Sunday, November 18, 2018

Việt Nam Tuần Qua

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quý thính giả, sau đây phóng viên Hoàng Ân và Trường An sẽ điểm lại những sự kiện nỗi bật tại Việt Nam trong tuần qua.

Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh
Trước hết HA xin kính chào quý thính giả của đài và xin chào anh TA.
Trường An: TA xin chào quý thính giả và chị HA
Hoàng Ân: Theo như tôi được biết là bạo quyền Đà Nẵng lại tiếp tục cưỡng chế đất đai của người dân ở giáo xứ cồn dầu. Anh có thể nói rõ hơn về việc nầy?

Trường An: Đúng như chị vừa nói, vào sáng hôm thứ Năm 15/11 vừa qua, hàng trăm công an và dân phòng Đà Nẵng đã tiến hành cưỡng chiếm đất đai của 7 gia đình trong số 100 gia đình còn bám trụ ở giáo xứ Cồn Dầu, thuộc huyện Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Có ít nhất 10 người đã bị còng tay dẫn đi trong vụ tấn chiếm đất đai này.
Cuộc cưỡng chiếm diễn ra sau nhiều năm dằn co giữ đất của 400 gia đình thuộc giáo xứ Cồn Dầu, một số người đã bị bắt, bị đánh chết, hay phải chạy trốn qua Thái Lan để lánh nạn. Theo kế hoạch thì khu đất rộng mấy trăm mẫu của giáo xứ Cồn Dầu sẽ được Đà Nẵng giao cho một công ty tư nhân xây dựng “khu đô thị sinh thái”. Tuy nhiên vì giá cả bồi thường không thoả đáng, nên hàng trăm 100 gia đình vẫn kiên quyết bám trụ, không chấp nhận di dời đến khu tái định cư mới.
Một cư dân cho biết là hơn 500 dân quân, công an và an ninh đã được huy động để kéo đến trục xuất các gia đình ra khỏi khu đất nói trên. Hàng chục xe cứu thương, xe phá sóng, xe cứu hỏa và xe ủi đất cũng rầm rộ kéo đến để thi hành việc cưỡng chế.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác, ngày 15/11 tại tỉnh Kiên Giang, nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị công an đàn áp. Anh có ghi nhận như thế nào trước sự việc trên?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Sáng ngày 15 tháng 11, tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Kiên Giang, rất nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo bị công an CS ngăn chặn không cho tiến vào ngôi đình Tổ của giáo phái này để làm lễ.
Trước con đường dẫn đến ngôi đình Tổ, công an đứng dàn thành hàng ngăn chặn không cho bất cứ ai đi qua. Rất nhiều an ninh cảnh sát mặc thường phục trà trộn trong dân, chúng áp sát những người đang dùng điện thoại quay video để cướp và xóa những hình ảnh quay về chúng. Đã có những cuộc xô xát xảy ra giữa công an và những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Kể từ tháng 4 năm 1947, sau khi CS sát hại người sáng lập ra Phật giáo Hòa Hảo là Đức Huỳnh Giáo chủ, xung đột giữa chính quyền CSVN và tín đồ giáo phái này ngày càng gia tăng. Tín hữu Phật giáo Hòa Hảo không chịu khuất phục trước cường quyền, còn CSVN thì điên cuồng đàn áp và sát hại.
Rất nhiều tín hữu của Phật giáo Hòa Hảo bị bắt và bị sát hại, điển hình là vụ anh Nguyễn Hữu Tấn bị công an CS cắt cổ chết trong tù ngày 03/05/2017.
Hoàng Ân: Liên quan đến vấn đề àn áp tôn giáo, trong tuần qua Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị Việt Nam vừa đưa ra 1 văn bản ra lệnh cho các phòng/ban trong quân đội phải tăng cường theo dõi, kiểm soát và hạn chế các hoạt động của giáo phái Pháp Luân Công tại Việt Nam. Anh có thể nói rõ hơn?
Trường An: Vâng đúng như chị vừa nói, lệnh này được Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, ký tên ban hành vào ngày 22/8 nhưng đến hôm nay mới chính thức ban hành . Theo công văn này thì trong thời gian qua, giáo phái Pháp Luân Công đang có những hoạt động chính trị mang tính đối lập, đe dọa đến nền an ninh quốc gia. Trong lời cáo buộc, Cục Tuyên huấn còn khẳng định là Pháp Luân Công đang dùng chiêu bài tín ngưỡng để lôi kéo quần chúng, đảng viên và binh sĩ dưới hình thức rèn luyện sức khỏe và củng cố tâm linh.
Chính vì thế, cục này ra lệnh cho giới chính trị viên quân đội phải thuyết phục binh sĩ và gia đình không nên gia nhập giáo phái Pháp Luân Công nói riêng, cũng như các tổ chức tôn giáo không thuộc hệ thống quốc doanh. Ngoài ra, cục tuyên huấn quân đội còn ra lệnh cho “lực lượng đặc nhiệm 47” phải phản bác nhanh chóng các thông tin trên mạng có nội dung bênh vực giáo phái Pháp Luân Công.
Cần nói thêm là mặc dù không có số liệu chính thức, nhưng thế giới tin rằng tại Việt Nam đang có hàng chục ngàn người theo Pháp Luân Công.
Hoàng Ân: Trong một hành động cho thấy thêm sự ngoan cố và khinh thường dư luận, đảng CS Việt Nam vào hôm 15/11 đưa ra thông cáo chính thức về việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo với cáo buộc “chống đối đảng và nhà nước”. Anh vui lòng nhắc lại sự việc này?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Theo thông cáo chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương CS Việt Nam, hình thức kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là khai trừ ông ra khỏi đảng. Điều buồn cười là ông Chu Hảo đã tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản từ ngày 26/10, tức 1 ngày sau khi ủy ban này lớn tiếng đề nghị kỷ luật ông với cáo buộc “tự chuyển biến về tư tưởng và đạo đức” vào ngày 25/10. Tuy nhiên trong thông cáo mới nhất, ngoài việc lặp lại những điều mà họ cho là vi phạm của ông Hảo, thì nay có thêm phần kết luận là Giáo sư Chu Hảo đã thật sự chuyển sang “chống đối đảng cộng sản”.
Dư luận tin rằng, quyết định chính thức khai trừ một đảng viên trí thức như ông Chu Hảo của đảng CS Việt Nam, sẽ khiến cho làn sóng bỏ đảng của giới trí thức tại Việt Nam càng lúc càng gia tăng vì đã nhận ra đảng CS Việt Nam thật sự trở thành một lực cản cho sự phát triển của xã hội và đất nước Việt Nam.
Hoàng Ân: Trước sự việc này, giới học giả quốc tế đã có phản ứng như thế nào?
Trường An: Theo tôi được biết, đã có gần 100 học giả của 10 quốc gia lên tiếng chỉ trích đảng CS Việt Nam về quyết định kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, một nhà trí thức nổi tiếng tại Việt Nam.
Trong lá thư công bố vào hôm qua, các học giả, thuộc các đại học danh giá trên thế giới, đã lên tiếng ủng hộ quan điểm và lập trường của Giáo sư Chu Hảo khi cho ấn hành các cuốn sách của nhà xuất bản Tri Thức mà ông Hảo làm giám đốc. Trong thư, các học giả này bác bỏ cáo buộc của đảng CS Việt Nam là những tác phẩm này đã đe dọa đến sự phát triển ổn định và hòa bình của Việt Nam.
Trước đó vào ngày 25/10, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng CS Việt Nam, đã ra quyết định kỷ luật Giáo sư Chu Hảo với cáo buộc “tự diễn biến, tự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức”. Ngay lập tức ông Hảo tuyên bố từ bỏ đảng CS Việt Nam, dẫn đến một làn sóng bỏ đảng của giới trí thức, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Mạc Văn Trang, hàng chục đảng viên khác, và mới đây là diễn viên kiêm nghệ sĩ “ưu tú” Kim Chi.
Hoàng Ân: Vâng, Hoàng Ân xin cám ơn anh Trường An và xin hẹn gặp lại vào tuần tới.

No comments:

Post a Comment