Chủ Nhật 02.11.2014
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua
xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV
Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh. HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài DLSN, chào chị HA.
Hoàng Ân: Hôm 27/10 vừa qua, tờ báo điện tử Giáo dục
VN đã công khai chỉ trích việc công an Sài Gòn phân phát truyền đơn đến
các du khách ngoại quốc, nội dung cảnh báo về tệ nạn cướp giật tại Sài
Gòn. Bài báo cho rằng giới công an đã "sáng tạo" ra một hình thức bôi
nhọ đất nước và con người VN, đồng thời hủy diệt thanh danh của ngành
công an. Xin anh trình bày rõ hơn về sự kiện này?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Theo như tôi được biết, vào cuối tuần qua, giới công an Sài Gòn đã
phân phát một truyền đơn bằng Anh ngữ cho du khách ngoại quốc, nội dung
có những câu như "Tội phạm bạo lực thường xuyên xảy ra tại Sài Gòn" vì
thế "nên giữ gìn túi xách bên người, đừng mang trang sức quý giá và đừng
phô ra máy ảnh hay điện thoại di động". Truyền đơn cũng nhắc nhở giới
du khách là "đừng tin tưởng đồng hồ tính tiền trên các xe taxi" vì việc
gian lận tiền cước là một thủ đoạn quen thuộc của các tài xế taxi.
Tờ Giáo dục VN kết luận rằng, truyền đơn này là một cách thức tốt
nhất để "bôi nhọ đất nước" và thanh danh của giới công an. Tờ báo cũng
vạch ra một số bất cập trong lực lượng công an thành phố này, cầm đầu
bởi 4 thiếu tướng và 4 đại tá, mà theo tờ báo là tương đương với giàn
chỉ huy của 16 sư đoàn bộ đội. Chính vì thế, tờ báo đặt câu hỏi là với
hàng chục ngàn công an cảnh sát đủ loại ở Sài Gòn mà tại sao tình hình
vẫn tồi tệ, không cải thiện được?
Hoàng Ân: Trong tuần qua, khi loan tin về cuộc họp
giữa quốc vụ khanh Trung Cộng Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng VN Phạm
Bình Minh, giới truyền thông lề đảng cho biết là phía VN cam kết sẽ tuân
thủ các thỏa ước mà giới lãnh đạo cao cấp của hai đảng cộng sản Việt –
Hoa đã ký kết trước đây, đặc biệt là trong việc giải quyết các tranh
chấp chủ quyền trên Biển Đông. Anh có ghi nhận về sự kiện này như thế
nào?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, theo thông tấn xã
VN thì phiên họp nói trên đã bớt căng thẳng hơn so với lần trước, khi
Dương Khiết Trì sang gặp gỡ giới lãnh đạo cao cấp VN sau khi xảy ra biến
cố giàn khoan Hải Dương 981. Trong phiên họp vào hôm qua, hai bên đồng ý
tuân thủ các thỏa ước cấp cao trước đây về việc giải quyết tranh chấp
trên Biển Đông. Tuy nhiên giới truyền thông nhà nước không nêu chi tiết
về các thỏa ước này mà chỉ trích dẫn lời khẳng định của Ngoại trưởng
Phạm Bình Minh là "VN luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác chiến lược" với
Trung Cộng và không muốn mở rộng việc tranh chấp.
Trong khi đó thì bộ trưởng công an VN Trần Đại Quang đang cầm đầu một
phái đoàn quan chức cao cấp sang thăm Trung Cộng. Chuyến đi này diễn ra
chỉ một tuần sau chuyến đi của một phái đoàn tướng lãnh cao cấp trong
quân đội VN, do bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh cầm đầu. Theo
thông báo thì phái đoàn công an cao cấp sẽ thảo luận việc hợp tác giữa
hai bên về lãnh vực bài trừ tội ác xuyên quốc gia và truy bắt tội phạm.
Hoàng Ân: Như anh vừa có nhắc đến việc Bộ trưởng
công an VN, ông Trần Đại Quang đang cầm đầu một phái đoàn quan chức cao
cấp sang thăm Trung Cộng để thảo luận việc hợp tác giữa hai bên về lãnh
vực bài trừ tội ác xuyên quốc gia và truy bắt tội phạm. Xin anh trình
bày chi tiết hơn về sự kiện này để gửi đến quý thính giả của đài cùng
nghe?
Trường An: Vâng! Hôm 26/10 vừa qua, ông Trần Đại Quang đã dẫn đầu phái đoàn cấp cao bộ công an CSVN sang thăm Trung Cộng.
Được biết, chuyến đi chỉ được giới báo chí CSVN loan báo vào đúng
ngày phái đoàn ông Quang có cuộc hội kiến với ủy viên bộ chính trị Trung
Cộng là ông Mạnh Kiến Trụ.Trong thời gian ở Trung Cộng, phái đoàn ông
Quang sẽ tham dự hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ tư giữa
bộ công an CSVN Việt Nam và bộ công an Trung Cộng. Ngoài các nội dung
được lặp lại một cách sáo rỗng về 'hữu nghị' và 'hợp tác', các thông tin
được truyền thông loan báo không có gì đặc biệt. Trước khi đi Trung
Cộng, ông Trần Đại Quang có bài tuyên bố trước quốc hội, trong đó khẳng
định: "Các thế lực thù địch, phản động ráo riết gia tăng các hoạt động
chống phá nhằm hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nước;
triệt để lợi dụng internet để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chia rẽ
nội bộ, kích động chống phá Đảng, Nhà nước".
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, người đứng đầu hai lực lượng vũ
trang chủ chốt tại Việt Nam liên tiếp sang thăm Trung Cộng để tăng thêm
tình hữu nghị 16 chữ vàng 4 tốt đây quả là những động thái hết sức đáng
lo ngại cho người dân đang sống tại VN.
Hoàng Ân: Trong mấy ngày qua, giới luật sư tại VN đã
tỏ ra giận dữ khi bị một đại biểu quốc hội bôi nhọ là giới luật sư VN
chỉ làm việc vì tiền. Xin anh nói rõ hơn về sự kiện này?
PV Trường An: Theo như tôi được biết, lời tuyên bố
mang tính nhục mạ này được ông Đỗ Văn Đương, ủy viên thường trực ủy ban
tư pháp quốc hội, tung ra trong buổi họp báo vào ngày 27/10 vừa qua.
Ngay hôm sau, trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Thanh Niên, ông Đương tiếp
tục khẳng định là người phạm tội phải có tiền thì mới đi thuê luật sư
và để hành nghề thì các luật sư cũng phải kiếm tiền chứ "không lẽ sống
bằng không khí" hay sao?
Cần nói thêm ông Đỗ Văn Đương còn bị dân gian gọi là "ông nghị rau
muống" khi mang ra so sánh giá cả một bó rau muống ở Tàu nhằm bào chữa
cho tình trạng lạm phát cao của VN vào ba năm trước. Vào tháng trước,
"ông nghị rau muống" cũng hùng hồn tuyên bố trên đài truyền hình nhà
nước là "quyền giữ im lặng" khi bị công an bắt giữ "không phải là quyền
con người", trong khi các nước văn minh đã áp dụng quyền này từ khi ông
Đương chưa ra đời.
Nhiều luật sư nổi tiếng trong nước, như LS Trần Đình Triển hay Ngô
Ngọc Trai, đã bày tỏ sự phẫn nộ trước các phát ngôn bừa bãi này. Lý do
là họ từng đứng ra bào chữa miễn phí cho nhiều người, chẳng hạn như cho
gia đình ông Đoàn Văn Vươn trong vụ án đầm Cống Rộc ở Hải Phòng. Hơn thế
nữa, có nhiều vụ án là do nhà nước chỉ định luật sư bào chữa cho bị can
và trả tiền cho họ. Tuy nhiên là thành viên ủy ban tư pháp nhưng ông
nghị Đỗ Văn Đương dường như không biết chuyện này.
Hoàng Ân: Thế còn việc Blogger Anh Ba Sàm sẽ ra tòa với cáo buộc " xâm phạm lợi ích nhà nước" thì thưa anh?
Trường An: Dạ thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Vào chiều hôm 30/10, Luật sư Hà Huy Sơn thông báo là ông đã nhận được
kết luận điều tra của công an về vụ bắt giữ và truy tố nhà báo lề dân
Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân
chủ để "xâm phạm lợi ích của nhà nước và các tổ chức" của đảng.
Luật sư Hà Huy Sơn nhận xét rằng, bản kết luận điều tra không hề nhắc
đến tên Anh Ba Sàm và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, mà chỉ chú trọng đến
trang mạng của hai người là Diễn đàn Xã hội Dân sự và trang Chép Sử
Việt. Ngoài ra, bản kết luận cũng không có những câu như "cấu kết với
các phần tử nước ngoài" hay "các thế lực thù địch" như trong các vụ đàn
áp giới bất đồng chính kiến trước đây.
Xin được nhắc lại, nhà báo lề dân Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh 58
tuổi từng là đảng viên và phục vụ trong Ủy ban Việt kiều Trung ương. Ông
Vinh và bà Minh Thúy cùng bị bắt giam vào ngày 5/5 vừa qua. Ông Vinh
cũng từng bị bắt vào tháng 7 năm 2012.
Theo cáo trạng của công an thì hai nhà báo lề dân này đã đăng tải
nhiều bài viết có nội dung công kích, làm mất uy tín của đảng và nhà
nước VN, tức vi phạm vào điều luật 258 của bộ luật hình sự. Đây là tội
danh mơ hồ mà rất nhiều nhà bất đồng chính kiến khác cũng bị bỏ tù về
tội này.
Hoàng Ân: Cám ơn anh PV Trường An đã chia sẻ các tin
tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt
và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment