Friday, August 19, 2011

CUỘC NỔI DẬY ĐẪM MÁU Ở SYRIA

HS: Bất cứ chế độ độc tài nào rồi cũng sẽ cáo chung, điều khác biệt chỉ là sớm hay muộn. Một trong các chế độ đó là Syria hiện nay. Chúng tôi xin gửi đến qúy thính giả bài viết "Cuộc nổi dậy đẫm máu ở Syria" của Hồng Giang, qua sự trình bày của anh Song Thập

Lịch sử cận đại là một lịch sử đầy máu và nước mắt, nhất là ở các quốc gia cựu thuộc địa. Syria cũng không tránh khỏi định luật đó. Đây là một đất nước kể từ sau đại chiến thứ 2 cách đây hơn 66 năm đã liên tục nằm dưới một chế độ độc đảng và dưới bàn tay sắt máu của những nhà độc tài. Đảng duy nhất ở Syria là đảng Ba’ath, đã vấy máu dân lành nhiều nhất dưới sự cầm quyền của gia đình Al-Assad, từ đời cha Hafez đến đời con bây giờ là Bashar.
Suốt 42 năm qua, hàng trăm ngàn người Syria đã chết dưới tay chế độ này, một chế độ không bao giờ nề hà đến việc dùng quân đội gồm người từ giáo phái này hay bộ lạc nọ để reo rắc kinh hoàng tới dân chúng thuộc giáo phái khác hay bộ lạc khác để bắt họ phải phục tòng. Chỉ một vụ đàn áp ở một tỉnh Hama cách đây hơn một phần tư thế kỷ đã khiến mấy chục ngàn người mất mạng trong vòng mấy ngày.
Giết một người để làm vạn người sợ vẫn là thủ đoạn quen thuộc của những kẻ độc tôn quyền lực từ xưa đến bây giờ. Biện pháp này khá thành công, nhưng không phải đây là phát minh của Syria và chế độ Al-Assad. Gần đây nhất, và thế giới thấy rõ nhất, là những vụ đàn áp các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, khi quân đàn áp và những người bị chết dưới tay họ là những người lạ, không nói cùng một thứ tiếng và không hề quen biết nhau.
Như bất cứ một chế độ độc tài nào khác, đảng Ba’ath và gia đình Al-Assad ngoài việc bắn giết vô tội vạ, còn trông cậy vào sự bưng bít sự thật, tuyên truyền một chiều để đánh lừa và dằn mặt dư luận trong nước. Đối với bên ngoài, họ cho rằng càng tàn bạo chừng nào thì thế giới sẽ phải ngoảnh mặt làm ngơ, không dám can thiệp chừng ấy, vì e ngại là những can thiệp bên ngoài chỉ làm gia tăng thêm các đàn áp ở bên trong.
Cứ kiểm nghiệm những gì đang xẩy ra ở Syria từ tháng Ba đến giờ là đủ rõ. Dân Syria tiếp tục chết dưới họng súng của quân đội nước mình, và cộng đồng thế giới tiếp tục cứ ngập ngừng, phân vân, tính toán nhưng không dám ra tay.
Chính vì thế, người dân Syria biết rõ là họ chỉ có thể thoát khỏi ách độc tài của al-Assad bằng sự hy sinh của chính họ, chứ không thể mong đợi gì ở thế giới. Từ tháng Ba đến nay, không ngày nào là không có hàng chục thường dân bị thương vong dưới lằn đạn của quân đội. Nhưng dù có máu đổ người ngã, ở đâu đâu cũng có người nổi dậy, bất chấp súng đạn và sự bạo tàn của những người có nhiệm vụ phải bảo vệ họ thay vì bắn vào họ. Cuộc đương đầu rõ ràng là không cân sức, máu chỉ chảy bên phía thường dân, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy là nhân dân Syria lần này chịu khuất phục trước họng súng.
Thế giới bên ngoài chỉ biết nói miệng chứ không có hành động nào thiết thực. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ lên tiếng kêu gọi al-Assad nên chùn tay, chứ chẳng có hành động thực tiễn nào/ vì trong số 15 hội viên, vẫn còn có Ấn Độ, Trung cộng, Nga Sô, Nam Phi và Ba Tây là những nước, nếu không phải là đồng minh thì cũng là một thứ bè bạn buôn bán với Syria. Cần nói thêm là ngay trong nhiệm kỳ trước, Việt Nam cũng là một trong 10 hội viên không thường trực của Hội đồng.
Nhưng, tương tự như những nhà độc tài phản động khác, chế độ al-Assad vẫn chưa nhận ra được là trong thời buổi này, và kể từ xưa đến nay, súng đạn không thể nào địch nổi với lòng người. Một lúc nào đó, quân đội Syria sẽ thấy rằng những người tay không tấc sắt đang đứng trước họ chính là người thân, là vợ con, là họ hàng hay bạn bè mình. Lúc đó, dù có ý chí mạnh mẽ đến mấy, hay khát máu đến đâu chăng nữa, họ cũng phải chùn tay và quay ngược súng. Tấm gương Nicholae Ceausescu của Lỗ Mã Ni bị xử tử nhanh chóng sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Anwar Sadat, người hùng xứ Ai Cập, tưởng mình bất tử nhưng cũng chỉ cần một tay súng có mang đạn thật trong hàng nghìn người đi diễn hành ở thủ đô Ai Cập Cairo vào tháng Mười năm 1981 là đủ chết.
Bashar al-Assad chắc cũng biết thế!
Nhưng có nhà độc tài nào tự dưng từ chức đâu?
Có chế độ sắt máu nào tự dưng giải thể đâu?
Một số phận không mấy gì là đẹp đang chờ đón y.
Các chế độ độc tài, bán đứng nhân dân và tổ quốc thì trước sau gì cũng sẽ cáo chung.
Không phải bây giờ có điện thư, có các trang mạng điện tử thì điều đó mới xảy ra, mà bởi vì lòng người trước sau gì cũng có lúc không sợ chết, sẽ thấy rằng thà chết vinh còn hơn là sống nhục!

Hồng Giang

No comments:

Post a Comment