Wednesday, November 7, 2018

Tin tức ngày thứ Tư, 07/11/2018

Tin Tức

PHÁI ĐOÀN NGOẠI GIAO MỸ GẶP GỠ HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VIỆT NAM.
Vào chiều thứ Hai ngày 5/11 vừa qua, một cuộc tiếp xúc giữa phái đoàn Ngoại giao Mỹ và Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã diễn ra tại chùa Giác Hoa – Sài Gòn để thảo luận về tình hình tôn giáo tại Việt Nam.

Các đại diện Hoa Kỳ gồm một số thành viên đặc trách tôn giáo thuộc Bộ Ngoại Giao và đại diện Tòa Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn. Hòa thượng Thích Không Tánh đồng chủ tịch Hội đồng Liên tôn cho biết mục đích cuộc gặp gỡ của phái đoàn Mỹ là nhằm tìm hiểu về thực trạng sinh hoạt tôn giáo và tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Trong phần trình bày, các chức sắc tôn giáo thuộc Hội đồng Liên tôn cũng bày tỏ lòng tri ân đối với chính phủ Hoa Kỳ về việc thu nhận một số nhà đấu tranh Việt Nam sang Mỹ tỵ nạn. Tuy nhiên họ cho biết thêm là nhà cầm quyền Hà Nội phóng thích một số tù nhân lương tâm này thì lại bắt bớ và bỏ tù thêm một số người khác.
Cần nói thêm, Hội đồng Liên tôn Việt Nam là một tổ chức liên kết các tôn giáo để đấu tranh cho quyền tự do tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam.

THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC GẶP CHỦ TỊCH TRUNG CỘNG.

Theo tin trong nước đưa ngày 5/11, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, nhân chuyến tham dự Hội chợ Nhập cảng quốc tế Trung Quốc lần đầu tiên tại Thượng Hải hôm 4/11 đã khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định và bền vững với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Ông Phúc còn đề nghị duy trì các hợp tác quan trọng giữa hai Đảng của hai nước như: mở cửa, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc, có chính sách và biện pháp để giảm lượng nhập siêu quá lớn hiện nay của Việt Nam, hướng tới thương mại song phương, tăng trưởng ổn định và khuyến khích sự đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.
NĂM TRĂM CÔNG AN BẢO VỆ PHIÊN XỬ ÔNG TƯỚNG ĐỠ ĐẦU CHO ĐƯỜNG DÂY ĐÁNH BẠC.
Hơn 500 công an chìm nổi sẽ được điều động đến canh gác phiên tòa xét xử Trung tướng Phan Văn Vĩnh, người đang bị khép tội nhận hối lộ và bảo kê cho một đường dây cờ bạc xuyên quốc gia.
Theo tiết lộ của sở công an tỉnh Phú Thọ, phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 12/11 tới đây. Phú Thọ cũng là quê quán của ông Vĩnh, Tổng Cục trưởng Cảnh sát về hưu vào năm 2017. Theo nguồn tin của luật sư biện hộ thì ông Vĩnh sẽ ra hầu tòa vào hôm ấy mặc dù đang bị bệnh nặng.
Ngoài ông Vĩnh, sẽ có thêm Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa cũngsẽ ra trước vành móng ngựa cùng với một số thành viên trong đường dây đánh bạc trên mạng, có tổng giao dịch lên đến vài trăm triệu Mỹ kim.
THÁI LAN SẼ TUYỂN DỤNG CÔNG NHÂN VIỆT NAM HÀNH NGHỀ ĐÁNH CÁ VÀ XÂY DỰNG.
Giới hữu trách hai nước Thái Lan và Việt Nam sẽ mở cuộc thí nghiệm đưa công nhân Việt Nam sang làm việc trong hai ngành đánh cá và xây dựng của Thái.
Theo loan báo của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Việt Nam thì các công ty xuất cảng lao động Việt Nam đều có thể ký hợp đồng trực tiếp với giới chủ nhân Thái Lan hoặc dàn xếp với các công ty môi giới của Thái Lan. Tuy nhiên bộ này không cho biết là số lượng công nhân trong giai đoạn thí nghiệm là bao nhiêu người.
Cần nói thêm là mặc dù không có con số thống kê chính xác nhưng tại Thái Lan hiện có hàng chục ngàn người Việt đang mưu sinh trong đủ mọi ngành nghề nhưng có rất nhiều người không có giấy tờ hợp pháp.

TRUNG CỘNG BỊ CHẤT VẤN VỀ CÁC TRẠI TÙ TẬP TRUNG SẮC DÂN HỒI HỘT.

Trong phiên họp vào hôm qua ở Geneva, một số thành viên LHQ đã lên tiếng chất vấn đại sứ Trung Cộng về các trại tập trung khổng lồ đang giam nhốt gần 1 triệu người Hồi Hột ở Tân Cương.
Phiên họp nói trên là cuộc kiểm tra định kỳ về nhân quyền tại các nước thành viên của LHQ. Đại sứ Trung Cộng đã bị các nước chất vấn sau khi đọc xong bản báo cáo về nhân quyền ở Hoa Lục. Trong câu hỏi của mình, đại sứ Hoa Kỳ yêu cầu phía Trung Cộng phải giải thích lý do tại sao sắc dân Hồi Hột phải bị cưỡng bức đi “cải tạo”. Đại sứ Mỹ cũng yêu cầu bạo quyền Trung Cộng phải công bố chính xác con số tù nhân đang bị giam giữ trong các trại tập trung khổng lồ ở Tân Cương.
Cùng với Hoa Kỳ, Úc và Đức yêu cầu LHQ phải cử phái đoàn điều tra đến các trại nói trên. Riêng đại sứ Anh thì muốn Trung Cộng phải cho biết là khi nào sẽ thực hiện khuyến cáo của LHQ là “chấm dứt việc giam giữ người dân mà không thông qua xét xử”.
THÁI LAN KHÔNG CHO PHÉP QUỐC TẾ ĐẾN QUAN SÁT CUỘC TUYỂN CỬ.
Ngoại trưởng Thái Lan vào hôm qua tuyên bố là Thái Lan không cần các quan sát viên quốc tế đến giám sát cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, bất chấp các bằng chứng cho thấy là tập đoàn quân phiệt Thái Lan đang hạn chế các vận động tranh cử của phe đối lập.
Giải thích lý do không cần sự hiện diện của quan sát viên quốc tế, Ngoại trưởng Don Pramudwinai nói rằng các cuộc tuyển cử trước đây của Thái Lan đều diễn ra thuận lợi và tốt đẹp vì thế nếu có mặt các quan sát viên quốc tế thì có nghĩa là “có vấn đề”.
Cần biết là sau khi làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Yingluck Shinawatra vào tháng 5/2014, tập đoàn quân phiệt Thái Lan đã sửa đổi hiến pháp và nhiều lần hứa hẹn sẽ tổ chức tuyển cử để trao trả lại quyền hành cho dân chúng. Theo hứa hẹn mới nhất thì cuộc tuyển cử quốc hội sẽ diễn ra vào năm tới nhưng lại không công bố ngày tháng đích xác.
DU KHÁCH TRUNG CỘNG TRÀN VÀO HỒNG KÔNG QUA CÁC DỊCH VỤ BẤT HỢP PHÁP.
Giới chức trách Hồng Kông đang mở cuộc điều tra về làn sóng du khách Hoa Lục đang tràn vào Hồng Kông bằng các con đường phi pháp.
Phát biểu vào hôm qua, bà Trịnh Nhược Hoa, Quyền Tổng đốc Hồng Kông, cho biết bà đã nhận được các báo cáo mật của cảnh sát về làn sóng nhập lậu nói trên và hứa hẹn là sẽ thảo luận với giới chức Hoa Lục về chuyện này.
Được biết là cáo giác nói trên đến từ Ủy ban Du lịch Hồng Kông, theo đó thì một số công ty du lịch đang đưa du khách Hoa Lục vào Hồng Kông mà không có giấy phép. Làn sóng này càng lúc gia tăng sau khi Trung Cộng khánh thành cây cầu xuyên biển dài nhất thế giới, nối liền thành phố Chu Hải, Hồng Kông và Ma Cau, với hơn 100 ngàn người đã kéo đến Hồng Kông bằng cây cầu này trong vòng 1 tháng qua.

No comments:

Post a Comment