói ngay là nước Anh là một xứ dân chủ và có lối cư xử rất văn minh nên không có chuyện quân đội và lực lượng an ninh được điều động đến để đàn áp vô tội vạ, và bắn bừa bãi vào đám đông như ở những quốc gia khác. Thủ tướng Anh David Cameron cũng chỉ đưa ra lời đe dọa là sẽ cho phép cảnh sát dã chiến dùng đạn cao su để trấn áp. Riêng biện pháp xử dụng vòi rồng phun nước để khống chế đám đông thì sẽ được thông báo trước 24 giờ đồng hồ mới áp dụng. Có nghĩa là những biện pháp chỉ được xử dụng trong tình thế bất đắc dĩ mà thôi.
Nếu nói như các giới chức cao cấp Anh là những tức bực đưa đến bạo động là điều không thể chấp nhận được và không có nguyên nhân chính đáng thì thật sự chỉ đúng có một phần, và trong tình hình đó họ phải có những tuyên bố như thế. Dĩ nhiên thì không thể biện minh nào cho những hành động cướp bóc và đốt phá, nhưng rất có thể ủy ban đặc nhiệm điều tra độc lập sẽ đi đến kết luận là các thanh thiếu niên tham gia vào các biến động này cũng có một số lý do để nổi loạn.
Phần lớn họ là các di dân, có thể là thế hệ thứ hai thứ ba, đến từ các cựu thuộc địa Anh ở Nam Á, Phi Châu và Trung Mỹ. Những nơi vừa xảy ra các cuộc bạo loạn chính là những nơi mà các di dân này sinh sống, trong những hoàn cảnh không mấy tốt đẹp. Đó là những vùng kỹ nghệ, và di dân tụ họp về đây để nương tựa vào nhau. Họ đã sống qua nhiều thế hệ. Phải chính mắt nhìn thấy họ thì mới biết họ không phải là người Anh vì họ nói tiếng Anh bằng âm điệu và kể cả thổ âm của người Anh chính thống.
Chính vì thế sự tức giận và nổi loạn của giới di dân bắt nguồn từ những xung đột văn hóa và chính trị chứ không hẳn từ sự kỳ thị màu da hay chủng tộc. Mấy chục năm trước đây, với chính sách dễ dãi về di trú, hầu như bất cứ ai từ những cựu thuộc địa của Anh cũng có thể đến xứ này để định cư một cách dễ dàng. Vì vậy di dân từ các xứ bất ổn và đông dân như Ấn Độ, Pakistan, Phi châu và Trung Mỹ ùn ùn kéo đến mẫu quốc để kiếm sống. Vì nhu cầu sinh tồn, họ dồn về sống ở những nơi dành cho họ việc làm, tức các nhà máy, và dần dần biến thành các cộng đồng tập trung. Tại nhiều vùng mà người viết bài này mỗi lần đi qua là cứ tưởng mình lạc vào một xứ khác, vì người dân tại những chỗ đó đã mang cả một trời quê hương sang Anh, tương tự như các khu phố Tàu, phố Tàu, phố Nhật ở Mỹ hay ở Úc.
Từ những khu biệt lập đó, người ta dễ bị bực bội và có cảm giác bị kỳ thị và đè nén mà quên hẳn rằng nếu ở lại nguyên quán, chắc chắn họ còn bị đè nén nhiều hơn. Chính vì thế khi một thanh niên di dân bị bắn chết trong một vụ chận xe của cảnh sát, thì giọt nước đã làm tràn ly. Thay vì chờ luật pháp hay ủy ban điều tra, thì các nhóm di dân muốn tự tay mìh đem lại công lý bằng cách xuống đường. Một đồn mười, mười đồn trăm, lại có sẵn các phương tiện truyền thông điện tử, nhóm này gọi nhóm khác, với những đồn thổi và thêu dệt thêm. Và rồi chủ nghĩa thời cơ được hình thành. Thay vì xuống đường đòi hỏi chính quyền phải điều tra vụ án mạng cho đến nơi đến chốn, cuộc xuống đường biến thành làn sóng cướp phá để hôi của.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, ở đâu cũng có loạn. Nhưng ở Anh, một xứ dân chủ thật sự, thì việc cướp bóc, hôi của, và thậm chí lái xe để cán chết những người đứng ra bảo vệ làng xóm trong cuộc bạo loạn thì cũng chỉ bị bắt và đưa ra tòa. Chỉ có ở Anh mới có chuyện toà án ngồi xử suốt đêm để xét từng trường hợp một, và ngay cả thủ tường cũng phải nghe theo lệnh tòa. Những kẻ ăn cướp bị thu hình một cách rõ ràng cũng được quyền có luật sư bào chữa ở tòa. Dù thủ tướng Cameron đe dọa rằng, không cần biết là trẻ hay già, nếu “có gan ăn cướp thì phải có gan chịu đòn”, nhưng mọi việc đâu còn có đó. Nước Anh đâu có phải là Syria mà khi xuống đường đòi cải tổ dân chủ thì bị quân đội bắn giết thẳng tay mặc kệ sự phản đối ầm ĩ của quốc tế.
Nước Anh cũng đâu giống như ở Việt Nam, khi người dân xuống đường bênh vực quyền lợi quốc gia thì bị công an áo vàng áo xanh dùng gậy gộc đánh đập, rồi bị bỏ vào xe cây bít bùng mang đi.
Thành ra, dù nạn ăn cướp, hôi của ở Anh có tệ hại thật, nhưng khi xảy ra thì người ta mới có cơ hội so sánh ngay thế nào là độc tài, đảng trị, thế nào là dân làm chủ thật sự. Không biết những con người-gọi-là-người, đang ngồi ở Bắc Bộ Phủ, có cảm thấy xấu hổ trước cảnh công an đạp vào mặt những người yêu nước không nhỉ?
Hồng Giang
No comments:
Post a Comment