Lìa xa quê hương, dân Việt vẫn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh Sài
Gòn dấu yêu một thời được mệnh danh là “Sài Gòn ngà ngọc” hay “Hòn ngọc
Viễn Đông”. Hôm nay, Sài Gòn đã mất tên và bộ mặt ngà ngọc cũng đã bị
vấy bùn lem luốc bởi lũ “khỉ người” hay bọn“thú hoang”, nhưng hình ảnh
Sài Gòn năm xưa vẫn còn đậm nét trong thi ca và trong lòng mỗi người
dân Việt. Đó là hình ảnh “áo lụa hà Đông” của Nguyên Sa, “ly chanh
đường” của Nguyễn Tất Nhiên, “mini-jupe trắng nõn nà” của Luân Hoán,
“mưa rơi đêm lạnh” của Cung Trầm Tưởng.
Với Vũ Thất, hình ảnh Sài Gòn càng đậm nét, làm người ta cảm thấy như đang thật sự sống lại những ngày vàng ngọc của thời thanh xuân tại quê nhà.
Ra đi tìm tự do là một mất mát lớn, bỏ lại đàng sau tất cả để bước vào một định mệnh bấp bênh, nên Vũ Thất, cũng như mọi thuyền nhân vượt biển, đã cảm thấy đau xót tột cùng:
sóng loạn cuồng con thuyền trôi biền biệt
giăng buồm lên phương viễn xứ một ngày
Ta cũng biết còn xa vùng đất hứa
Phải đi qua địa ngục chín mươi tầng
Thách đố với phong ba, nhưng rồi tác giả cũng đã vượt thắng số mệnh, tới bến bờ tự do như là bến đợi và đất hứa:
Chuyện sinh tử dỡn chơi thêm ván cuối
cạn láng rồi thử thách với phong ba
ngôi tinh đẩu dẫn ta về bến đợi
đường biển vẽ rối tay lái thẳng lối qua.
Thế là tác giả đã tới bến đợi, bắt đầu kiếp sống lưu vong, nhìn lại quê hương mà từng ngày thổn thức, nhớ về thương về.
Truớc hết là nhớ những ngày quê hương chìm trong khói lửa trong cuộc chiến ủy nhiệm của cộng sản quốc tế do Bắc Việt thực hiện, với chủ truơng nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam:
nhìn tượng Chúa dưới tàng cây
giơ vai chĩu nặng tháng ngày chiến tranh
mùa hạ mấy bước đi quanh
cổng trường đóng những đoạn đành thế thôi
Trong khói lửa chiến tranh, vẫn chan chứa những hình ảnh thật dễ thương của những tà áo trắng thư sinh, gót nhẹ như chân chim, thơ mộng như nắng vàng thu len lén:
Thành phố ấy xôn xao tà áo trắng
nắng hanh vàng trải lụa những mùa thu
guốc chân sáo để hồn ai ngơ ngẩn
bước mênh mang nghe quẩn sợi sương mù
Bên cạnh những tá áo trắng trinh nguyên dưới sương thu, tác giả còn hình dung lại những bước quân hành của người chiến sĩ cộng hòa dãi dầu nắng mưa, cầm súng bảo vệ tự do dân chủ của miền Nam trước cuộc chiến xâm lăng từ miền Bắc:
Bọn ta ba trăm thằng tuổi trẻ
Chọn không gian tổ quốc mênh mông
Mắt sáng môi tươi như tranh vẽ
Vào lửa binh không chút nao lòng..
Sách vở giảng đường thành dĩ vãng
Những chàng trai dệt mộng muôn phương.
