Thursday, November 1, 2018

Tin tức ngày thứ Năm, 01 tháng 11 năm 2018

Tin Tức

THÊM 30 NGƯỜI DÂN BÌNH THUẬN BỊ BỎ TÙ VÌ BIỂU TÌNH CHỐNG LUẬT ĐẶC KHU
Toà án tỉnh Bình Thuận vào hôm qua đã xử phạt tù 30 người dân đã xuống đường phản đối dự luật đặc khu với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng và đốt phá tài sản nhà nước”.

Theo cáo trạng của nhà cầm quyền CS Việt Nam, 30 người này đã có hành vi bạo loạn trước trụ sở tỉnh Bình Thuận nên bị kết án từ 2 đến 3 năm rưỡi tù giam. Nếu tính tổng cộng, chỉ riêng ở Bình Thuận, đã có hơn 50 người dân bị kết án tù vì tham gia vào cuộc tổng biểu tình chống dự luật đặc khu vào hai ngày 10 và 11/6 vừa qua.
Cần nhắc lại là cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Bình Thuận trong hai ngày đó đã biến thành bạo động sau khi nhà cầm quyền và cơ quan an ninh đã điều động hằng trăm công an cơ động đến đàn áp dân biểu tình, khiến xảy ra xô xát. Trong cơn hoảng loạn, hàng loạt quan chức lớn nhỏ cùng gia đình đã tháo chạy và hàng trăm công an bị ép phải buông bỏ khiên giáp để bảo toàn tính mạng. Chính vì thế, các vụ bắt bớ và bỏ tù trong thời gian qua, là nhằm trả thù và cứu vãn mặt mũi cho lực lượng quan chức và công an.

MẬT VỤ VIỆT NAM ĐE DỌA HẠ SÁT NHỮNG NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN Ở ĐỨC

Chính phủ Đức sẽ mở cuộc điều tra về việc mật vụ Việt Nam đe dọa hạ sát một số nhà bất đồng chính kiến Việt Nam sau khi giới truyền thông Đức đồng loạt đăng tải các tin tức về những vụ này vào hôm thứ Ba 30/10.
Với các tựa đề lớn như “Mật vụ Việt Nam đang làm gì ở Berlin?”, “Giới bất đồng chính kiến Việt Nam trong tầm ngắm của chế độ”, hay “Nỗi sợ hãi mật vụ Việt Nam”, các cơ quan truyền thông lớn nhỏ của Đức cho biết là mật vụ Việt Nam đang mở chiến dịch đe dọa những người Việt đang cư ngụ tại Đức, thường xuyên viết bài chỉ trích chế độ CSViệt Nam. Một trong những người này là chủ nhân trang mạng “thời báo” (thoibao.de) và blogger Người Buôn Gió.
Tuyên bố trên báo chí, ông Christian Mihr, giám đốc điều hành tổ chức Phóng viên Không biên giới cho biết là ông không ngạc nhiên về những vụ đe dọa nói trên, nhưng vẫn cảm thấy lo lắng cho tính mạng của những người bất đồng chính kiến đang sống lưu vong ở Đức.

ĐẢNG CSVN TRƯNG RA BẰNG CHỨNG VỀ “TỘI LỖI” CỦA GIAO SƯ CHU HẢO

Trước làn sóng chống đối, Uỷ ban Kiêm tra Trung ương đảng CSViệt Nam vào hôm qua tung lên bài viết của ông Phạm Đức Tiến, vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, nội dung trình bày những chứng cớ về việc Giáo sư Chu Hảo đã có những quan điểm “đi ngược lại chủ trương và đường lối của đảng”.
Trong bài viết, ông Tiến cho biết là Giáo sư Hảo bắt đầu “tự diễn biến, suy thoái về tư tưởng” khi về hưu, không còn nắm ghế thứ trưởng khoa học công nghệ vào năm 2005 và chuyển sang làm việc tại Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Bài viết dẫn chứng là “đồng chí” Chu Hảo đã cho xuất bản 5 cuốn sách nhưng sau đó bị thu hồi.
Điển hình là cuốn “Đường về nô lệ” phê phán các sai lầm của chủ nghĩa xã hội, và đánh giá chủ nghĩa này tương tự như chủ nghĩa phát xít. Một cuốn khác có tên là “Ông Sáu Dân trong lòng dân” đã tổng hợp các bài viết của những người có quan điểm trái ngược với “chủ trương, đường lối của đảng”, yêu cầu cải tổ hiến pháp và chính trị. Ngoài ra ông Chu Hảo cũng bị vu khống là có những phát biểu sai trái trong các cuộc phỏng vấn của truyền thông quốc tế.

BẢY HỌC SINH BỊ ĐUỔI HỌC VÌ PHÊ PHÁN THẦY CÔ TRÊN FACEBOOK

Bảy học sinh lớp 10 thuộc trường trung học Nguyễn Trãi ở thành phố Thanh Hóa vào hôm thứ Ba 30/10 đã bị đuổi học một tuần với cáo buộc “bôi nhọ thanh danh thầy cô và nhà trường trên mạng facebook”.
Theo quyết định đuổi học của trường Nguyễn Trãi thì vụ bôi nhọ xuất phát từ một nữ sinh lớp 10 bị tịch thu điện thoại vì sử dụng trong giờ học buổi sáng. Đến chiều, các giáo viên phát giác trong máy có các cuộc trao đổi nói xấu giáo viên và trường học.
Ông Bùi Nguyên Tiến, Hiệu trưởng, cho biết là sau khi tuyên bố mức kỷ luật nói trên, các học sinh vẫn rất thản nhiên và không hề hối hận về hành vi của mình.

HIỆP ƯỚC CPTPP SẼ CÓ HIỆU LỰC VÀO CUỐI NĂM NAY

Hiệp ước Đối tác Toàn diện xuyên Thái bình dương, tức hiệp ước mậu dịch tự do xuyên Thái bình dương gọi tắt là CPTPP, sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay sau khi được quốc hội Úc phê chuẩn vào hôm qua.
Hiện có 6 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước CPTPP gồm: Nhật Bản, Canada, Mexico, Singapore, New Zealand và Úc. Năm quốc gia còn lại chưa phê chuẩn gồm có Việt Nam, Brunei, Chile, Malaysia và Peru.
Hiệp định CPTPP nhằm mục tiêu tạo thuận lợi trong việc mua bán, giao thương được dễ dàng và cắt giảm thuế quan giữa 11 nước thành viên tham gia ký kết, có tổng dân số khoảng nửa tỷ người và tổng sản lượng quốc gia của cả khối lên đến hơn 13 ngàn tỷ Mỹ kim. Hiệp ước sẽ có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018.
Tin từ Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ cố gắng phê chuẩn hiệp ước trong kỳ họp Quốc hội khoá́ 14, đang diễn ra tại Hà Nội.
HOA KỲ TÁI KHẲNG ĐỊNH ỦNG HỘ ĐÀI LOAN TRƯỚC SỰ ĐE DỌA CỦA TRUNG CỘNG
Đại diện Hoa Kỳ tại Đài Loan, ông Brent Christensen, đã lên tiếng tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan bất chấp sự đe dọa của Trung Cộng.
Phát biểu trong cuộc họp báo vào hôm qua, thứ Tư 31/10, ông Christensen tuyên bố : ‘những mưu toan quyết định tương lai của Đài Loan bằng “biện pháp võ lực” là mối đe dọa đến nền hòa bình trong khu vực’. Ông cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bán thêm vũ khí cho Đài Loan để đương đầu với mối đe dọa từ Trung Cộng, đồng thời khuyến khích chính phủ Đài Loan hãy tăng cường ngoại giao với cộng đồng quốc tế, bất chấp sự ngăn trở của Trung Cộng.
Các tuyên bố của ông Christensen được đưa ra chỉ một tuần sau khi Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình hô hào quân đội phải chuẩn bị cho cuộc chiến tranh ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

DÂN CHÚNG ẤN ĐỘ PHẢN ĐỐI TƯỢNG ĐÀI TỐN KÉM 500 TRIỆU MỸ KIM

Dư luận Ấn Độ đã bày tỏ sự phẫn nộ khi biết rằng tượng đài cao 182 thước, vừa được khánh thành vào hôm qua, có phí tổn xây dựng gần nửa tỷ Mỹ kim.
Tượng đài nói trên là nhằm tưởng niệm ông Vallabhai Patel, Bộ trưởng Nội Vụ đầu tiên của Ấn Độ, và là một trong những công thần của cuộc cách mạng giành độc lập từ tay thực dân Anh.
Cần biết là tượng đài được xây dựng suốt 4 năm, sử dụng 180 ngàn thước khối bê-tông và 1700 tấn đồng, tọa lạc tại tiểu bang Gujarat, quê hương của ông Patel.

No comments:

Post a Comment