Sunday, November 30, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 30.11.2014  
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian và Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Trong hai kỳ trước nói về Hội Nghị Thành Đô qua hồi ký của ông Trần Quang Cơ, chúng ta đã thấy rõ ba điều lớn: Một, Bộ Chính trị, đứng đầu là Nguyễn Văn Linh, của đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1990 vẫn coi Mỹ và các nước phương Tây là thù địch. Hai, bộ sậu lãnh đạo của Việt Nam có một hoang tưởng rằng phải dựa vào Trung Cộng để bảo vệ Xã hội chủ nghĩa. Và điều thứ ba, lãnh đạo cộng sản Việt Nam khi đó, đứng đầu là Nguyễn văn Linh, đã có một ứng xử vô cùng hèn nhược trước Trung Cộng bất chấp sự coi thường, khinh rẻ của giới lãnh đạo Trung Cộng.
Nhưng Nguyễn Văn Linh không phải là nhân vật duy nhất có thái độ khúm núm, hạ mình.
Ngày 5 tháng 6 năm 1990, Nguyễn Văn Linh, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam đã thân chinh gặp trực tiếp viên đại sứ Trung Cộng Trương Đức Duy để ngỏ lời nhận lỗi và mong được nối lại quan hệ với Trung Cộng. Ngày hôm sau, mồng 6 tháng 6, Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, lại mời Trương Đức Duy dùng cơm trưa và trò chuyện riêng với nhau, vì Trương là người nói thạo tiếng Việt.
Nội dung trao đổi riêng giữa Lê Đức Anh và Trương Đức Duy là gì đến nay vẫn còn trong vòng bí mật. Nhưng như chúng ta biết, sau này Lê Đức Anh đã trở thành Chủ tịch nước và theo Trần Quang Cơ nhận định lúc đó thì:
"Chính những động thái bất thường và vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao này của ta đã làm cho Trung Quốc hiểu rằng nội bộ Việt Nam đã có sự phân hoá và vai trò của Bộ Ngoại Giao không còn như trước... Chính thái độ quá đặc biệt, quá nhún mình và cũng quá sơ hở của lãnh đạo ta ngày 5 và 6 tháng 6 năm 1990 đã gây khó khăn không nhỏ cho ngoại giao ta trong đợt đàm phán này."
Thưa quí vị, quí bạn, đến đây chúng ta nên cùng nhau dừng lại một chút để đặt ra vài câu hỏi: Thứ nhất, ngoài Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh những người được nêu rõ có thái độ khuất phục, cúi đầu với Trung Cộng thì còn những nhân vật nào khác? Hay tất cả Bộ Chính trị đã đồng thuận với chính sách cúi đầu, nhưng ông Trần Quang Cơ chỉ biết rõ thái độ của hai người. Thứ hai, những người không đồng tình với chính sách đó, như ông Trần Quang Cơ, tại sao lúc đó không có một phản ứng gì trước một hành động làm thương tổn cho danh dự và lợi ích quốc gia đến thế?
Ông Trần Quang Cơ, lúc đó giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao, đã được lãnh trách nhiệm đứng đầu phía Việt Nam trong cuộc đàm phán ngoại giao tháng 6 năm 1990 ngay tại Hà Nội. Người đứng đầu bên đàm phán phía Trung Cộng là Từ Đôn Tín, có chức Trợ lý Ngoại trưởng. Nhưng ông Trần Quang Cơ cho biết thái độ của Từ Đôn Tín như sau:
"Ngay từ hôm đầu đến Hà Nội và trong suốt mấy ngày đàm phán, Từ Đôn Tín luôn giở giọng cao ngạo, dùng uy lực của chính lãnh đạo ta để gây sức ép với cán bộ ngoại giao ta. Ngay trong lời đáp từ tại buổi tiệc của tôi chiêu đãi đoàn Trung Quốc tối 9 tháng 6 năm 1990, Từ đã nói: 'Sau khi nghe đại sứ Trương Đức Duy báo cáo lại, tôi càng tăng thêm lòng tin tưởng, tôi tin rằng đồng chí thứ trưởng Trần Quang Cơ và các đồng chí ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nhất định sẽ tuân theo ý nguyện và tinh thần của các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, cụ thể hoá vào cuộc trao đổi với chúng tôi để chúng ta nhanh chóng giải quyết xong vấn đề'.
Vào phiên đàm phán đầu tiên, sáng 11 tháng 6 năm 1990, Từ đã tìm cách ghim lại những điểm có lợi cho Trung Quốc hoặc ít nhất cũng hợp với ý đồ của họ."
Như vậy, chúng ta đã rõ, tất cả đường lối trong quan hệ với Trung Cộng đã được giới lãnh đạo cao cấp nhất của đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1990 quyết định theo hướng tuân phục, cúi đầu hoàn toàn. Những cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai bên chỉ có tác dụng làm bình phong nhằm che mắt dư luận quốc nội, dư luận quốc tế và chỉ mang thêm sỉ nhục cho giới ngoại giao của Việt Nam.
Thưa quí vị, quí bạn, đến đây chúng ta cũng cần dừng lại để liên hệ với tình trạng hiện nay. Như chúng ta đã biết, cách đây vài tuần, dư luận lại phát hiện ra một địa thế chiến lược hiểm yếu cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam tại đèo Hải Vân đã được giao cho một doanh nghiệp của Trung Cộng khai thác với thời hạn lên đến 50 năm. Trước sự bức xúc và phản đối của dư luận, trong đó có cả tiếng nói từ ông Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, giới chức địa phương vừa phải tuyên bố sẽ cho chấm dứt dự án đó của Trung Cộng. Tuy nhiên chúng ta không biết được trên thực tế sự "chấm dứt" đó sẽ như thế nào, "chấm dứt" bằng lời nói thôi hay "chấm dứt" thực sự. Chưa kể tới việc dư luận còn phát hiện thấy ngay tại gần đèo Hải Vân đã có ít nhất một cơ sở của Trung Cộng hoạt động từ nhiều năm nay rồi.
Nhìn lại những gì xảy ra năm 1990 và tất cả những diễn biến tiếp sau đó đối với lãnh thổ và lợi ích của Việt Nam, chúng ta có thể kết luận rằng:
Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục đi theo con đường cũ, đó là: nhượng bộ, tuân phục, tiếp tay cho Trung Cộng thâm nhập, thôn tính Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau và với nhiều cách đối phó khác nhau khi bị nhân dân tố giác, phản đối.
Đó là một trong những bài học xương máu chúng ta cần rút ra từ hồi ký của ông Trần Quang Cơ.
Dian, Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị.
Tiến Văn
30/11/2014

No comments:

Post a Comment