Thưa quý thính giả, thành lập công đoàn độc lập và những hội
đoàn thực sự độc lập của xã hội dân sự là bước đi đầu tiên trong tiến
trình dân chủ hóa VN. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của
Ngô Ngọc Trai với tựa đề: “Việt Nam thiếu kinh nghiệm về Công đoàn độc
lập?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh
tối hôm nay.
Hôm 2/11 Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình trước Quốc hội xem
xét phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP).
Các Đại biểu sẽ nghiên cứu và dự kiến đến ngày 12/11 Quốc hội sẽ phê chuẩn thông qua Hiệp định.
Một nội dung rất đáng lưu ý theo Hiệp định này là Việt Nam sẽ có các
tổ chức công đoàn độc lập bên cạnh một tổ chức công đoàn do nhà nước nắm
giữ lâu nay là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Đây thực sự là một
thách thức mới mẻ đối với các ban ngành quản lý nhà nước hiện nay.
Để đóng góp thêm cho sự hiểu biết về hoạt động của Công đoàn độc lập,
tôi xin kể một câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa công đoàn ngành than
và chính phủ Anh được kể trong cuốn hồi ký của bà Magaret Thatcher như
sau:
Cuốn hồi ký của bà Thatcher nổi bật lên cho thấy một thời lượng lớn
các hoạt động của chính phủ là nhằm giải quyết đối phó với các yêu sách
của tổ chức công đoàn.
Điều đó cho thấy các tổ chức công đoàn từng có ảnh hưởng to lớn lên đời sống chính trị xã hội nước Anh ra sao.
Trong thời kỳ bà Thatcher làm Thủ tướng, Công đoàn ngành than đã đưa
ra một số yêu sách kinh tế và tiến hành đình công. Chính phủ của bà
Thatcher phải lên kế hoạch đối thoại giải quyết với công đoàn.
Để bảo đảm các yếu tố cho việc đàm phán, chính phủ nhận được báo cáo
là lượng than dự trữ vẫn đủ bảo đảm cho mùa đông trong một quãng thời
gian nhất định, mà theo đó người ta tính toán rằng nếu công nhân không
chịu đi làm lại thì sẽ không có lương và sẽ không trụ được lâu trong vụ
đình công.
Nhưng sau đó vụ việc bê bối thêm khi chính phủ không tính lường được
là than dự trữ vẫn còn nhiều nhưng lại không thể vận chuyển đến nơi cần
nó do công đoàn ngành than biểu tình ngồi ngăn chặn các đoàn xe chuyên
chở.
Sản lượng điện được tính là sẽ sụt giảm xuống chỉ còn 25% mức cung
bình thường, khiến cho việc cắt giảm điện xảy ra ở nhiều nơi, trong khi
Bộ trưởng tư pháp lại báo cáo rằng phần lớn các cuộc biểu tình của công
nhân đều hợp pháp.
Theo luật hình sự, một số vụ bắt giữ đã được thực hiện, nhưng Bộ
trưởng tư pháp báo cáo rằng ‘các hoạt động của những người biểu tình
khiến cảnh sát đối diện với những quyết định khó khăn và nhạy cảm’. Ý
muốn nói rằng không dễ gì để sử dụng cảnh sát trấn áp vì việc biểu tình
vẫn trong khuôn khổ pháp luật.
Không còn cách nào khác và ngay từ trước đó một số yêu sách đơn giản
đã được chính phủ chấp nhận giải quyết cho công nhân, nhưng nhiều vấn đề
khác chính phủ thấy không thể chấp nhận.
Một số giải pháp tiếp tục được đưa ra đó là chính phủ tìm cách tác
động đến một nhóm nhỏ công nhân chấp nhận đi làm lại. Nhưng những người
này lại bị những người còn lại đe dọa và tấn công nên chính phủ phải tìm
cách bảo vệ họ. Một số chương trình truyền hình được phát đi và mời một
số bà vợ công nhân lên nói chuyện về đời sống gia đình.
Cùng với đó là một số nhân nhượng tiếp theo từ phía chính phủ, cuối cùng, phía công đoàn cũng chấp nhận thỏa hiệp đi làm lại và vấn đề được giải quyết.
Cùng với đó là một số nhân nhượng tiếp theo từ phía chính phủ, cuối cùng, phía công đoàn cũng chấp nhận thỏa hiệp đi làm lại và vấn đề được giải quyết.
Câu chuyện được kể lại theo góc nhìn của bà Thủ tướng là người chịu
trách nhiệm giải quyết sự vụ nên có đôi chỗ thiên kiến đổ phần lỗi về
phía người lao động. Nhưng có thể hiểu, để đạt được đến kết quả thỏa
thuận với chính phủ, phía công đoàn cũng đã làm được rất nhiều việc tốt
cho người lao động đó là nhiều yêu sách về quyền lợi đã được đáp ứng.
Họ đã buộc chính phủ phải công khai minh bạch tất cả những chính sách
tài chính liên quan đến quyền lợi của người lao động. Buộc chính phủ
phải giải trình về các vấn đề một cách thuyết phục rõ ràng. Cùng với đó
là báo chí cũng góp phần làm rõ tất cả quan điểm của các bên, để cho
công luận thấy được sự hợp lý đúng đắn là như thế nào mà nếu bên nào quá
đáng sẽ mất đi sự ủng hộ.
Đó là một bài học đối thoại đấu tranh rất hay giúp hình dung về những
chuyện có thể xảy ra ở Việt Nam trong tương lai khi có các tổ chức công
đoàn độc lập.
Không còn cách nào khác, Chính phủ và các ban ngành hiện nay cần nâng
cao năng lực nội tại, chấp nhận những nguyên tắc chuẩn mực cao trong tổ
chức và hoạt động, để đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn mới. Điều đó
thực ra là áp lực tích cực tốt cho cả nhà nước và xã hội.
Việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên
Thái Bình Dương CPTPP là một tiến bộ rất tốt đưa đẩy hệ thống đi về
hướng tất yếu.
Vai trò của công đoàn độc lập là để bảo đảm cho lợi ích xã hội phải
được phân bổ công bằng. Người lao động là những người có hiểu biết và có
trách nhiệm với gia đình, cái mà họ cần là được chỉ ra quyền lợi đúng
đắn và hợp lý là như thế nào. Họ có chung mối quyền lợi với giới chủ và
chính phủ về sự phát triển của nền kinh tế. Họ cũng sẽ chịu tác hại nếu
sản xuất kinh tế đình trệ đi xuống.
Cho nên cái mà mọi người cần là tăng cường sự hiểu biết về vai trò sứ
mệnh của công đoàn độc lập cũng như hiểu được những nguyên lý ẩn chứa
đằng sau mỗi sự vận động xã hội.
Đời sống xã hội cần được trả lại cho nó sự phong phú đa dạng của
những mối bận tâm và cách thức chăm lo tổ chức cuộc sống, mà rốt cuộc
cuối cùng sẽ là quyền tự do lập hội./.
Ngô Ngọc Trai
No comments:
Post a Comment