Thứ Bảy, ngày 15.11.2014
Kính thưa quý thính giả,
Khi nhắc đến phong trào "Cần Vương"
của vua Hàm Nghi, trong đó có cuộc khởi nghĩa "Ba Đình", chúng ta không
thể không nhắc đến một vị lãnh tụ chống Pháp vào cuối thế kỷ 19 được
người Việt tôn vinh là một anh hùng dân tộc. Trong tiết mục "Danh nhân
nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Thủ lãnh
Đinh Công Tráng" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt
chương trình tối nay.
Đinh Công Tráng sinh năm Nhâm Dần (1842) tại làng Tràng Xá, huyện
Thanh Liêm (nay là xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông là
một cựu chánh tổng tại Tràng Xá. Khi quân Pháp tiến hành công cuộc xâm
chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 vào năm 1882, Đinh Công Tráng đã tham gia chiến
đấu trong đoàn quân của Hoàng Tá Viêm và phối hợp với quân Cờ Đen của
Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp. Ông đánh bại tên Rivière, chỉ huy của Pháp tại
trận Cầu Giấy ngày 19-5-1883.
Tháng 7 năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, đại thần Tôn Thất
Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân Sở (Quảng Trị), phát dụ Cần
Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến. Tháng 2 năm 1886, Đinh Công Tráng
cùng với Trần Xuân Soạn và một số thân hào yêu nước như Phạm Bành,
Nguyễn Khế, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Hoàng Bật Đạt, Lê Toại... chọn
vùng đất thuộc 3 làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê thiết lập chiến khu.
Vì đứng từ đình làng này có thể nhìn thấy ngôi đình của 2 làng kia, nên
gọi là căn cứ Ba Đình.
Vào mùa mưa, căn cứ này trông như một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước
mênh mông, tách biệt với các làng khác. Bao bọc xung quanh căn cứ Ba
Đình là lũy tre dầy đặc và một hệ thống hào rộng, nên quân Pháp khó phát
giác những hoạt động của nghĩa quân bên trong căn cứ. Ngoài ra, căn cứ
còn xây một tường thành bằng đất cao 3 thước, rộng từ 8 đến 10 thước,
trên đầu thành có thể đi lại được.
Từ căn cứ này, nghĩa quân có thể tỏa đi các nơi, kiểm soát các tuyến
giao thông quan trọng trong vùng, tổ chức phục kích các đoàn xe tiếp tế
của quân Pháp trên con đường Nam Bắc. Vì vậy nên quân Pháp quyết tâm
đánh dẹp lực lượng Đinh Công Tráng.
Cuối năm 1886, quân Pháp tập trung lực lượng với 500 lính, có đại bác
yểm trợ, chia làm 2 mũi dùi tấn công chiến lũy Ba Đình nhưng bị nghĩa
quân đẩy lui. Sau trận này, quân Pháp chuyển sang chiến thuật bao vây.
Tháng 1 năm 1887, Pháp cử Đại tá Brissaud sang Việt Nam trực tiếp chỉ
huy đánh phá chiến khu Ba Đình. Ngày 6/1/1887, Brissaud huy động 2500
quân lính chia làm 3 cánh quân cùng với pháo binh yểm trợ đánh vào căn
cứ. Đinh Công Tráng cùng với nghĩa quân chiến đấu rất quyết liệt, nên
các mũi tấn công đợt đầu của quân Pháp bị chận đứng.
Nhưng trước vũ khí tối tân và số lượng binh lính của quân Pháp, nghĩa
quân bị bao vây và cô lập. Đinh Công Tráng cùng các thủ lãnh khác phá
vây và rút lui về căn cứ Mã Cao vào đêm 20/1/1887.
Không thể để chiến lũy Ba Đình gây cản trở việc thôn tính Việt Nam,
Bộ tư lệnh quân viễn chinh Pháp quyết định tăng cường đại bác, chiến hạm
và bộ binh, quân số lên đến hơn 3500 người và giao cho Brissaud chỉ
huy, quyết tâm công phá Ba Đình.
Lần này, Brissaud cho quân phun xăng dầu đốt cháy các lũy tre làng và
cho pháo binh nã trọng pháo suốt ngày đêm, biến chiến lũy Ba Đình thành
một biển lửa. Rạng sáng ngày 21/1/1887, chiến khu Ba Đình thất thủ,
quân khởi nghĩa rút lên miền tây Thanh Hóa, sáp nhập với quân của Cầm Bá
Thước. Một số khác theo Đinh Công Tráng rút về Nghệ An.
Về Nghệ An, Đinh Công Tráng định gây lại phong trào kháng chiến,
nhưng đến ngày 5/10/1887 thì ông hy sinh trong một trận chiến tại làng
Trung Yên, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
* * *
Một vị tướng Pháp tên là Mason nhận định về Đinh Công Tráng như sau:
"Ông là người có trật tự, trọng kỷ luật, cương trực, thường nghiêm trị
những thủ hạ quấy nhiễu dân, có chí nhẫn nại, biết mình, biết người,
không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế".
Lịch sử Việt ghi nhận hàng loạt cuộc khởi nghĩa kể từ khi quân Pháp
nổ súng xâm chiếm nước Việt, đặc biệt là sau khi vua Hàm Nghi phát hịch
Cần Vương, kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thủ lãnh Đinh Công Tráng và
chiến khu Ba Đình là một trong những cuộc khởi nghĩa trên toàn quốc, đã
gây nhiều tổn thất cho quân Pháp.
Dĩ nhiên là cuộc khởi nghĩa, mặc dù anh dũng, nhưng vẫn thất bại
trước vũ khí tối tân của quân Pháp. Thế nhưng nghĩa quân Đinh Công Tráng
đã góp phần giữ vững ngọn lửa đấu tranh của dân tộc trong giai đoạn bị
quân Pháp đô hộ. Nếu không có sự hy sinh của hàng trăm hay hàng ngàn
nghĩa quân Cần Vương, trong đó có nghĩa quân Đinh Công Tráng, thì sẽ
không có ngọn lửa yêu nước sau này trong Mặt trận Việt Minh hay Mặt trận
Liên Việt trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954.
Nhưng đáng khâm phục hơn nữa là nghĩa quân Ba Đình đã hoàn toàn dựa
vào sức dân, vào lòng yêu nước, chứ không cần phải vay mượn một chủ
thuyết hay viện trợ vũ khí từ nước ngoài, mà các tiết lộ mới nhất cho
thấy là đảng cộng sản VN đã chiếm được chính quyền là nhờ sự yểm trợ của
Mao Trạch Đông, từ súng đạn cho đến nhân lực.
Chính vì thế, dù đảng CSVN đã cố gắng bôi xóa lịch sử suốt 70 năm
qua, nhưng sự thật vẫn cho thấy rằng, các thế hệ sinh ra trong giai đoạn
thực dân Pháp đô hộ VN, đã không tiếc máu xương để đứng lên cứu nguy
dân tộc.
Những người như Đinh Công Tráng đã đổ mổ hôi, nước mắt và máu xương
của mình trong mục tiêu giành lại nền độc lập cho nước nhà. Họ xứng đáng
để được thế hệ con cháu vinh danh và nghiêng mình cảm phục vì sự hy
sinh to lớn đó.
Nhưng điều đau đớn nhất là thế hệ Đinh Công Tráng có lẽ không bao giờ
ngờ được rằng, thế hệ con cháu của họ đã đánh bại thực dân Pháp, nhưng
lại dâng hiến mảnh giang sơn nước Việt cho kẻ thù phương Bắc dưới chiêu
bài "16 chữ vàng và 4 tốt"!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment