Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang thất bại lớn tại vùng
Nam Thái Bình Dương vì bản chất thực dân và khinh thường các nước nhỏ
của họ.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Tập Cận Bình đang thất bại ở nước nào?”sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Tập Cận Bình đang thất bại ở nước nào?”sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay
Tập Cận Bình đã tung tiền ra khắp thế giới xây dựng hạ tầng cơ sở trên 112 nước, với 203 dự án xây cầu, xa lộ và đường xe lửa; dùng làm một mạng lưới thương mại và đầu tư nối liền với Trung Quốc.
Tại quốc gia nhỏ ít người biết tên Papua New Guinea ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương, năm 2016 Trung Cộng đã viện trợ $860 triệu, năm ngoái tăng lên tới $2.46 tỷ. Trong khi đó nước cấp viện lớn thứ nhì, Australia chỉ cung cấp 572 triệu đô la Úc, bằng 412 triệu Mỹ kim cho nước láng giềng này.
Nhưng sau Hội Nghị APEC họp ở Papua New Guinea (gọi tắt là PNG) vừa qua, mối bang giao giữa Trung Cộng và PNG đã xuống thấp đến nỗi Ngoại Trưởng Vương Nghị phải nói đi nói lại cải chính những tin xấu.
Tổng Thống Mỹ Donald Trump không đến dự hội nghị của khối kinh tế APEC năm nay. Cuộc họp gồm các nước ở Châu Á và Thái Bình Dương năm nay thất bại vì, lần đầu tiên trong lịch sử, không đưa ra được một bản thông cáo chung như thường lệ. Cả khối kinh tế 21 quốc gia này không còn quan trọng như xưa, khi hai nền kinh tế lớn nhất, Trung Quốc và Mỹ đang “lâm chiến.”
Ngày Thứ Bảy, mọi người chứng kiến Tập Cận Bình và Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence tấn công nhau về chiến tranh mậu dịch
Riêng chuyện hội nghị APEC không đồng ý được với nhau về một bản thông cáo kết thúc cũng gây tai tiếng cho phái đoàn Trung Cộng.
Nhưng điều mà người dân Papua New Guinea chú ý nhất là hành động “áp đảo” của người Trung Hoa khi họ muốn sửa đổi bản văn thông cáo chung theo ý họ.
Theo tin của Agence France-Presse hôm Chủ Nhật, một nhóm nhân viên phái đoàn Tàu đã tìm cách xô đẩy để xông vào trong văn phòng của ông Rimbink Pato, vị bộ trưởng ngoại giao lâu đời nhất của Papua New Guinea, nhậm chức từ năm 2012 ở thủ đô Port Moresby. Họ muốn làm áp lực chính phủ PNG, nước chủ nhà tổ chức hội nghị, phải viết một thông cáo chung theo ý ông Tập Cận Bình.
Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị đã phải cải chính không có người Tàu nào tìm cách xô cửa đi vào Bộ Ngoại Giao Papua New Guinea để yêu cầu sửa bản nháp thông cáo chung theo ý mình!
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh tỏ ra khinh thường các nước nhỏ. Năm 2010, trong cuộc họp ASEAN tại Hà Nội, sau khi nghe Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông nước ta, Ngoại Trưởng Trung Cộng Dương Khiết Trì đã giận dữ phản đối, rồi lớn tiếng dạy ngoại trưởng Singapore rằng, “Trung Quốc là một nước lớn! Các nước khác là những nước nhỏ! Phải biết như thế!”
Tháng Chín vừa qua, Trung Cộng đến dự một cuộc họp với các nước “rất nhỏ” ở phía Nam Thái Bình Dương, họp tại hòn đảo Nauru. Tổng thống nước Nauru, ông Baron Waqa, đã yêu cầu Trung Cộng phải xin lỗi sau khi cả phái đoàn của họ giận dữ bỏ ra ngoài, chỉ vì một người bị từ chối không cho nói trong lúc các nhà lãnh đạo hòn đảo còn đang phát biểu.
Nauru, rộng 21 cây số vuông, chỉ có hơn 11,000 dân, quả là một nước nhỏ, chưa bằng một thôn ở Trung Quốc. Nhưng Tổng Thống Baron Waqa biết bảo vệ thể diện quốc gia. Ông nói với dân: “Bọn chúng không phải là bạn của mình. Họ chỉ cần dùng mình cho mục đích của họ.”
Papua New Guinea, hơn 8 triệu dân nói 852 thứ tiếng, cũng là một nước nhỏ trong khối APEC. Họ được độc lập từ năm 1975, nhưng vẫn đặt dưới sự bảo trợ của Australia, vẫn coi Nữ Hoàng Elizabeth II là quốc trưởng.
Bé nhưng bé hạt tiêu. Sau vụ lộn xộn của nhân viên phái đoàn Trung Cộng, ông Gary Juffa, lãnh tụ đảng đối lập là Phong Trào Nhân Dân Cải Tổ đã kêu gọi chính phủ Papua phải theo gương ông Mahathir Mohamad ở Malaysia.
Tháng Tám vừa qua, sau khi đắc cử ngồi lại vào ghế thủ tướng, ông Mahathir đã xóa bỏ ngay một dự án trị giá xây dựng $22 tỷ trong chương trình Nhất Đới Nhất Lộ (Một Vòng Đai, Một Con Đường) của Trung Cộng mà người tiền nhiệm đã chấp thuận. Trung Cộng dự trù ngân sách $900 tỷ cho dự án Đới Lộ. Họ xây dựng đường, cầu, bến cảng, nối các thành phố từ Trung Quốc xuống các nước ở phía Nam, vòng Ấn Độ Dương qua đến Trung Đông, rồi Châu Âu.
Họ đem công nhân Trung Hoa đến các nước đó làm việc. Họ không tôn trọng các luật lệ quốc tế về an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Các công ty Trung Cộng đã lập 63 nhà máy phát điện chạy bằng than, với số khói phun lên lớn bằng khói độc trong cả nước Tây Ban Nha! Nguy hiểm nhất, họ cho các nước vay tiền làm những dự án không ích lợi, đến khi không có tiền trả nợ thì họ xiết của.
Sri Lanka đã bị mắc mưu này, khi thiếu tiền trả nợ phải gán một bến cảng mới do Trung Cộng xây, cho Bắc Kinh tự do sử dụng trong 99 năm, làm “đặc khu kinh tế.” Trung Cộng đã xây cho xứ Zambia một vận động trường 50,000 chỗ ngồi, tốn $94 triệu. Không biết bao giờ nước Phi Châu này vỡ nợ?
Tháng Sáu vừa qua, thủ tướng Papua, ông Peter O’Neill, đi Bắc Kinh ký một hiệp ước tham gia chương trình Nhất Đới Nhất Lộ.
Lãnh tụ đối lập Gary Juffa cảnh cáo ông thủ tướng về vụ hợp tác này. Những công trình xây dựng đường xá và hải cảng mà Trung Cộng đang thực hiện ở Papua New Guinea phẩm chất rất kém so với những công trình do người Australia thực hiện.
Ông Juffa nhấn mạnh: “Tôi muốn dân Papua New Guinea phải làm chủ nền kinh tế của mình. Hiện nay chúng ta không còn làm chủ nữa… Chúng ta có thể chấp nhận ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng phải đặt trên những điều kiện nước mình định ra. Chúng ta cần bảo cho họ biết luật lệ của mình thế nào, rằng chúng ta cũng là một quốc gia độc lập, và khi đến đây họ phải tỏ ra biết kính trọng. Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền, nếu không muốn trở thành thuộc địa của Trung Quốc.”
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng cũng dám nói như vậy thì may quá!
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment