CƠ SỞ VĂN HÓA ANH Ở A PHÚ HÃN BỊ KHỦNG BỐ TẤN CÔNG
Ít nhất là mười cảnh sát A Phú Hãn và một nhân viên an ninh ngoại quốc bị tử thương khi quân khủng bố tấn công và tạm thời chiếm đóng trụ sở Hội đồng Văn hóa Anh ở thủ đô Kabul vào ngày hôm qua.
Trong một cuộc tấn công có tính toán trước, một tên khủng bố đã đánh bom cảm tử trước khi các tay súng kia lao vào bên trong để giao chiến với các nhân viên an ninh. Chính phủ Anh lên án vụ tấn công này và cho biết toàn thể các nhân viên người Anh của Hội đồng này đều thoát nạn.
Nhóm khủng bố al Qaeda lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công này và nói rằng hành động này nhằm kỷ niệm ngày A Phú Hãn giành độc lập từ tay người Anh vào năm 1919.
KHÁNG CHIẾN QUÂN LIBYA TẤN CHIẾM CỨ ĐIỂM CUỐI CÙNG
Kháng chiến quân Libya cho biết là họ đã kiểm soát được thị trấn cuối cùng, cách Thủ đô Tripoli 50 cây số. Đây cũng là thị trấn có nhà máy lọc dầu tiếp tế cho thủ đô. Giới phóng viên báo chí ngoại quốc được đưa đến thị trấn này và đã tận mắt nhìn thấy lực lượng kháng chiến đang phòng thủ nhà máy lọc dầu, trái ngược với tin của chính phủ Libya nói rằng thị trấn này vẫn nằm trong sự kiểm soát của họ.
Quân đội trung thành với nhà độc tài Muamar Gaddafi đã liên tục thất trận trong mấy ngày qua, và đang có dấu hiệu tan rã. Kháng chiến quân tuyên bố rằng họ sẽ vào thủ đô Tripoli trước cuối tháng này.
THỦ LÃNH DÂN CHỦ MIẾN ĐIỆN CHÍNH THỨC NHÓM HỌP VỚI CHÍNH PHỦ
Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh tụ tranh đấu cho nền dân chủ ở Miến Điện, đã nhận lời mời của chính phủ để đến thủ đô hội họp. Mục đích của chuyến đi này của bà Aung San Suu Kyi là để tham dự một diễn đàn kinh tế, nhưng không ai biết bà sẽ làm gì ở đấy. Giới quan sát viên tình hình Miến Điện cho rằng đây là một dấu hiệu hòa hoãn nữa/ từ chính phủ dân sự đầu tiên của nước này, kể từ khi được quân đội đưa lên vào năm ngoái.
Chính phủ này đã ngưng việc chỉ trích giới báo chí ngoại quốc, và kêu gọi thương thuyết với các nhóm phiến quân sắc tộc. Đây cũng là một dịp để nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện gặp gỡ quốc trưởng Thein Sein, và nếu tiến trình thương thuyết tiếp tục, đây là sự chấp nhận rất tế nhị của bà Aung San Suu Kyi với những người đã từng bỏ tù bà suốt hai mươi năm qua.
QUÂN ĐỘI SYRIA TIẾP TỤC ĐÀN ÁP DÂN LÀNH
Một ngày sau khi tổng thống Syria Bashar al-Assad trấn an thế giới là ông ta đã ra lệnh ngưng đàn áp dân chúng, quân đội trung thành với ông đã nổ súng bắn chết ít nhất là 20 người biểu tình, phần lớn là ở miền nam xứ này. Trong khi đó khối Âu châu chuẩn bị phong tỏa nguồn dầu hỏa của Syria, đặc biệt là những bến cảng ở Địa Trung Hải để gia tăng áp lực với chế độ al-Assad.
Nguồn tin ngoại giao cho biết là nước Nga vẫn chống đối viêc ép buộc al-Assad phải ra đi. Chính phủ Nga nói rằng cần phải cho ông ta thêm thời gian để cải tổ dân chủ. Nga và Trung Quốc cũng chống đối quyết liệt những biện pháp trừng phạt chế độ al-Assad, bất chấp giới điều tra Liên Hiệp Quốc báo cáo là những hành động đàn áp thường dân “là đã phạm tội ác đối với nhân loại”.
TRUNG CỘNG THẤT BẠI TRONG VỤ PHÓNG VỆ TINH
Nhà cầm quyền Trung Cộng đã thất bại trong việc phóng một vệ tinh lên quỹ đạo sau khi chiếc hỏa tiễn gặp trục trặc.
Vệ tinh này được phóng lên bằng một hỏa tiễn Trường Chinh từ trung tâm Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc vào sáng ngày 18/8. Tuy nhiên chiếc hỏa tiễn đã gặp trục trặc nên bay chệch phương hướng. Đây là lần thứ nhì Trung Cộng thất bại trong việc phóng vệ tinh.
Trong một diễn biến khác thì một vệ tinh của Nga cũng bị mất tích sau khi được phóng lên bằng hỏa tiễn vào hôm thứ Tư.
No comments:
Post a Comment