Xếp bút nghiên theo việc đao cung, người chiến sĩ cộng hòa đã hiên ngang bước vào cuộc thánh chiến chống ác qủy vô thần với tâm nguyện chiến thắng:
Ơi tiếng hát vinh danh đời lính chiến
Cho máu xương không uổng phí ngày mai
Có sương khói từ mắt thầm cầu nguyện
Cho lỡ làng không chĩu nặng bờ vai
Nhưng oái oăm thay, gió đã thổi ngược, cuộc chiến đã xoay chiều, chiến thắng đã trở thành chiến bại:
Tiếng thê thiết gọi địa danh quen thuộc
Thuở dọc ngang mê mải ngọn cờ bay
Cuộc thánh chiến gió muộn phiền thổi ngược
Dấu giày buồn còn vết giữa sình lầy
Thế rồi bao chiến sĩ đã phải buông súng, tủi hận xếp hàng vào những trại tù dị sử được mệnh danh là “trại cải tạo” nhằm hủy diệt tinh hoa miền Nam. Mãn hạn tù, trở về từ cõi chết, người tù chính trị đã cảm thấy xa lạ, bơ vơ lạc loài giữa một xã hội đã đổi thay trở mặt:
Người trở về từ cuộc chiến lãng quên
Đôi mắt đục nhìn mỏi mòn kiếp khác
Dắt dìu nhau khập khiễng chuyến xe đời
Người thua trận phần thịt xương bỏ lại
Trên ruộng đồng sầu quê mẹ rã rời
Tất cả đã đổi thay, chỉ còn lạnh nhạt dửng dưng! Người tù trở về cảm thấy lạc loài như thể bước vào một thế giới xa lạ, một cơn mê:
Đỏ bầm mặt nhựt cơn mê
lạnh tanh khuôn mặt người về dửng dưng
vào ra lối rẽ ngập ngừng
mấy năm sao lạ, nỗi mừng chợt xa
Nhất là người tù sống sót trở về còn phải đối diện với cảnh sống mới, với ánh đèn đỏ bầm, với nhánh cây cuồng điên, với nắng thiêu mộng cũ, nhất là vời những cặp mắt cú vọ xoi mói, những nụ cười đen chọc ghẹo thách thức:
từ rừng máu giọt gót xiêu
thảm thương phố cũ nắng thiêu mộng người
đỏ bầm ánh điện đường soi
cây nhân sinh chợt nẩy chồi cuồng điên
nhìn soi mói nụ cười đen
mắt hằn dấu đóng chao nghiêng một ngày.
Đối diện với những cái nhìn cú vọ và những nụ cười đen của bọn ác thú đã đành, người tù trở về còn phải kéo lê những ngày còn lại giữa một xã hội rữa nát, không chút tình người. Nếu Trần Mạnh Hảo đã thương cảm cho một xã hội rữa nát đến nỗi hoa cũng phải xấu hổ thay người:
Cây thẹn thùng nép cỏ,
Lá nhắm hờ mắt gió trêu ngươi
Thì Vũ Thất cũng cảm thấy tủi thẹn cho một xã hội hóa đá, mất tính người và tình người:
hè phố rác lạc loài hoa dại
nở buồn tênh phiến gạch ngậm ngùi
cỏ đớn hèn hạt sầu kết trái
ươm bao năm dầu dãi nụ cười
Điểm đáng nói là tuy tủi hận trước hiện thực đất nước tang thương dưới gót giày ác thú và xã hội rữa nát mất hết tình người, Vũ Thất đã không tuyệt vọng. Anh đã vịn thơ chỗi dậy với niềm tin trong sáng, rằng sẽ có một ngày quê hương phục sinh, với những nụ cười tươi nở trên môi, với trăm bó đuốc thắp sáng trong hồn. Đó là ngày mặt trời mọc từ phương Đông, xua tan bóng tối oan khiên của loài qủy đỏ:
Còn ngôn ngữ của Việt Nam đổ vỡ
Dù rã rời nhưng vẫn thắm nụ cười
Ta nghe rực trong hồn trăm bó đuốc
Mặt trời lên xua tăm tối cho đời..”
Thế là nghiệm đúng lời tiên tri của Nguyễn Chí Thiện: “ Máu ươm hoa hoa máu chan hoà, hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đoá..” Ngày đau khổ nở thành hoa chính là ngày hội lớn của trăm con quy tụ về bọc mẹ ngàn thương..
NQS, MN va HS xin hẹn quí thinh giả trong TCYN lần tới.
Ngô Quốc Sĩ
No comments:
Post a Comment