Thứ Bảy, ngày 29.11.2014
Kính thưa quý thính giả,
Cuối đời Hậu Lê, nước Việt có ba
vương quyền cùng tồn tại. Ngoài vua Lê - Chúa Trịnh ở miền Bắc, Chúa
Nguyễn ở trong Nam, thì vùng Tây Bắc lại thuộc về nhà Mạc. Triều đình
nhà Mạc đã kéo dài khoảng 65 năm, trước khi bị Chúa Trịnh tiêu diệt.
Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý
thính giả bài "Thái tổ Mạc Đăng Dung", người sáng lập ra nhà Mạc, qua
giọng đọc của Tam Thanh.
Theo sử sách thì Mạc Đăng Dung xuất thân từ một gia đình ngư
dân nghèo ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là xã Ngũ Đoan,
Kiến Thụy, Hải Phòng). Mạc Đăng Dung là hậu duệ đời thứ 7 của
Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở Lũng Động, Hải Dương, đến đời Tổ
phụ là Mạc Đăng Bình lại từ Thanh Hà chuyển cư xuống Cổ Trai.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên khi vừa lớn lên, Đăng Dung
đã phải bỏ dở việc học hành để giúp gia đình sinh sống bằng nghề
đánh cá và chèo đò. Nhưng với sức khỏe và chí lớn hơn người
đã giúp Ông làm nên nghiệp đế vương. Từ một chàng trai nổi
tiếng khắp vùng về môn đánh vật, Ông đã thi đỗ Đệ nhất Đô lực
sĩ (Trạng nguyên võ) dưới triều vua Lê Uy Mục và được sung vào
đội Túc vệ quân, được đặc cách thăng bổ Đô chỉ huy sứ Vệ
Thiên Vũ.
Năm Hồng Thuận thứ 3 (1511), ông được tấn phong tước Vũ Xuyên
Bá và Ông được cử làm Trấn thủ Sơn Nam và gia phong chức Phó
tướng Tả đô đốc. Sau đó được thăng chức Vũ Xuyên Hầu và chuyển
ra trấn thủ Hải Dương. Và rồi được triều đình Hậu Lê phong tước Minh
Quận Công. Đầu năm 1520, Ông nắm chức Tiết chế Thủy lục quân 13
đạo (tức Tổng tư lệnh quân đội).
Năm 1521, ông được thăng Thái phó, tước Nhân Quốc Công. Sang
thời vua Lê Cung Hoàng, nhờ công dẹp loạn nên Ông được thăng tước
Bình chương quân Quốc trọng sự Thái phó Nhân Quốc công.
Đầu năm Thống Nguyên thứ 6 (1527), trong một hành động ân sủng
đăc biệt, vua Cung Hoàng đã thăng cho Mạc Đăng Dung tước Thái sư
An Hưng Vương. Ngày 15 tháng 6 năm 1527, Ông truất phế vua Lê Cung
Hoàng, lên ngôi và lập ra nhà Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức.
Thái tổ Mạc Đăng Dung biết cách chiêu hiền đãi sĩ, tập hợp xung
quanh mình nhiều người tài trí, lại có được sự đồng thuận của
thần dân nên chỉ vài năm sau, nhà Mạc dần dần từng bước đưa
đất nước vào thế ổn định vững vàng.
Tháng 3 năm Minh Đức thứ 3 (1529), nhà Mạc non trẻ đã mở khoa
thi Hội đầu tiên và lấy 27 tiến sĩ. Kể từ đó, cứ cách 3 năm mở
một khoa, nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi, tổng cộng có 499
người đỗ tiến sĩ, với 13 Trạng nguyên. Số lượng khoa cử và số
nhân tài trúng cử này tương đương với thời Lê Thánh Tông.
Sau 3 năm lên ngôi, nhận thấy guồng máy triều chính đã vận hành
nhịp nhàng, đúng theo sở nguyện nên Mạc Đăng Dung quyết định
truyền ngôi cho con trưởng là Mạc Đăng Doanh, tức Mạc Thái Tôn, rồi
lui về Cổ Trai. Trong cương vị Thái thượng hoàng, suốt mười năm
sau đó, Mạc Đăng Dung đã cố vấn cho con trai điều hành triều
đình, đưa đất nước trở về thời thịnh trị với những thành tựu
phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, tư tưởng, văn
hóa...
Năm 1540, Mạc Đang Doanh qua đời, Ông lập cháu nội là Mạc Phúc Hải
lên ngôi, tức vua Mạc Hiến Tôn. Một năm sau thì Mạc Đăng Dung qua đời,
thọ 59 tuổi. Trước khi mất Ông để lại di chúc căn dặn triều đình không
làm đàn chay và dặn dò Mạc Phúc Hải phải giữ gìn xã tắc.
* * *
Mạc Đăng Dung là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất
trong lịch sử nước Việt, vì hai hành động tiêu biểu là soán ngôi nhà Lê
và tự trói mình tại Ải Nam Quan để tỏ ý đầu hàng triều đình nhà Minh.
Thế nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, triều đại Hậu Lê vào những
năm cuối cùng đã vô cùng thối nát, giặc dã nổi lên khắp nơi khiến trăm
họ điêu linh. May mắn là trong giờ phút đen tối đó, đất nước đã có được
một Mạc Đăng Dung để cứu vớt giống nòi ra khỏi tai họa nội xâm lẫn ngoại
xâm. Một điểm đáng khâm phục nữa là không giống như Trần Thủ Độ khi
soán ngôi nhà Lý, Mạc Thái Tổ đã không mở cuộc tàn sát, đuổi tận giết
tuyệt con cháu và giới quan lại trung thành với nhà Lê. Ngài cũng không
đập phá lăng miếu của các vua Lê, trái lại còn ra lệnh tu bổ các lăng
tẩm ở Thanh Hóa.
Chính tấm lòng bao dung ấy của Mạc Thái Tổ đã khiến cho Ngài thu phục
được nhân tâm, được nhiều người tài đức ra sức cống hiến cho nhà Mạc.
Cho dù sau này nhà Lê đã trung hưng, nhà Mạc bị diệt vong nhưng nhiều
lớp sĩ phu vẫn tưởng nhớ đến vị vua có tấm lòng yêu dân thương nước là
Mạc Đăng Dung.
Điều đáng nói là không chỉ có các lớp sĩ phu mấy trăm trước tưởng nhớ
đến vị vua xuất thân bần hàn đó mà các thế hệ hiện nay cũng đang hy
vọng có được một Mạc Đăng Dung xuất thế để giải cứu dân tộc VN ra khỏi
vũng lầy suy thoái hiện nay.
Lý do là vì, tương tự như thời Lê mạt vào đầu thế kỷ 16, thực trạng
VN cũng lâm vào vòng thối nát dưới sự thống trị của đảng cộng sản Việt
Nam. Mặc dù chưa có cảnh giặc dã nổi lên khắp nơi, nhưng giặc tham nhũng
đang hằng ngày phá nát xã hội và hủy diệt đạo đức của dân tộc. Thê thảm
hơn nữa là lũ giặc phương Bắc đang từng bước lấn chiếm nước Việt, với
sự đồng ý của tập đoàn lãnh đạo Việt Nam.
Trừ phi chấp nhận làm nô lệ cho Trung Cộng, nếu không thì dân tộc VN
không có lựa chọn nào khác hơn là noi gương dũng cảm của tiền nhân Mạc
Đăng Dung, cùng nhau đứng lên giải thể chế độ cộng sản, quang phục quê
hương và đuổi kịp đà tiến hóa của nhân loại.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment