Chủ Nhật 23.11.2014
Để nhớ lại các sự kiện quan trọng
diễn ra trong 7 ngày qua, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "VN Tuần
Qua" với Hoàng Ân và phóng viên Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài DLSN, chào chị HA.
Hoàng Ân: Mở đầu buổi hội luận ngày hôm nay, xin được hỏi anh câu hỏi đầu tiên:
Anh có ghi nhận như thế nào về sự kiện bạo quyền VN chính thức thừa nhận hệ thống pháp luật trong nước chỉ là một trò hề?
Trường An: Thưa chị TA cùng quý thính giả của đài!
Giới chức trách VN vào hôm 17/11 đã ra lệnh thu hồi khẩn cấp một ngàn
cuốn sách về pháp luật mà trang bìa được minh họa bằng hình ảnh của một
diễn viên hài hước mặc quần xà lỏn và gánh chiếc cân công lý.
Được biết, cuốn sách này có tựa đề "Bộ luật dân sự và Văn bản hướng
dẫn thi hành" do nhà xuất bản Lao động – Xã hội vừa phát hành để phổ
biến kiến thức pháp luật cho người dân, với hình bìa là danh hài Công Lý
mặc quần xà lỏn đang gánh chiếc cân công lý. Ngay sau đó, một số tờ báo
trong nước trích dẫn lời danh hài Công Lý này nói rằng ông rất bất bình
vì nhà xuất bản đã xử dụng hình ảnh của ông mà không xin phép.
Trong khi đó, người dân trong nước thì vô cùng bất bình và cho rằng
nền pháp luật của VN cũng giống như anh hề trên trang bìa của cuốn sách
luật này vậy. Bởi từ trước tới nay khi nói đến công lý, biểu tượng đã
trở thành phổ quát của nhân loại từ nhiều ngàn năm qua là một người phụ
nữ; tay trái cầm cân - nói lên sự công bình trong pháp lý; tay phải cầm
thanh gươm - tượng trưng cho sức mạnh quyền lực của lý lẽ và công lý,
mắt bị bịt lại bởi một tấm khăn - thể hiện tính vô tư không phân biệt
đối tượng giàu nghèo, vị trí xã hội... Tất cả làm nên hình ảnh của "Nữ
Thần Công Lý".
Trong khi đó thì giới hữu trách gỡ gạt rằng đây là một tai nạn nghề
nghiệp và là một sai lầm nghiêm trọng. Một số nguồn tin cho biết là
những quan chức dính líu đến cuốn sách này sẽ bị trừng phạt nặng.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác, trong tuần qua
Nhật báo New York Times của Mỹ đã đăng tải một bài viết của nhà báo
Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập tờ báo Thanh Niên, với nội dung kêu
gọi giới lãnh đạo VN phải cho phép báo chí được tự do thông tin các vấn
đề cấp thiết của đất nước. Xin anh trình bày rõ hơn về sự kiện này để
gửi đến quý thính giả của đài cùng nghe?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, ngay sau khi Nhật
báo New York Times đăng tải bài viết của cựu tổng biên tập báo Thanh
Niên Việt Nam Nguyễn Công Khế, về vấn đề kêu gọi giới lãnh đạo VN phải
cho phép nền báo chí trong nước được có được sự tự do. Trong cuộc phỏng
vấn ngay sau đó, ông Khế khẳng định rằng nền báo chí VN đang đi vào ngõ
cụt vì bị cấm đoán đủ thứ, và đó là lý do tại sao mà càng ngày người dân
càng thích vào đọc tin tức trên các trang mạng được cập nhật từng giờ
từng phút. Ông Khế dẫn chứng cuốn sách Đèn Cù, và sự im lặng của giới
truyền thông lề đảng về các vấn đề nóng bỏng như "cải cách ruộng đất" và
"bệnh tình của các lãnh đạo", khiến người dân càng lúc càng mất niềm
tin vào chính sách thông tin và tuyên truyền của chế độ.
Ông Nguyễn Công Khế còn cho biết thêm là khác với trước đây, các tổng
biên tập hiện nay chỉ lo lắng đến việc "mất ghế" và giới phóng viên thì
luôn sợ hãi vấn đề kiểm duyệt, vì thế các tờ báo đã không còn đủ dũng
cảm để đấu tranh chống tham nhũng, dẫn đến hậu quả là xã hội càng lúc
càng băng hoại.
Tuy nhiên ông Khế rất tin tưởng và nói rằng, trước sau gì thì VN cũng
phải có một nền báo chí tự do vì không còn một lựa chọn nào khác, nếu
thực sự mong muốn đất nước phát triển và hội nhập vào thế giới văn minh.
