Sunday, November 16, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 16.11.2014  
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian và Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Phần lớn chúng ta đã rõ Hội nghị Thành Đô Việt-Trung năm 1990 là bước lún sâu hơn của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam vào vòng tay lệ thuộc Trung Cộng.
Các thỏa thuận và thông tin liên quan tới Hội nghị Thành Đô vẫn là một bí mật của đảng cộng sản Việt Nam. Tới nay dư luận mới chỉ có một số thông tin được rò rỉ từ phía Trung Cộng hoặc từ một vài cán bộ cộng sản Việt Nam đã nghỉ hưu. Trong số những thông tin đó, đáng phải kể tới là tập hồi ký của ông Trần Quang Cơ, cựu thứ trưởng ngoại giao. Qua chuyên mục này chúng tôi sẽ lần lượt chuyển tới các bạn một số thông tin tổng hợp chủ yếu trích từ tập hồi ký "Hồi ức và Suy nghĩ" của ông Trần Quang Cơ được công bố năm 2001.
Trước tiên chúng ta cùng xem lại khái quát bối cảnh Việt Nam và thế giới vào thời điểm năm 1990.
Bối cảnh thế giới vào thời điểm 1990 có những chuyển động, thay đổi rất lớn về chính trị ở Liên Sô và Đông Âu theo chiều hướng dân chủ hóa, giải thể các chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Tại Đức, bức tường Berlin đã bị phá bỏ vào tháng 11 năm 1989; Hungary và Áo đã mở tung biên giới cho người dân Đông Âu ồ ạt chạy sang các nước Tây Âu; Ba Lan, Tiệp Khắc, Lỗ Ma Ni... đang chuẩn bị chuyển đổi sang chính trị đa đảng và bầu cử tự do; Liên Sô từ bỏ chính sách can thiệp quân sự tại các nước Đông Âu, đang tập trung cho những chuyển đổi chính trị chia tay cộng sản chủ nghĩa. Tuy nhiên tại Trung Cộng, phe bảo thủ độc tài vẫn hoàn toàn nắm vững quyền lực và mới tiến hành một cuộc đàn áp đẫm máu, giết chết hàng ngàn sinh viên dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 06 năm 1989.
Còn tại Việt Nam thời điểm 1990, về kinh tế, mặc dù nạn đói đã được thuyên giảm khá nhiều khi chính quyền phải chấp nhận bỏ dần mô hình hợp tác xã nhưng nói chung toàn nền kinh tế Việt Nam vẫn vô cùng thiếu thốn do viện trợ kinh tế từ Liên Sô và khối xã hội chủ nghĩa đã chấm dứt; về chính trị đối ngoại, Việt Nam đang bị cấm vận của Mỹ, bị cộng đồng thế giới và khu vực tẩy chay, lên án do đưa quân vào chiếm đóng Cam-pu-chi-a suốt từ năm 1979. Đặc biệt, quan hệ của đảng cộng sản Việt Nam và Trung Cộng vẫn trong tình trạng đối nghịch sau cuộc xung đột đẫm máu năm 1979; về chính trị quốc nội, chính quyền Việt Nam đang phải đối mặt với những kêu gọi cải cách chính trị theo hướng dân chủ từ những trí thức cấp tiến cả Bắc và Nam, gồm những trí thức Việt Nam Cộng hòa còn đang ở tại miền Nam như Luật sư Đoàn Thanh Liêm, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, các trí thức gốc Bắc như Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Nhà văn Dương Thu Hương và Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại đã đăng lời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy cải cách chính trị trên tờ báo nổi tiếng Washingtin Post vào ngày 01 tháng 06 năm 1990. Đặc biệt hơn, tại Sài Gòn có một nhóm những người từng đi theo cộng sản trước 1975 đã lập ra Câu lạc bộ Kháng chiến Cũ, với những nhân vật chủ chốt như ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, với mục tiêu đòi hỏi chính quyền tôn trọng các quyền tự do của người dân.
Tuy nhiên, về đối nội thay vì lắng nghe những tiếng nói yêu nước, yêu dân chủ, chính quyền cộng sản đã bất chấp, đàn áp các tiếng nói đó, hoặc bắt giam hoặc quản thúc.
Còn về đối ngoại, ông Trần Quang Cơ kể lại:
"Trước tình hình ấy, trong nội bộ lãnh đạo ta đã nảy sinh những ý kiến khác biệt trong nhận định về sự kiện Thiên An Môn cũng như về những biến đổi dồn dập tại các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Sô. Nổi lên là ý kiến nhấn mạnh mặt Xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, phải bằng mọi giá bắt tay ngay với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, để chống Mỹ và các thế lực đế quốc khác. Chính điều đó đã tạo nên bước ngoặt khá đột ngột trong thái độ của ta đối với Trung Quốc. Suy nghĩ đơn giản của ta là không có lý gì Việt Nam lại ngủng nghỉnh với Trung Quốc trong khi Liên Sô đã bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc từ tháng 5 năm 1989."
Nhưng ai là người trong đảng cộng sản Việt Nam lúc đó có ý kiến mạnh "phải bằng mọi giá bắt tay ngay với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, để chống Mỹ"?
Ông Trần Quang Cơ kể rằng trong cuộc nói chuyện với Kayson Tổng bí thư cộng sản Lào vào ngày 7 tháng 10 năm 1989 ở Bắc Kinh chính "Đặng Tiểu Bình đã hết lời ca ngợi Nguyễn Văn Linh. Đặng kể lại, khi làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 1963, đã tổ chức đưa Nguyễn Văn Linh từ miền Nam sang Hồng Kông để đi Bắc Kinh gặp nhau, khen anh Linh là "người tốt, sáng suốt và có tài"".
Tiếp đó ông Trần Quang Cơ cho biết, ngày 6 tháng 11 năm 1989 Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhờ Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch gửi tới Đặng Tiểu Bình một thông điệp "ngỏ ý mong sớm có bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ba tuần sau, anh Thạch lại gửi thư cho Tiền Kỳ Tham (Ngoại trưởng Trung Cộng) nhắc lại thông điệp ngày 6 tháng 11 và đề nghị phía Việt Nam sẵn sàng gặp lại phía Trung Quốc ở cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng ngoại giao tại Hà Nội hoặc Bắc Kinh trong tháng 12 năm 89. Nhưng Trung Quốc không trả lời thông điệp của Tổng bí thư ta lẫn thư của anh Thạch."
Thưa quí vị, quí bạn, đến đây chúng ta đã bắt đầu thấy rõ sự dại dột, tội nghiệp của lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Sự dại dột này sẽ diễn biến thế nào, đó là nội dung chúng ta sẽ thấy trong chuyên mục kỳ tới.
Dian, Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị.
Tiến Văn
16/11/2014

No comments:

Post a Comment