Thứ Ba, ngày 04.11.2014
Toàn thể đảng CSVN đang mang một
căn bệnh trầm kha mang tên "Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch" và không còn
thuốc chữa. Vậy quái tật "hội chứng Nguyễn Cơ Thạch" là gì? Mời quý
thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề:
"Bệnh Chứng Nguyễn Cơ Thạch" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc
chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã mắc một căn bệnh nặng, gọi bằng tên ông
Nguyễn Cơ Thạch, vì triệu chứng căn bệnh phát lên rõ nhất trong thời
gian hai đảng chuẩn bị Hội nghị Thành Ðô mà sau đó ông Nguyễn Cơ Thạch
bị mất chức.
Ở hải ngoại, giới truyền thông gần đây không quan tâm đến Hội nghị
Thành Ðô. Nhưng đồng bào trong nước còn rất thao thức về câu chuyện này.
Cô Nguyễn Phương Uyên cùng cô Phạm Thanh Nghiên, ông Nguyễn Xuân Nghĩa
trong phong trào "Chúng Tôi Muốn Biết" đã yêu cầu "Bạch hóa Hội nghị
Thành Ðô". Không những thế, Ban Tuyên Giáo đảng Cộng Sản còn đưa ra lời
giải thích về hội nghị này để các đảng viên học tập. Trong bài trước,
mục này tỏ ý nghi hoặc không biết bản tuyên bố trên có thực hay không,
vì thấy nó chỉ "vạch áo cho người xem lưng" mà thôi. Ông Nguyễn Khắc
Mai, cựu Vụ phó Dân Vận Trung Ương Ðảng mới xác nhận với đài BBC rằng:
"Văn bản của Ban Tuyên Giáo thì nó có thật đấy... Nhưng chúng tôi hoài
nghi sự giải thích... không biết là có đến nơi, đến chốn không...". Muốn
hiểu "Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch" thì phải nhắc lại chuyện ở Thành Ðô
năm 1990.
Năm đó, sau khi đảng Cộng Sản Liên Xô sụp đổ, Việt cộng mất chỗ dựa
chính trị, ngoại giao, cũng như nguồn viện trợ kinh tế. Như người sắp
chết đuối cần một cái phao bám, Việt cộng kết thân lại với Trung cộng.
Sau cuộc chiến năm 1979 hai đảng từng coi nhau là tử thù. Mối tranh chấp
lớn trong mười năm trước là cuộc chiến tranh ở Campuchia, Trung cộng
ủng hộ Khờ Me Ðỏ còn Việt cộng bảo trợ chính quyền Hun Sen. Biết Việt
cộng đang tuyệt vọng, muốn cầu thân, nên Trung cộng lợi dụng; buộc Việt
Cộng phải giải quyết cuộc chiến ở xứ Khờ Me theo dự án của Bắc Kinh.
Khi chính thức gặp Thứ trưởng ngoại giao Trung cộng Từ Ðôn Tín, Trần
Quang Cơ, cũng giữ chức thứ trưởng ngoại giao sau này viết hồi ký, ghi
lại: "Tôi nhớ như in cái giọng ngạo mạn kiểu 'sứ giả thiên triều' của
Từ...". Từ Ðôn Tín nói: "Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu để bàn với các
đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện
vọng của các đồng chí...", ý nói đã gặp Nguyễn Văn Linh và Lê Ðức Anh.
Trần Quang Cơ nhận xét: "Ðây là cuộc đàm phán giữa hai quốc gia bình
đẳng, làm sao Trung cộng có thể nói đến chuyện xem xét nguyện vọng của
giới lãnh đạo Việt Nam được?". Nguyễn Cơ Thạch không được đi họp ở Thành
Ðô, dù là ủy viên Bộ Chính Trị và đang giữ chức bộ trưởng Ngoại Giao.
Ông Trần Quang Cơ nói thẳng trong hồi ký 'Hồi ức và Suy nghĩ': Trung
Quốc muốn ta phải thay đổi bộ trưởng Ngoại giao. Tại Ðại Hội Ðồng Liên
Hiệp Quốc họp ở Nữu-ước tháng 9 năm đó Ngoại Trưởng Trung cộng Tiền Kỳ
Tham từ chối không cho Nguyễn Cơ Thạch được gặp.
Cuối cùng, tại Thành Ðô Việt cộng đã phải đồng ý công thức của Trung
cộng về một hội đồng lãnh đạo xứ Campuchia. Việt cộng trước đó yêu cầu
mỗi phe cộng sản ở Campuchia có sáu người trong hội đồng này. Trung cộng
đòi mỗi phe có sáu người, thêm người chủ tọa là Sihanouk, một ông hoàng
sống thường xuyên ở Bắc Kinh, vẫn cộng tác với Khờ Me Ðỏ, tức là phe
Khờ Me Ðỏ có bảy người! Bản tuyên cáo sau Hội nghị Thành Ðô ghi tám điểm
thì bảy điểm chỉ nói chuyện Campuchia, điểm thứ tám nói đến việc hợp
tác giữa hai đảng Cộng sản cũng nhấn mạnh tới việc Campuchia. Những yêu
cầu "hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc" của Nguyễn Văn Linh
trở thành mơ tưởng hão huyền. Ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự
Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết thêm rằng trong thời gian
hội nghị, Trung cộng xếp cho Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười ở
ba biệt thự khác nhau, không thể bàn gì với nhau được.
Nhưng đau đớn cho Việt cộng là những đòn ngoại giao của Trung cộng
sau đó. Trong hội nghị, hai bên đồng ý là sẽ cùng giữ bí mật. Nhưng ngay
sau khi họp xong, Trung cộng tiết lộ hết. Báo chí ở Thái Lan loan tin
Việt cộng đã chịu theo giải pháp của Trung cộng ở Campuchia. Ngoại
trưởng Mỹ gặp Nguyễn Cơ Thạch cũng nói rằng đã được nghe Trung cộng báo
tin đầy đủ. Việt cộng uất ức nhưng phải im miệng, như "gái ngồi phải
cọc".
Người ức nhất là Hun Sen, vì thấy phe Khờ Me Ðỏ có bẩy người, mình
chỉ được có sáu. Hun Sen uất hận nhất là cảnh Việt cộng đi đêm với Trung
cộng, đâm sau lưng mình. Từ đó Hun Sen dần dần lánh xa Hà Nội, tiến gần
Bắc Kinh. Vì thà đi thẳng với ông chủ lớn còn hơn đi qua một anh đầu
nậu. Trung cộng cũng bỏ rơi Khờ Me Ðỏ, sau khi bắt được Hun Sen ích lợi
hơn nhiều. Cuối cùng, Việt cộng vừa mất chân trên đất Campuchia, vừa
không được Trung cộng hứa hẹn gì về hợp tác lâu dài bảo vệ chủ nghĩa xã
hội!
Hội nghị Thành Ðô là một thảm bại ngoại giao của đảng Cộng Sản Việt
Nam. Nhưng nó cũng là triệu chứng hiện lên rõ nhất của một căn bệnh có
gốc từ bên trong, gọi là "Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch". Ông Ðặng Xương
Hùng giải thích: "Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung quốc đã khống
chế toàn bộ lãnh đạo Việt Nam để dần dần thực hiện những chính sách của
Trung quốc". Hội chứng này bao gồm cảnh Trung cộng "không chế về mặt đối
ngoại, khống chế về mặt tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu nhà nước của
Việt Nam, làm sao có lợi nhất đối với Trung quốc." Ngoại giao, tổ chức
nhân sự, cơ cấu nhà nước, cái gì cũng bị Trung cộng kềm kẹp. Phải thấy
đây là một tình trạng bệnh trầm kha. Trên thế giới có quốc gia nào bị
nước khác kiểm soát chặt chẻ từ bên trong ra bên ngoài như vậy hay
không?
Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch khiến cho tất cả guồng máy cai trị của đảng
Cộng Sản Việt Nam lúc nào cũng lo sợ không biết những gì mình nghĩ,
mình làm, có hợp ý các "đồng chí" Trung quốc hay không! Ông Ðặng Xương
Hùng lấy thí dụ: "Nhiều nhân vật [chính quyền ở Việt Nam] sau này, khi
đụng chạm giải quyết vấn đề biên giới cũng như những vấn đề về tranh
chấp với Trung quốc ở Biển Ðông cũng như thế, đều có những dấu hiệu của
hội chứng Nguyễn Cơ Thạch. Tức là rất sợ những ý kiến cá nhân của mình
về vấn đề liên quan với Trung quốc... rất sợ Trung quốc sẽ làm ảnh hưởng
đến chức vụ của mình với những quyền lợi và lợi ích của mình trong cơ
cấu nhà nước [qua việc theo dõi những kẻ lãnh đạo cao nhất của Việt
Nam]".
Ông Nguyễn Cơ Thạch đã kết luận về Hội nghị Thành Ðô: "Một thời kỳ
Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu". Bệnh chứng Nguyễn Cơ Thạch cũng là
bệnh chứng "Bắc thuộc mới".
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment