Kính thưa quý thính giả, chế độ CSVN là chế độ đảng trị và phản
ảnh rõ rệt nhất qua nguyên tắc “không đảng viên thì không thể làm chủ
tịch” trong bất cứ cấu trúc nào của nhà cầm quyền. Mời quý thính giả
đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Minh Châu với tựa đề: “Không đảng viên
thì không thể làm… chủ tịch?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc
chương trình phát thanh tối nay.
Một quy định bất thành văn, để được cơ quan quản lý nhà nước cấp địa
phương, hoặc trung ương phê duyệt danh sách ban điều hành một hội đoàn
nào đó, thì người ở vai trò chủ tịch, buộc phải có tiêu chuẩn chính trị
là đảng viên cộng sản.
Ở đây, người viết muốn nói đến vụ ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp
hội Du lịch Đà Nẵng sắp bị ‘phế truất’, với lý do ông Vinh đã bỏ sinh
hoạt đảng từ năm 2014.
Tại sao ‘người đứng đầu’ phải luôn là đảng viên?
Cánh báo chí Đà Nẵng đang đồn đoán rằng hình như dự kiến một quan
chức du lịch nào đó về hưu sẽ thay ông Huỳnh Tấn Vinh làm Chủ tịch Hiệp
hội Du lịch Đà Nẵng, theo kiểu “hưu mà không hưu”. Do đó đảng mới tìm
mọi cách để ‘bưng’ ông Huỳnh Tấn Vinh xuống.
Trong một chia sẻ hôm 22-11 với nhà báo CMT, nhân chuyện nhà báo này
đưa tin ông Vinh “vừa được đề nghị ‘xóa tên đảng viên’ vì ông không thèm
sinh hoạt đảng”, ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết thêm: “Thật ra mình không
muốn mọi chuyện quá ồn ào gây khó xử cho tổ chức nên đã lặng lẽ ra khỏi
đảng từ năm 2014. Vì sao ư? Vì những điều đang diễn ra không còn phù hợp
với lý tưởng ban đầu mà mình đã tin đã theo, đã chiến đấu, bị thương
như một người lính và gia nhập đảng ở chiến trường K. từ 1980.
Làm tốt chức trách thì liên quan gì đến có hay không là đảng viên?
Ông Chu Hảo không tham gia vào đảng cộng sản, và đảng đã khai trừ ông
khỏi tổ chức. Tuy nhiên xét lại suốt thời gian ông làm giám đốc nhà
xuất bản Tri Thức, ông đã cho xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị, và
không hề vi phạm bất kỳ điều khoản nào trong hệ thống pháp luật của nhà
nước Việt Nam. Do đó, mặc dù đảng ghét ông vì không chịu nghe lời đảng,
song đảng đã không thể ‘vận dụng’ điều luật nào để chụp mũ, hình sự hóa
bỏ tù ông Chu Hảo.
Tương tự, ông Huỳnh Tấn Vinh là người đã dũng cảm trực diện đối mặt
với tất cả ban ngành của chính phủ cho tới các cấp đảng, trong chuyện
phản đối việc thương mại hóa trong đầu tư xây dựng bán đảo Sơn Trà.
Như lời ông cho biết, thì ông lặng lẽ rời khỏi tổ chức đảng cộng sản
từ năm 2014. Suốt những năm trong cương vị là người đứng đầu Hiệp hội Du
lịch Đà Nẵng, ông đã đấu tranh mạnh mẽ chống việc nhân danh phát triển
khu du lịch để phá hủy môi trường thiên nhiên của Đà Nẵng. Ông cũng góp
nhiều tiếng nói cảnh báo hiểm họa lũng đoạn kinh tế du lịch qua những
tour 0 đồng từ phía Trung Quốc.
Như vậy, dù có là đảng viên hay không, thì cả ông Chu Hảo lẫn ông
Huỳnh Tấn Vinh đều làm tốt bổn phận chức trách của mình. Ông Chu Hảo và
ông Huỳnh Tấn Vinh không hề nhân danh là một đảng viên cộng sản để thu
vén riêng tư cho cá nhân. Nói một cách khác, quyền lực đảng đã không
được cả hai ông tận dụng để ‘vinh thân phì da’.
Chính lẽ đó nên chuyện ‘khai trừ’ hay ‘xóa tên’ đảng viên ở đây với
ông Chu Hảo, ông Huỳnh Tấn Vinh cũng như nhiều người khác nữa cho thấy
sắp tới đây để thực thi CPTPP cùng các FTA thế hệ mới, cần dứt khoát
chấm dứt kiểu ‘lãnh đạo toàn diện’ như hiện nay của đảng cộng sản Việt
Nam.
Thế nhưng nếu nói theo cách của cơ quan tuyên giáo, thì với vụ việc
‘xóa tên’ đảng viên Huỳnh Tấn Vinh, cho thấy đây là mất mát lớn của
đảng.
Kết cấu quen thuộc của tuyến bài tuyên truyền đó đại thể sẽ theo
dạng: “Là đảng viên cộng sản, ai cũng vui mừng trước những thông tin
đảng phát triển được nhiều đảng viên mới ở mọi lĩnh vực, trí thức, sinh
viên, học sinh, công nhân trực tiếp sản xuất, kể cả những chủ nhà trọ…
Ngược lại, sẽ thật đau lòng khi nghe nơi nọ nơi kia đảng viên bị kỷ
luật, thậm chí bị khai trừ khỏi đảng, bị xử lý hình sự…
Điều này thường tạo ra nhiều luồng suy nghĩ. Trước hết, tổ chức đảng
và nhiều đảng viên thấy rằng đây là sự mất mát, tổn thương và qua đó có
thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về công tác cán bộ, công tác quản
lý đảng viên… Đối với quần chúng nhân dân, một số người ít nhiều cảm
thấy sụt giảm lòng tin ở đảng; nhưng số khác cũng có thể nhìn thấy quyết
tâm làm trong sạch đội ngũ, mạnh dạn xử lý và đưa ra khỏi đảng những
người thoái hóa, biến chất, không còn đủ tư cách đảng viên…”.
Song vô cùng mỉa mai ở đây là những người như giáo sư Chu Hảo, như
ông Huỳnh Tấn Vinh vì muốn trong sạch đội ngũ nên đã bị chính những
người nhân danh quyền lực đảng để triệt hạ, để bịt tiếng nói phản biện
dân chủ ngay trong nội bộ đảng cầm quyền.
Xin tạm kết câu chuyện đảng ‘lãnh đạo toàn diện’ bằng một vụ việc
nóng rực thời sự: Trong phát biểu cuối giờ chiều ngày 22-11 với cử tri
quận 2, Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND/TP.HCM chia sẻ
rằng, có người nói ông Nguyễn Thành Phong đã từng làm Bí thư quận 2 nên
khó khách quan trong việc thực hiện nhiệm vụ làm tổ trưởng giải quyết
vấn đề Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, bà Tâm khẳng định: “Ông Phong phải thực hiện theo ý chí,
quan điểm của Ban thường vụ chứ không phải thực hiện theo ý chí của cá
nhân của ông Phong”.
“Ban Thường vụ” là ai? Đứng đầu là Bí thư Nguyễn Thiện Nhân. Thứ hai
là phó bí thư thường trực Tất Thành Cang. Vị trí thứ ba là ông Nguyễn
Thành Phong. Ông Nguyễn Thiện Nhân hồi còn làm phó chủ tịch UBND/TP.HCM
dưới thời chủ tịch Lê Thanh Hải, ông đã tường tận những oan khuất của
người dân Thủ Thiêm.
Còn 2 ông Tất Thành Cang và Nguyễn Thành Phong lại là những quan chức
trực tiếp quản lý bán đảo Thủ Thiêm, và người dân quận 2 từng trực tiếp
‘đệ đơn’ cho kêu oan trong vụ bị cướp đất ở Thủ Thiêm.
Phải chăng đây chính là hệ lụy khi đảng độc quyền làm ‘lực lượng lãnh
đạo Nhà nước và xã hội’ (Điều 4.1, Hiến pháp 2013). “Không phải tất cả
đảng viên đều tham nhũng. Nhưng tất cả những kẻ tham nhũng đều là đảng
viên”. Xem ra nhận xét ấy có lý./.
Minh Châu
No comments:
Post a Comment