Hoàng Ân: Sau khi kết quả của cuộc lấy phiếu tín
nhiệm 2014 tại Quốc Hội VN được thông báo, một cựu đại biểu quốc hội đã
vạch trần một số gian lận sau cuộc bỏ phiếu lấy tín nhiệm 50 quan chức
cao cấp của quốc hội VN vào cuối tuần trước. Anh có thể nói rõ hơn về sự
kiện này để quý thính giả của đài được hiểu hơn?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Theo tuyên bố của Trưởng ban Kiểm phiếu Huỳnh Văn Tý về vụ bỏ phiếu
tín nhiệm 50 quan chức Việt Nam thì tổng số phiếu phát ra và thu về là
485. Trong số này có một số phiếu không hợp lệ. Đó là những phiếu trắng,
không ghi cho ai, cũng có phiếu một người nhưng đại biểu lại đánh giá 2
người.
Ngay sau khi vừa công bố kết quả kiểm phiếu, ông Nguyễn Minh Thiết,
cựu đại biểu quốc hội VN cho rằng theo lời trưởng ban kiểm phiếu Huỳnh
Văn Tý thì vào hôm bỏ phiếu có 485 đại biểu có mặt. Khi bỏ phiếu thì có
một số phiếu trắng và một số phiếu bất hợp lệ. Thế nhưng khi cộng toàn
bộ thì một số quan chức như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Sinh Hùng
hay bà Nguyễn Thị Doan vẫn có đủ con số 485 phiếu ở ba mức tín nhiệm.
Vì thế Giáo sư Thuyết, cựu đại biểu quốc hội VN nhiệm kỳ trước, đặt
câu hỏi là số phiếu trắng hay bất hợp lệ ấy nằm ở đâu? Nếu nói là không
có thì tại sao một số quan chức khác chỉ có tổng số phiếu không đến 485?
Ông Thuyết cũng tán đồng lời tuyên bố của đại biểu Lê Thị Nga, phó
chủ nhiệm ủy ban tư pháp quốc hội, là việc bỏ phiếu theo 3 cấp độ "tín
nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" có nghĩa là các quan chức
đều được tín nhiệm, vậy thì còn bỏ phiếu để làm cái gì?
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực Y tế, trong tuần
qua Hiệp hội Tiểu đường Quốc tế (IDF) đã công bố rằng VN là nước đứng
đầu tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tại Đông Nam Á. Xin anh nói chi tiết hơn
về sự kiện này?
Trường An: Quả đúng như vậy, trong báo cáo đưa ra
vào hôm thứ 5 vừa qua, Hiệp hội Tiểu đường Quốc tế (IDF) cho biết VN là
nước có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường lớn nhất Đông Nam Á với hơn 3 triệu
người mắc bệnh, Trong số 3 triệu 300 ngàn người VN bị bệnh tiểu đường
thì tỷ lệ giới trẻ cũng chiếm khá cao, và số người bị bệnh không chỉ gia
tăng mạnh ở thành thị mà ngay cả vùng núi cũng ghi nhận sự gia tăng
này.
IDF cho biết là cứ 5 ca bị tiểu đường trên thế giới thì hết 4 ca là ở
các nước đang phát triển và VN đang có tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam
Á. Vào tháng trước, báo chí lề đảng cũng trích dẫn một thống kê cho biết
tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ở VN đã gia tăng hơn 200% trong vòng 10
năm qua, và Sài Gòn là nơi có tỷ lệ cao nhất nước.
Cần nói thêm chứng bệnh tiểu đường là nguyên nhân tử vong đứng hàng
thứ tư trên thế giới, cứ mỗi 6 giây là có một người chết hay bị tàn phế
bởi chứng bệnh này.
Hoàng Ân: Ngoài các sự kiện anh vừa trình bày ra thì còn có sự kiện nào đáng chú ý trong tuần nữa không thưa anh?
Trường An: Ngoài các sự kiện tôi vừa trình bày thì có 2 sự kiện tôi muốn nói thêm nữa là:
1. Chiều ngày 21/11, Đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam tiếp xúc
Lãnh sự quán Hoa Kỳ thúc đẩy chương trình Chúng Tôi Muốn Biết. Cùng ngày
mạng lưới này cùng 1 số người đấu tranh khác đã gặp Phó thủ tướng Đức,
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội để bày
tỏ những quan điểm của mình về tình trạng các nhà đấu tranh trong nước
vẫn thường xuyên bị CSVN đàn áp.
2. Vào sáng thứ Ba vừa qua, hơn 80 nông dân Dương Nội lại xuống đường
tuần hành để yêu cầu trả tự do cho 4 dân oan bị bắt giam và bị xét xử
bất công. Đây là cuộc biểu tình lần thứ 5 trong tháng này của các nông
dân Dương Nội để đấu tranh cho những bạn bè của mình bị bắt chỉ vì chống
đối lệnh cưỡng chế ruộng đất.
Hoàng Ân: Cám ơn anh PV Trường An đã chia sẻ các tin
tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt
và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment