TÌNH HÌNH HONGKONG CĂNG THẲNG
Trong ba ngày qua tình hình Hồng Kong trở nên căng thẳng sau khi hàng
trăm cảnh sát đã dùng dùi cui, bắn hơi cay tấn công và trong 3 ngày đã
bắt giữ 263 người không chịu rời khỏi khu vực biểu tình. Nhất là từ hôm
25-11-2014, sau khi Cảnh sát đã bắt giữ hai lãnh tụ sinh viên Joshua
Wong và Lester Shum đồng thời cũng câu lưu nghị viên Leung Kwok-hung. Cả
ba người nầy bị cáo buộc bất tuân lệnh giải tỏa của Tòa Án tối cao.
Joshua Wong đã được trả tự do sau khi đóng tiền thế chưng 65 Dollars
tượng trưng chờ ra tòa ngày 14-1-2015, với điều kiện cấm đến khu biểu
tình Mong Kok.
Luật sư của Joshua Wong tuyên bố với báo chí rằng cáo buộc của Cảnh
sát chỉ là một hành vi chính trị chống lại Phong trào biểu tình vì
Joshua là một thủ lãnh phong trào dân chủ và là người đã được báo TIMES
ấn bản quốc tế đăng trang bìa và bầu là nhân vật trẻ tuổi uy tín nhất
thế giới trong năm 2014.
Sau khi Cảnh sát đã giải tỏa được hai khu vực, những người biểu tình
đã chạy sang khu kế cạnh tiếp tục trấn giữ. Riêng khu vực biểu tình quan
trọng nhất trên đường Admiralty cạnh văn phòng đặc khu trưởng Hồng Kong
vẫn chưa bị giải tỏa. Những người biểu tình cho biết họ sẽ không đầu
hàng trước bạo lực và trong tương lai họ sẽ đến biểu tình tại những cơ
quan hành chánh Hồng Kong.
Trong khi đó, vào ngày 26-11-2014, nhà chức trách Hồng Kong cho biết
đã ra lệnh bắt giam 7 cảnh sát đã từng đánh đập và tấn công bề hội đồng
dã man một người biểu tình. Báo chí Hồng Kong đã loan tin vào sáng sớm
ngày 15-10-2014, cảnh sát đã hành hung ông Ken Tsang, một cán bộ xã hội
trong nhóm biểu tình và một đài truyền hình Hồng Kong đã quay phim chứng
cớ không tài nào chối cãi.
TRUNG CỘNG TẤN CÔNG CƯỚP BÓC HÀNG CHỤC TÀU CÁ QUẢNG NGÃI
Nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ngãi vào hôm qua báo cáo là có ít nhất 34
tàu cá của tỉnh này đã bị giặc Tàu tấn công đập phá và cướp bóc tài sản
trên Biển Đông. Ngoài ra còn có 7 tàu cá, với tổng cộng 72 ngư dân Việt,
đã bị bắt giam.
Điều đáng lưu ý là trong báo cáo, chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, Lê Viết
Chữ, chỉ dùng chữ "nước ngoài" chứ không dám nêu thẳng tên Trung Cộng.
Đồng thời ông Chữ chỉ đưa ra đề nghị giới lãnh đạo cao cấp hãy có biện
pháp can thiệp nhằm chấm dứt các tình trạng cướp bóc các tàu cá Việt.
Cần nói thêm là tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5 ngàn tàu đánh cá, với 38
ngàn ngư dân sinh sống bằng nghề này. Tuy nhiên đời sống của họ trong
những năm qua càng lúc càng thêm khó khăn vì không thể hành nghề tại các
ngư trường truyền thống là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với hàng
trăm chiến hạm Trung Cộng tuần tra và sẵn sàng rượt đuổi họ.
RẤT KHÓ THU HỒI TÀI SẢN CỦA CÁC QUAN CHỨC THAM NHŨNG
Một quan chức cao cấp của chế độ VN vào hôm qua thú nhận là rất khó
thu hồi tài sản tham nhũng mà một trong những nguyên nhân chính yếu là
vì thời gian xét xử các vụ án quá kéo dài nên dễ bị tẩu tán tài sản.
Phát biểu tại buổi hội thảo có chủ đề "Các giải pháp chống tham nhũng
và thu hồi tài sản tham nhũng", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết
là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở mức rất thấp, chỉ vào khoảng 22%,
tức chưa được một phần tư. Thế nhưng theo một thống kê thì trong năm
nay, VN có 415 vụ án tham nhũng, với tổng số tiền lên đến 6 ngàn tỷ đồng
nhưng chỉ thu hồi được 1500 tỷ đồng, tức có tỷ lệ 25%.
Giải thích lý do tại sao khó thu hồi, Tổng thanh tra Huỳnh Phong
Tranh nói rằng vì các vụ xét xử quá kéo dài nên các quan tham dễ tẩu tán
tài sản. Lý do thứ hai là việc giám định cũng lằng nhằng nên không rõ
giá trị, và lý do thứ ba là các biện pháp chế tài, tịch thu gia sản,
không đủ cứng rắn.
