HS: Làn sóng công nhân Trung Quốc kéo sang VN làm việc đang gây những thảm cảnh đau lòng trong xã hội VN. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây, nói về một trường hợp đau lòng ở Cà Mau, qua sự trình bày của Như Giang
Cứ mỗi chiều chạng vạng thì chợ Cái Tàu ở ấp 4, xã Khánh An huyện U Minh, tỉnh Cà Mau lại bắt đầu nhộn nhịp bóng dáng công nhân Tàu từ công trường xây dựng nhà máy khí- điện- đạm Cà Mau bên kia sông đi đò sang. Đằng sau sự nhộn nhịp đến khuya của khu chợ sông nước ấy là một góc tối đến xót xa...
Anh lái đò vừa chở công nhân Trung Quốc từ bến cảng nhà máy cập bờ chợ Cái Tàu, rỉ tai tôi: “Đây là công nhân lao động, tiền lương ít nên qua chợ Cái Tàu nhậu nhẹt và tìm gái quê rẻ tiền”. Khi công nhân Tàu đã lên hết trên bờ, vui chuyện anh kể tiếp: “Những người có lương cao, họ đi ra thành phố Cà Mau, xa thêm khoảng 14 cây số. Đêm qua, thằng em tôi làm công nhân trong đó, được chúng thuê xe máy đưa họ ra thành phố Cà Mau nhậu nhẹt, và đưa gái vô khách sạn cho tới 4 giờ sáng. Nó được trả công 500 ngàn đồng”.
Chợ Cái Tàu nằm ở ngã ba sông, từ xưa là nơi giao thương của người dân vùng U Minh và Thới Bình, nên nhộn nhịp và đậm nét thơ mộng văn hóa sông nước. Khi có công trình xây dựng nhà máy khí- điện- đạm Cà Mau, chợ Cái Tàu thay đổi rất nhiều để phục vụ lượng công nhân đổ về đông đúc.
Từ tháng 7 năm 2008, Công ty Ngũ Hoàn của Trung Quốc trúng thầu xây dựng nhà máy này. Ban quản lý dự án cho biết, hiện công trường đang có 3780 người làm việc, trong đó số công nhân Trung Quốc lên đến 1733 người, nhưng hơn 1000 người có giấy phép.
Công nhân Tàu ăn nghỉ tại lán trại trong công trường. Đồn phó đồn công an nhà máy Cà Mau cho biết: “Công nhân Trung Quốc phần đông là lao động phổ thông. Khi ra vào cổng, họ xuất trình thẻ và ít đi xa, chủ yếu dùng đò sang chợ Cái Tàu để mua sắm, nhậu nhẹt, chơi bời”.
Chợ Cái Tàu kể từ đó có thêm nhiều nhà trọ, quán nhậu với nhiều nữ tiếp viên và thức khuya hơn trước. Một công an ở ấp 4 xã Khánh An cho biết: “Bà con ở chợ làm ăn có khá hơn đôi chút nhưng tệ nạn mại dâm lại phức tạp, nhất là nữ tiếp viên ào ạt kéo về đây, son phấn nhộn nhịp từ chiều tối đến đêm khuya”.
Trên một đoạn đường ngắn khoảng 1 cây số từ chợ Cái Tàu về hướng Biện Nhị, trung tâm huyện U Minh, mọc lên nhiều quán nhậu, lấp ló sau vạt rừng tràm ven sông. Các công nhân Tàu và những cô gái son phấn đang ngồi ăn nhậu rất nhiệt tình, dù là bất đồng ngôn ngữ. Những quán này dù không treo bảng hiệu, nằm xa chợ nhưng vẫn đông khách Tàu tìm đến. Chủ quán vừa bán rượu, vừa có phòng kín đáo để khách vui chơi.
Anh lái đò dẫn tôi đến căn phòng trọ, thì thầm kể: “Căn phòng này của cô D thuê ở để bán nước đóng chai cho công nhân trên công trường. Ban đêm, cô ấy thường rủ công nhân Trung Quốc về nhà. Cô mới bỏ chồng, để lại ba đứa con nhỏ cho mẹ chồng nuôi”.
Tôi tìm đến căn nhà của ba cháu nhỏ bị mẹ bỏ rơi ở khu tái định cư Khánh An ở ấp An Phú. Ba cháu nhỏ đang sống với bà nội. Một đứa lên bảy, một đứa chưa dứt sữa. Bà nội chúng buồn bã cho biết là bà góa bụa từ hồi còn trẻ, phải nuôi hai con trai khôn lớn. Một cậu có vợ dọn ra riêng ở xa. Cậu còn lại vừa bị vợ bỏ. Bà vừa với tay đưa võng ru đứa cháu nội vừa ngậm ngùi nói: “Mẹ nó bỏ đi khi thằng này vừa hơn thôi nôi”.
Anh T 29 tuổi, làm công nhân trên công trường nhà máy đạm, với lương tháng khoảng 3 triệu đồng, vừa nuôi mẹ, nuôi con vừa phải trả nợ vụ bể hụi do người vợ để lại. Anh cho biết, khi có công trình xây dựng nhà máy, vợ anh xin vào nấu ăn cho công nhân Trung Quốc. Chỉ hơn một tháng thì về nhà đưa đơn ly dị, rồi dọn đồ ra thuê nhà trọ ở chợ Cái Tàu, ban ngày bán nước lọc và ban đêm thì “hoạt động bí mật”.
Anh T cho biết cả hai lấy nhau gần một chục năm nhưng bây giờ gặp nhau ngoài công trường thì cô vợ cũng ngoảnh mặt làm lơ, không một lời hỏi han về con cái.
Mẹ của anh T buồn bã nói: “Bên gia đình sui gia tôi cũng buồn. Nghe người quen nói con dâu tôi bỏ chồng con vì quen biết với công nhân Trung Quốc mà thấy nhục nhã, xấu hổ lắm, không còn dám nhìn mặt ai”.
No comments:
Post a Comment