Monday, August 15, 2011

THAM LAM VÀ BẤT TÀI

Một bài phóng sự có tựa đề "nguy cơ lãng phí 32 ngàn tỷ đồng" trên một tờ báo trong nước, viết về đề án 1956, khiến cho người đọc phải sửng sờ vì khả năng điều hành yếu kém và hoang tưởng của nhà cầm quyền tại một đất nước chỉ mới bước qua mức thu nhập trung bình.
Đây là chính sách huấn luyện nghề mới cho nông dân, được thực hiện ở 63 tỉnh thành trong vòng 10 năm, với phí tổn là 32 ngàn tỷ đồng, tức vào khoảng 1 tỷ 300 triệu Mỹ kim. Nhưng chỉ sau một năm thì đề án này có nguy cơ phá sản khi những nông dân quay trở lại nghề cũ vì làm nghề mới thì chỉ có nước... chết đói!

Điển hình là tại thôn Chúc Đồng của xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ thuộc Hà Nội. Nghe theo lời dạy cả thôn chuyển sang trồng rau, rốt cuộc bị lỗ nặng và công ty thu mua cũng ôm tiền bỏ chạy. Tại xã Móng Hóa thuộc tỉnh Hòa Bình thì người dân được dạy cho nghề làm tăm. Nhưng cả xã cũng phải bỏ nghề vì làm tăm thì phải làm bằng máy, chứ làm bằng tay thì tiền kiếm được còn thua cả nghề cũ là làm chổi chà.
Riêng xã Nhân Nghĩa, cũng ở tỉnh Hòa Bình, thì được dạy nghề trồng nấm rơm và nuôi heo. Cả hai nghề đều cần phải có vốn, trong khi người theo học thì thuộc diện nghèo nhất xã, lấy đâu ra tiền để mua dụng cụ hay heo giống. Tại huyện Tân Kỳ của tỉnh Nghệ An thì một trung tâm dạy nghề mọc lên để dạy nghề hàn, nghề điện nhưng một năm trôi qua không có ai theo học. Và ở xã Hưng Hóa, một vùng chuyên làm chiếu cói từ mấy trăm năm qua, thì các nông dân được dạy nghề đan thảm hay các đồ mỹ nghệ. Nhưng không đầy hai tháng thì các nghề này cũng trả lại cho thầy vì sản phẩm làm ra không biết bán cho ai.
Điều đáng nói là bài báo nêu ra những số tiền khá ít ỏi cho việc dạy nghề ở một số nơi, trong khi chương trình này lên đến hơn 1 tỷ Mỹ kim. Như thế thì không cần nói ra người ta cũng biết là gần như toàn bộ số tiền này chảy vào túi các quan chức từ trung ương cho đến huyện xã. Nó không phải là sự lãng phí công quỹ mà là một thủ đoạn bòn rút công quỹ, mượn danh nghĩa chăm lo cho đời sống dân nghèo. Chắc chắn số tiền đó đến từ nguồn viện trợ của thế giới trong các chương trình "xóa đói giảm nghèo" ở nông thôn.
Nếu thật sự muốn giúp cho những gia đình nghèo đó thì tại sao không phát tiền mặt cho họ? Nếu không thể biếu tặng vì sợ họ tiêu xài hết, thì cứ cho mỗi gia đình vay mượn 1000 Mỹ kim. Một tỷ Mỹ kim sẽ giúp cho một triệu gia đình có vốn để nuôi heo gà, buôn bán hoặc trồng trọt những hoa màu thích hợp với thổ nhưỡng trong vùng. Cho dù tỷ lệ thành công chỉ đạt mức 50% thôi, thì cũng có 500 ngàn gia đình thoát được cảnh nghèo túng nhờ có được một số tiền không lấy gì lớn lắm, nếu so sánh với một tiệc nhậu của nhiều quan tham hiện nay.
Và đây chính điều đáng nói nhất. Một chương trình dạy nghề không thôi mà mức phí tổn hơn 1 tỷ mỹ kim thì các chương trình khác, chẳng hạn như xây nhà cho dân nghèo, sẽ lên đến bao nhiêu tỷ? Vào bao nhiêu tiền trong số đó, đã và đang chảy vào túi các quan tham?
Không ai biết chính xác. Nhưng chỉ cần nhìn những con đường vừa khánh thành đã sụt lún, những chiếc cầu vừa xây xong đã sập hay những ngôi trường xiêu vẹo sau mỗi mùa mưa bão, là người ta đủ biết các dự án đó đã bị bòn rút đến tận cốt tủy. Điều buồn cười là điệp khúc "thiếu kinh phí" hay "không có kinh phí" luôn nằm trên đầu môi chót lưỡi của các quan chức từ trên xuống dưới, ví dụ như khi được hỏi là tại sao không xây một chiếc cầu treo để trẻ em khỏi phải đu dây đến trường.  
Trong khi đó thì rất nhiều công trình xây xong lại bỏ hoang. Chẳng hạn như viện bảo tàng quốc gia to lớn được xây để mừng 1000 năm Thăng Long. Chẳng hạn như hàng trăm ngôi chợ ở khắp các tỉnh thành không một ai lai vãng. Và những khu công nghiệp thì có tỷ lệ thuê mướn chưa đến 20%.
Những nghịch lý đó đủ cho người ta thấy tài điều hành đất nước của đảng cộng sản thật sự ra sao. Bất cứ lãnh vực nào mà họ rờ đến đều biến thành một đống bùng nhùng, từ kinh tế, giáo dục cho đến y tế. Bất cứ chính sách nào mà họ đề ra cũng có nguy cơ phá sản, kể cả chiến dịch học tập theo tấm gương đạo đức của HCM.
Thế nhưng bây giờ họ dự trù tu chính hiến pháp để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa quyền lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản sau 60 năm làm băng hoại đất nước và bán nước. Không lẽ họ thật sự tin rằng dân tộc Việt sẽ nhẫn nhục chịu đựng sự cai trị của một tập đoàn như vậy hay sao?
Nếu nghĩ như thế thì họ đã lầm lớn. Vì dân tộc Việt sắp tống tiễn họ về bên kia biên giới, như đã từng tiễn đưa Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống!
Radio Đáp Lời Sông Núi

No comments:

Post a Comment