Cần nói thêm là buổi hội thảo nói trên qui tụ nhiều nhà tài trợ ngoại
quốc và các tổ chức phi chính phủ. Các tham dự viên này đã nêu lên một
số sáng kiến nhằm giúp VN bài trừ tham nhũng một cách hiệu quả hơn. Theo
đại sứ Anh Giles Lever thì chỉ khi nào VN có được một nền báo chí tự do
và một xã hội dân sự thì mới có thể đẩy lùi được quốc nạn tham nhũng.
GIỚI TIỂU THƯƠNG CHỢ TAM KỲ BIỂU TÌNH TRƯỚC TRỤ SỞ THÀNH PHỐ
Vào sáng hôm qua, hàng trăm tiểu thương chợ Tam Kỳ đã kéo đến trụ sở
nhà cầm quyền thành phố để bày tỏ sự phản đối tình trạng ế ẩm sau khi
khu chợ mới được xây dựng.
Theo lời kể của họ thì sau khi chuyển về chợ mới này, họ đã lâm vào
tình trạng ế ẩm suốt hai tháng qua. Lý do là thay vì chuyển toàn bộ một
ngàn tiểu thương ở chợ tạm An Sơn về đây thì ban quản lý chợ Tam Kỳ chỉ
cho chuyển khoảng một nửa, có nghĩa là vẫn tồn tại 2 khu chợ nên bị chia
khách.
Trước áp lực của hàng trăm tiểu thương, nhà cầm quyền Tam Kỳ hứa hẹn
sẽ cho chuyển toàn bộ các tiểu thương ở chợ An Sơn về khu chợ mới trước
ngày 5/12 tới đây.
QUÂN ĐỘI VIỆT NAM ĐƯỢC PHÉP CÓ 3 ĐẠI TƯỚNG
Quốc hội VN vừa thông qua một đạo luật cho phép quân đội VN có 3 đại
tướng, và bộ công an chỉ có một đại tướng. Ba đại tướng này sẽ nắm các
chức vụ bộ trưởng quốc phòng, tổng tham mưu trưởng và chủ nhiệm tổng
chục chính trị.
Về phía công an thì quốc hội bác bỏ đề nghị phong hàm đại tướng cho
chức vụ thứ trưởng thường trực bộ công an, có nghĩa là chỉ có chức vị bộ
trưởng công an mới có thể mang hàm đại tướng. Riêng hai thành phố lớn
là Sài Gòn và Hà Nội thì giám đốc công an sẽ có lon cao nhất là trung
tướng.
VIỆT NAM CẦN CẢI TỔ TOÀN DIỆN NGÀNH LÚA GẠO
Trong một cuộc hội thảo diễn ra vào hôm qua tại Hà Nội, các chuyên
gia thuộc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Thế giới (IRRI) kêu gọi VN phải thay
đổi phương thức sản xuất, chọn giống lúa, sản xuất thuốc trừ sâu và xây
dựng một thương hiệu riêng, mới có thể cải thiện được đời sống nông
thôn.
Theo Tiến sĩ Robert Zeigler, tổng giám đốc viện IRRI, mặc dù VN dư
thừa lúa gạo nên có mức xuất cảng cao nhưng lại thiếu phẩm chất nên giá
gạo vẫn còn thấp so với các nước khác, dẫn đến tình trạng nghèo đói của
nông dân. Theo ông Zeigler, khác với quan niệm cho rằng phải đô thị hóa
để nâng cao đời sống nông dân, việc cải thiện ngành lúa gạo có thể đạt
được mục đích này mà không cần phải đẩy nông dân ra thành phố.
Trong một buổi hội thảo khác cũng diễn ra vào hôm qua, bộ lao động
thương binh xã hội VN cho biết là vì năng xuất thấp nên giới công nhân
VN hiện có mức lương thấp nhất trong vùng Đông Nam Á. Theo tính toán thì
mức lương trung bình của công nhân VN là vào khoảng 181 Mỹ kim mỗi
tháng, chỉ cao hơn Lào là 119 Mỹ kim và Cam Bốt là 121 Mỹ kim. Ngay cả
Philippines cũng đạt mức 206 Mỹ kim, Thái Lan 357 Mỹ kim và Mã Lai là
609 Mỹ kim.
KHỐI OPEC SẼ CẮT GIẢM SẢN LƯỢNG VÌ GIÁ DẦU XUỐNG MỨC THẤP KỶ LỤC
Các nước thuộc khối OPEC đang nhóm họp để thảo luận về việc cắt giảm
sản lượng vì giá dầu thô đang sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ 4 năm
qua, hiện chỉ ở mức 69 Mỹ kim một thùng.
Cần biết là giá dầu đã sụt giảm đến 30% kể từ tháng 6 vừa qua, do nhu
cầu thế giới bị sụt giảm trong khi Hoa Kỳ lại gia tăng sản lượng khai
thác. Chính vì thế trong phiên họp này, ngoài việc ấn định sản lượng
chung, khối OPEC, đứng đầu là Saudi Arabia, cũng sẽ thảo luận các đối
phó với loại dầu diệp thạch của Hoa Kỳ, tức loại dầu được khai thác bằng
cách khoan xuyên qua các lớp đá phiến. Đây là một kỹ thuật khai thác
khá tốn kém và nếu giá dầu thô tiếp tục sụt giảm thì loại dầu diệp thạch
sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
No comments:
Post a Comment