Wednesday, November 19, 2014

Phương Cách Phòng Chống Tham Nhũng Cho Việt Nam

Thứ Tư, ngày 19.11.2014    
Cách nào tốt nhất để chống tham nhũng và hối lộ tại Việt Nam? Nguyên Hồng sẽ trả lời cho câu hỏi này trong chuyên mục Con Người Việt Nam. Mời quý thính giả cùng theo dõi sau đây
Căn bệnh tham nhũng -- hối lộ ở Việt Nam không phải là không có cách trị. Vấn đề là nhà cầm quyền Việt Nam có thực tâm muốn trị tham nhũng -- hối lộ hay không.
Điều trước tiên cần phải làm và cũng là bước đầu để trị tham nhũng -- hối lộ là chấp dứt ngay chế độ độc tài đảng trị hiện nay. Chính thể chế độc tài đảng trị tạo ra lối làm việc vô trách nhiệm và tạo ra cơ chế tham nhũng từ trên xuống dưới bởi không ai chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì. Khi các quan chức địa phương tha hồ cướp đất người dân và người dân ra Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh để kiện, nhưng chính quyền trung ương làm lơ, hứa suông và hù doạ những người dân oan thì rõ ràng, cơ chế hiện tại là cơ chế của bao che, bảo vệ lấy nhau về quyền lực và tài lực trước giá trả của Đại Khối Dân Tộc Việt.
Các quyền tự do của con người mà trong đó có quyền tự do báo chí là cái cần phải có để các nhà báo làm nhiệm vụ kiểm soát chính quyền trên lãnh vực tham nhũng -- hối lộ. Chỉ có tự do báo chí thì các nhà làm báo mới có thể đưa ra những sai lầm của nhà cầm quyền và nếu nhà cầm quyền không chịu sửa đổi sai lầm thì người dân sẽ thay những cá nhân khác, hoặc đảng phái khác có tài để làm nhiệm vụ điều hành đất nước nhằm mục đích bảo vệ tài sản của người dân chứ không phải một đảng hiện nay đang điều hành đất nước. Ngày nào còn độc đảng và không có tự do báo chí thì ngày đó tình trạng tham nhũng -- hối lộ vẫn tiếp tục xảy ra cho dù đảng CSVN có hô hào chống tham nhũng -- hối lộ nhưng đó chỉ là hình thức chứ chẳng hề có quyết tâm để chống tham nhũng -- hối lộ.
Khi mà tự do báo chí và đa đảng được mở rộng thì nhà cầm quyền cần xét lại lương bổng của các nhân viên làm việc cho nhà nước. Đồng lương không những chỉ đủ sống mà còn có một số tiền dư cho những dự tính tương lai. Ngoài chuyện xét lại lương bổng, nhà cầm quyền cần phải có một bộ luật tham nhũng rõ ràng và trừng phạt thẳng tay bất cứ cá nhân nào trong chính quyền lợi dụng quyền hành hiện có để tham nhũng -- hối lộ hoặc móc ngoặc với các công ty tư nhân -- nước ngoài hầu đem lại lợi nhuận cho chính bản thân.
Tham nhũng -- hối lộ xảy ra có hai cá nhân tham dự. Người tham nhũng (người lấy tiền) và người tạo ra tham nhũng (người đưa tiền). Cho dù có một thể chế dân chủ tham nhũng -- hối lộ cũng vẫn có thể xảy ra tuy ở một mức độ rất thấp. Cho nên bộ luật trừng phạt những ai vị phạm luật tham nhũng -- hối lộ cần phải có phần thưởng cho những ai tố cáo các vụ tham nhũng -- hối lộ.
