Người dân quê và những người dân thường có kiến thức
giới hạn đều bị đảng csVN bịt mắt qua mánh lới lưu manh nên
luôn ca tụng “ ơn đảng, ơn nhà nước”. Để tiếp nối chương trình hôm
nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi
bài viết:” Ơn đảng_ Ơn chính phủ” của Bùi văn Thuấn qua sự trình
bày của Khánh Ngọc.
Năm 2016 tôi có trao đổi/ tranh luận với thầy giáo cũ, đại ý: Đảng
cộng sản là một tổ chức ăn bám vào tiền thuế của dân. Tức là đảng phải
mang ơn dân chứ không phải ngược lại. Thầy giáo phản bác rằng: Đảng
không ăn bám, đảng làm kinh tế rất giỏi, rất ác liệt, rồi thầy cho rằng:
Tôi được đi học nội trú, được đảng miễn giảm học phí, chu cấp các thứ
mà tôi vô ơn… đại loại vậy.
Tết năm rồi bác gái trong nhà được nhận suất quà mấy trăm nghìn (bác là người bị tàn tật từ năm hơn 20 tuổi), khi nói chuyện bác bảo: Ơn đảng ơn nhà nước đã cho quà…Rất nhiều người ở quê, luôn tâm niệm chuyện ơn đảng. Nhiều người không hiểu tại sao tôi hay nói: Đảng chỉ là một tổ chức ăn bám, không việc gì phải ơn đảng.
Những gì tôi viết ra dưới đây không dành cho các chuyên viên, những người am hiểu quá rõ, mà dành cho những người như thầy giáo cũ, dành cho bạn bè, người thân, dành cho những người dân quê ít học, luôn tâm niệm ơn đảng ơn nhà nước trong mọi việc.
1. Đảng làm kinh tế:
Đây là một sự dối lừa, lưu manh không bút mực nào tả hết. Đầu tiên, nhà nước lấy thuế của dân làm vốn, lấy đất công làm nền tảng, lấy tài nguyên khoáng sản làm công cụ kinh doanh, tức là mọi thứ đảng “làm kinh tế” đều lấy từ dân hoặc tài sản quốc gia. Hàng loạt các ngành nghề, lĩnh vực đảng độc quyền kinh doanh như: Điện, nước, viễn thông, xăng dầu, khai thác khoáng sản… “Làm ăn” như vậy, làm kinh tế kiểu lấy tài sản quốc gia làm tài sản cho băng nhóm, lấy vốn từ thuế của dân, độc quyền đào bới tài nguyên quốc gia đem bán, ai cũng làm được. Tuy nhiên, đó không phải là làm kinh tế, mà là sự ăn cướp. Cướp vốn, cướp đất, cướp tài nguyên.
Thế nhưng, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (thực tế là doanh nghiệp của đảng) lại làm ăn thua lỗ, mất vốn. Khi đó hàng nghìn tỷ tiền thuế của dân sẽ bị phá một cách không thương tiếc, đất công (của dân) cũng mất theo các dự án kinh tế thảm họa này. Các ngành độc quyền như khai thác khoáng sản, điện, kinh doanh xăng dầu… cũng liên tục báo lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ. Đào bới tài nguyên quốc gia để bán mà cũng lỗ, đảng làm ăn giỏi quá.
Số tiền lỗ, mất vốn đó là tiền thuế của dân, tài sản bị mất như đất công, tài nguyên khoáng sản là của dân. Đảng vừa ăn không tài nguyên quốc gia, vừa phá tiền thuế của dân trong các dự án thua lỗ này. Nhưng bi kịch với dân chưa hết: Khi các doanh nghiệp của đảng lỗ, mất vốn, đảng sẽ tìm cách tái cơ cấu hay cứu các doanh nghiệp này. Cứu bằng cách nào? Bằng cách miễn thuế, bằng cách bơm thêm ngân sách (lại là thuế của dân) vào để cứu. Và điệp khúc luẩn quẩn: Lấy tiền dân để kinh doanh bị lỗ, xong lại lấy thuế của dân ra để cứu để tái cơ cấu và lại lỗ.
Vòng lặp trên cứ xoay vô hạn đến khi dân kiệt quệ vì nợ công, đến khi quốc gia xác xơ vì tài nguyên cạn kiệt và gánh nặng nợ nần. Điều này tương tự như nhà có đứa con bị nghiện: Nó bán tài sản dần để hút chích, hết tiền nó về nó đòi “tái cơ cấu” đòi cứu và bố mẹ là dân lại bơm tiền cho nó hút chích. Vòng lặp luẩn quẩn đến khi bố mẹ vay nợ chồng chất, khánh kiệt về kinh tế, tài sản trong nhà không còn gì. Đó là chưa kể, thằng con nghiện cũng giống các doanh nghiệp nhà nước, không có tiền hút chích nó đi vay. Trách nhiệm trả nợ là của bố mẹ là của dân.
2. Vấn đề “tiền thuế của dân”:
Hầu như toàn bộ dân quê tôi và phần lớn dân thường nước ta đều không thấy đảng nhà nước đến nhà thu thuế, dĩ nhiên trừ những người kinh doanh nhỏ lẻ. Người dân quê cũng không ai thấy có giấy “đòi nợ công”…. Vậy tại sao “bọn phản động” luôn cho rằng: Đảng và nhà nước đang ăn và phá tiền thuế của dân. Mỗi người dân gánh hơn 30 triệu nợ công?
Để trả lời cho những người hỏi câu đó, có những thắc mắc ở trên, xin đưa ra ví dụ để thấy rõ là: Đảng, nhà nước không cần đến nhà thu thuế, không cần viết giấy nợ rồi cho người đến nhà chúng ta “đòi nợ công”. Đảng dùng cách khác, để phần lớn dân đen không hề ý thức được mình đóng thuế phí, không biết là mình gánh và phải trả nợ công. Xin lấy 2 ví dụ đơn giản như sau, để những ai nghĩ mình “không phải đóng thuế”, không thấy ai đến nhà thu thuế được rõ quy trình bóc lột của đảng và nhà nước:
– Chị em phụ nữ đi mua bịch băng vệ sinh chẳng hạn:(1). Đầu tiên, nguyên liệu để làm ra cái băng vệ sinh phải nhập cảng, đảng nhà nước sẽ thu thuế nhập cảng (2). Chuyên chở nguyên liệu đến nhà máy sản xuất, đảng và nhà nước ăn dày công đoạn này: Xăng dầu giá cao do thuế phí là một lần ăn, khi đi trên đường phải đóng phí BOT là 2 lần ăn (3). Đến khi có sản phẩm, chuyên chở đến các đại lý, nhà phân phối một lần nữa, đảng và nhà nước ăn thuế xăng dầu, ăn BOT. (4). Đại lý, nhà phân phối hay các đại lý bán lẻ cũng phải đóng thuế cho đảng và nhà nước. Sau tất cả, miếng băng vệ sinh mà chị em phụ nữ dùng, dính dấu răng của đảng và nhà nước cắn chi chít để thu thuế. Dĩ nhiên, số thuế phí này được tính vào giá miếng băng vệ sinh, nên khi chị em mua không mấy người biết rằng: Giá bán miếng băng đó đã bao gồm nhiều loại thuế, phí phải đóng cho đảng- nhà nước. Dĩ nhiên, quy trình này chưa kể đến chuyện quan chức ăn bẩn, vòi vĩnh doanh nghiệp, người buôn bán, chưa tính đến chuyện bôi trơn khắp nơi, chưa tính đến chuyện CSGT làm luật trên đường… Mọi thứ “ăn” ở trên làm giá miêng băng vệ sinh càng đội lên thêm.
Tương tự như vậy với quần áo, với giày dép, mũ, phụ kiện, đồ trang điểm. Quần áo, sách vở, sữa, đồ ăn vặt, bánh kẹo của con trẻ cũng không thoát được. Dĩ nhiên, bao cao su, rượu bia, thuốc lá cho quý ông cũng chung số phận. Cuộn giấy vệ sinh (dân quê hay gọi là giấy chùi đít) cũng đã phải trải qua “quy trình” thuế phí như trên. Tức là chùi đít bằng giấy vệ sinh cũng là một hình thức đóng thuế cho đảng và nhà nước rồi.
– Ví dụ thứ 2: Đó là miếng thịt lợn chúng ta ăn hàng ngày. Để có miếng thịt lợn đó, người dân cũng đã phải đóng hàng loạt thứ thuế, phí cho đảng – nhà nước. Đầu tiên là thức ăn chăn nuôi (ở quê hay gọi chung là cám công nghiệp): Nguyên liệu sản xuất phải nhập cảng, có thuế nhập cảng; chuyên chở đến nhà máy, có thuế giá xăng dầu, có BOT; nhà máy sản xuất phải đóng thuế; đến khi thành cám, chuyên chở đến đại lý, nhà phân phối thì lại có thuế xăng dầu, lại có BOT chặn cướp; đại lý và nhà phân phối cũng phải đóng thuế. Giá cám chăn nuôi đến tay nông dân đã đội lên gấp đôi, thậm chí gấp rưỡi rồi. Đó là chưa kể đến việc quan chức thuế vụ, hải quan, quản lý thị trường, CSGT cấu véo, ăn thêm trong cả quá trình. Nông dân mua cám cao thì giá thịt sẽ phải tăng lên. Ngoài ra, giá điện (nhà nước độc quyền) lại cao, giá các loại thuốc thú y… cũng góp phần làm miếng thịt lợn mà chúng ta ăn tăng cao thêm nữa.
Nhiều người dân quê cho rằng: Tôi không có xe ô tô, nên tôi không phản đối BOT. Chính chúng ta, những người không có ô tô mới là người thực tế phải trả tiền cho các trạm cướp BOT. Mua một mặt hàng, tiêu thụ một sản phẩm là chúng ta đã phải trả tiền thêm cho giá hàng cao lên, do các nhà sản xuất, các doanh nghiệp vận tải phải thu thêm tiền để bù đắp cho số tiền bị BOT cướp dọc đường.
Đó là câu trả lời nôm na cho những người dân quê, những người không thấy đảng nhà nước đến nhà bắt đóng thuế. Đó cũng là câu trả lời cho những người nói: không thấy đảng – nhà nước viết giấy “đòi nợ công” đến nhà bắt đóng. Tất cả những thứ đó, được khéo léo “lồng” vào giá xăng dầu, giá quần áo, giày dép, giá mọi thứ chúng ta mua, giá sữa cho con, giá bỉm trẻ em, giá băng vệ sinh, bao cao su và giá cuộn giấy chùi đít.
Và đó là cơ sở tuyệt đối vững chắc để không ai phải mở mồm ra: Cảm ơn đảng- nhà nước. Kể các các khoản yểm trợ thiên tai, trợ giúp người nghèo, giúp đỡ người tàn tât, tài trợ học phí trẻ em vùng cao, miền núi… cũng là từ thuế của dân, chứ không phải tiền túi của đảng- nhà nước. Đảng là một thực thể và ăn bám khổng lồ nhất của thuế, phí. Cho nên, đảng không cảm ơn dân thì thôi, chứ đâu có chuyện: Người dân è lưng đóng thuế để nuôi lũ ăn hại, tàn phá; xong chúng quay lại bắt người nuôi, người cung phụng phải mang ơn, bao giờ?
Bùi Văn Thuấn.
No comments:
Post a Comment