GADDAFI TUYÊN BỐ SẼ CHIẾN ĐẤU ĐẾN CÙNG
Kháng chiến quân Libya hiện đã kiểm soát gần như toàn bộ thủ đô Tripoli, nhưng vẫn chưa tìm ra được nhà độc tài Muamar Gaddafi. Trong một lời tuyên bố trên đài phát thanh, ông Gaddafi cho biết đã tạm rút lui ra ngoài để tiếp tục chiến đấu cho đến cùng. Phe kháng chiến hiện treo giải thưởng 2 triệu Mỹ kim cho việc bắt giữ hay hạ sát nhà độc tài này. Dân chúng Libya đã ồ ạt xuống đường ăn mừng chiến thắng. Nhưng tại nhiều nơi ở Tripoli, quân đội trung thành với Gaddafi vẫn còn chiến đấu, và tình hình chưa thể ổn định được. Trong khi đó, Hội đồng Quốc gia Lâm thời Libya đã đến Tripoli để điều hành đất nước. Các đại diện của Hội đồng cũng đang nhóm họp với các nhân viên ngoại giao Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và khối Ả Rập ở Qatar để bàn về hướng đi sắp tới trong thời hậu Gaddafi.
NHẬT PHẢN ĐỐI TRUNG CỘNG XÂM PHẠM LÃNH HẢI
Chính phủ Nhật hôm qua đã chính thức phản đối Trung Cộng sau khi hai tàu tuần Bắc Kinh xâm nhập vào lãnh hải môt quần đảo do Nhật kiểm soát tại biển Đông. Quần đảo này, Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, vẫn bị tranh chấp từ nhiều năm qua giữa Nhật, Trung Quốc và Đài Loan. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật đã triệu Đại sứ Trung Cộng đến trụ sở bộ ngoại giao để nhận công hàm phản đối. Cần nhắc lại là vào tháng Chín năm ngoái, Bắc Kinh đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao cao cấp sau khi Nhật bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển của quần đảo Senkaku. Nhưng cuối cùng, để hạ giảm căng thẳng, Nhật đã trả tự do cho toàn bộ thủy thủ Trung Quốc.LÃNH TỤ BẮC HÀN HỘI ĐÀM VỚI TỔNG THỐNG NGA
Lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Chung Nhất, trong chuyến viếng thăm nước Nga lần đầu tiên kể từ năm 2002 , đã hội đàm với tổng thống Nga Dmitri Medvedev vào hôm qua tại Tây Bá Lợi Á, cách Mạc Tư Khoa trên 5 ngàn cây số. Không có nhiều chi tiết được loan báo sau cuộc hội đàm này, nhưng họ Kim nói rằng Bắc Hàn sẵn sàng quay lại hội nghị giải giới nguyên tử gồm sáu phe, và muốn thảo luận thêm về đường ống dẫn hơi đốt từ Nga ngang qua Bắc Hàn xuống Nam Hàn. Nếu được hoàn thành, mỗi năm Bắc Hàn có thể thu lệ phí vào khoảng 100 triệu Mỹ kim. Một phát ngôn nhân Nga nói rằng cuộc hội đàm đã diễn ra một cách “thành thật và thẳng thắn”, và Bắc Hàn sẵn sàng ngưng thử nghiệm hỏa tiễn và bom nguyên tử.MIẾN ĐIỆN MUỐN CÓ THAY ĐỔI THẬT SỰ
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ phong trào đòi hỏi dân chủ ở Miến Điện, vào hôm qua cho biết chính phủ Miến muốn có “thay đổi thật sự” trong nước. Lời tuyên bố của người từng được trao giải Nobel Hòa Bình được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa bà và đại sứ Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Bà nói thêm là cả hai người đã bàn thảo về nhiều vấn đề, kể cả việc tranh đấu cho hơn hai ngàn tù nhân chính trị đang bị chính quyền giam giữ. Bà Suu Kyi đã gặp gỡ lần đầu tiên với Tổng thống Miến Điện vào tuần trước và theo bà, thì chính phủ Miến có thiện chí muốn cải tổ chính trị. Vào tháng Sáu, một chính phủ dân sự được thành lập nhưng vẫn gồm nhiều cựu tướng lãnh, kể cả ông Thein Sein. Họ cũng cảnh cáo bà Aung San Suu Kyi là không nên dính líu vào chính trị.NHẬT CŨNG BỊ GIÁNG BẬC VỀ VỊ THẾ CON NỢ
Công ty xét định tư thế con nợ Moody đã giáng vị thế của Nhật từ AA3 xuống AA2, vì các quan ngại về mức giới hạn nợ nần và thâm thủng trong ngân sách của Nhật. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm ngoái cùng thiên tai động đất và sóng thần năm nay đã gia tăng áp lực trên nền kinh tế Nhật. Tuy nhiên, theo công ty Moody, nền kinh tế Nhật vẫn tỏ ra ổn định. Nhật hiện là cường quốc kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, và có mức công trái cao nhất trong số các nước mở mang.
No comments:
Post a Comment