Nếu ai đó đút lót tiền để tạo ra tham nhũng -- hối lộ thì cá nhân được đưa tiền có thể tố cáo người đút lót tiền. Nếu có bằng chứng hẳn hoi thì số tiền thưởng sẽ được gấp hai lần số tiền mà người đút lót tiền đưa cho. Dĩ nhiên người đút lót tiền cũng có thể tố cáo lại người nhận tiền và sẽ được phần thưởng gấp hai số tiền đã mất cho người nhận hối lộ. Ai tố cáo trước và có bằng chứng hẳn hoi thì sẽ được phần thưởng và người vi phạm luật sẽ bị mất hết tài sản cá nhân hiện có, đồng thời bị tù 20 năm. Chỉ ở trong vị thế như thế này, chẳng một ai dám hối lộ hoặc tạo ra cơ hội tham nhũng- hối lộ bởi người đưa tiền và người nhận tiền sẽ nghi ngờ lẫn nhau. Người đưa tiền có thể giả đò đưa tiền để xem người khi có nhận hay không và nếu người kia nhận thì người đưa tiền sẽ đi tố cáo để nhận tiền thưởng. Ngược lại người nhận tiền cũng thế và cuối cùng thì chẳng ai dám làm chuyện đưa tiền hoặc lấy tiền bởi sợ bị tố cáo lẫn nhau.
Nhưng nếu cả hai bên đều đồng ý đưa tiền và nhận tiền với nhau thì sao? Lúc này thì một người ở ngoài cuộc, nếu có đầy đủ chứng cớ đưa ra thì người nhận tiền và người đưa tiền tham nhũng -- hối lộ sẽ bị mất hết tài sản và đi tù 20 năm. Người tố cáo chuyện tham nhũng -- hối lộ sẽ được thưởng tiền gấp đôi số tiền giữa người tham nhũng -- hối lộ và người tạo ra tham nhũng -- hối lộ trao đổi.
Tác hại của tham nhũng -- hối lộ rất lớn mà một vài thí dụ đưa bên trên không đủ diễn tả tác hại của nó. Cho nên chống tham nhũng -- hối lộ là điều cần phải làm của một chính quyền dân chủ tương lai. Hãy biến Việt Nam tương lai là một đất nước trong sạch trong chính quyền và tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân cũng như luật của thế giới.
Việt Nam đang đứng trước thử thách của thế kỷ 21. Người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước nếu vẫn còn quan tâm đến sự tồn vong của dân tộc cần phải tìm ra một giải pháp khả thi để biến một nhà nước độc tài thành một nhà nước dân chủ pháp trị hầu có điều kiện đưa đất nước đi lênvới sự cạnh tranh mãnh liệt của thế giới trên toàn lãnh vực. Việt Nam sẽ mãi mãi là một nước đi sau các nước tân tiến Đông Nam Á nếu Việt Nam tiếp tục giữ chính thể độc tài hôm nay. Chưa kể sự dòm ngó của giặc phương Bắc là Trung Hoa, cộng với sự tham quyền cố vị của đảng CSVN thì dân tộc Việt Nam sẽ hoà nhập vào đất nước Trung Hoa như chính dân tộc Chiêm Thành hoà nhập vào Việt Nam trong quá khứ.
Lối thoát cho Đại Khối Dân Tộc thoát khỏi ách đô hộ kiểu mới có đó. Nhưng liệu Đại Khối Dân Tộc có một thủ lãnh dám đứng ra như Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa để dẹp loạn sứ quân của thời đại mà các bí thư đảng ở các cấp là một sứ quân của địa phương đang tàn phá đất nước và sự tồn vong của dân tộc Việt?
Một điều khẳng định là ngày nào đảng CSVN vẫn khẳng định độc quyền lãnh đạo thì ngày đó Đại Khối Dân Tộc Việt tiếp tục bị đè trên đầu, trên cổ và tiếp tục trả số nợ khổng lồ do sự vay mượn của quốc tế bởi tình trạng tham nhũng -- hối lộ đã biến tài sản quốc gia thành tài sản riêng tư của các quan lớn trong cơ cấu chính quyền và cơ cấu của đảng.
Nguyên Hồng

No comments:

Post a Comment