Chủ Nhật 23.11.2014
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi
chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với
các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng
máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do
Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian và Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Hôm nay chúng ta tiếp tục với tập hồi ký "Hồi ức và Suy nghĩ" của ông cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ.
Tháng 11 năm 1989 Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư, đã chủ động gửi tin
nhắn hai lần tới Đặng Tiểu Bình để được nối lại quan hệ nhưng phía Trung
Cộng im lặng không thèm trả lời.
Tuy thế, đa phần Bộ chính trị của Việt Nam, theo ông Trần Quang Cơ,
lại vẫn có tinh thần bài Mỹ, chống phương Tây và đặt hết tin tưởng vào
Trung Cộng. Ông Trần Quang Cơ Viết:
"Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đồng Sĩ
Nguyên còn nhấn vào âm mưu của đế quốc Mỹ sau cuộc khủng hoảng chính trị
ở Đông Âu. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có ý kiến: "Việt Nam và Trung
Quốc là hai nước Xã hội chủ nghĩa cùng chống âm mưu đế quốc xoá bỏ Xã
hội chủ nghĩa, phải cùng chống đế quốc. Trước hết phải phát triển quan
hệ giữa 2 nước. Các vấn đề khác giải quyết sau..."
Sự mê muội đến mức như thế đã làm cho những nhân vật lãnh đạo cộng
sản Việt Nam không nhận thấy một sự thật rằng chính Trung Cộng đã lập
quan hệ ngoại giao với Mỹ và đang cố mở rộng quan hệ với phương Tây. Ông
Trần Quang Cơ đưa ra một nhận xét:
"Lúc đó tôi có cảm giác nhiều uỷ viên Bộ chính trị...đã có định hướng 'cùng Trung Quốc bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc'."
Như vậy, bất chấp thực tế, bất chấp những ý kiến của giới giới trí
thức cấp tiến Việt Nam, những người lãnh đạo cao nhất của cộng sản Việt
Nam lúc đó lại quyết tâm đi theo Trung Cộng bằng mọi giá. Theo xu hướng
đó, giới lãnh đạo Việt Nam tiếp tục cử người đi ngoại giao làm lành, cầu
xin giới lãnh đạo Trung Cộng.
Ông Trần Quang Cơ kể:
"Ngày 16 tháng 4 năm 1990, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị theo
hướng sớm làm lành với Bắc Kinh, anh Nguyễn Cơ Thạch đi Ph-nom-Pênh gặp
4 người chủ chốt trong Bộ chính trị Campuchia... Ngày 2 tháng 5 năm
1990 dưới danh nghĩa "đi kiểm tra sứ quán", anh Đinh Nho Liêm đến Bắc
Kinh để có cuộc "trao đổi ý kiến không chính thức" với Trung Quốc. Lần
này đối tác không phải thứ trưởng Lưu Thuật Khanh mà là trợ lý bộ trưởng
Từ Đôn Tín."
Chúng ta thấy, ông Đinh Nho Liêm, thứ trưởng Ngoại giao cộng sản sang
tận Bắc Kinh nhưng cũng không được gặp người đồng cấp mà chỉ được gặp
cấp thấp hơn. Không những thế, tay trợ lý Từ Đôn Tín còn có thái độ đặc
biệt với đoàn của ông Đinh Nho Liêm. Ông Trần Quang Cơ viết:
"Lần này phía Trung Quốc đi vào những vấn đề thuần tuý nội bộ của
Campuchia,... Từ Đôn Tín nói có ý đe dọa là nếu cứ khẳng định Khmer Đỏ
phạm tội thì phía bên kia sẽ nói Việt Nam là xâm lược và PhnomPenh là
nguỵ quyền, cho nên, không nên nói đến vấn đề đó nữa."
Như vậy, phía Trung Cộng đã tỏ thái độ bề trên, coi thường rất rõ ràng đối với mọi cấp của lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Nhưng không hiểu tại sao giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam lúc đó vẫn tiếp tục chui tiếp vào sự sỉ nhục của Trung Cộng.
Viên trợ lý ngoại trưởng Trung Cộng Từ Đôn Tín có kế hoạch đầu tháng
06 năm 1990 sẽ sang Hà Nội để trao đổi với lãnh đạo Hà Nội. Nhưng Từ rất
khôn ngoan bằng cách Từ sang Hà Nội với tư cách chỉ là khách mời của Sứ
quán Trung Cộng tại Hà Nội. Thế nhưng, ông Trần Quang Cơ kể:
"Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua phía Trung Quốc nhận sang Hà
Nội đàm phán với ta, trong khi tuyệt đại đa số các đợt đàm phán Việt –
Trung đều tiến hành ở Bắc Kinh. Đồng thời thái độ này đã được lãnh đạo
ta hiểu như một cử chỉ thiện chí đặc biệt của Trung Quốc đối với Việt
Nam."
Không chỉ tỏ ra hí hửng, đích thân người đứng đầu đảng cộng sản Việt
Nam là Nguyễn Văn Linh còn có kế hoạch gặp trực tiếp Từ Đôn Tín. Ông
Trần Quang Cơ viết:
"Sáng 30 tháng 5 năm 1990, Bộ chính trị họp bàn về đàm phán với Trung
Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh...nói ra dự định sẽ gặp đại sứ Trung
Quốc và Từ Đôn Tín khi Từ đến Hà Nội."
Thưa quí vị, quí bạn, một bất ngờ thú vị có thể ngược với suy nghĩ
của nhiều người trong chúng ta, đã có nhiều người tỏ ý bất đồng nhẹ
nhàng với Nguyễn Văn Linh.
"Cố vấn Phạm Văn Đồng và một số trong Bộ chính trị tỏ ý phải thận
trọng trong xử sự với Trung Quốc. Anh Tô nói: Mấy nghìn năm Trung Quốc
vẫn là Trung Quốc, không nên cả tin. Ta cần thăm dò thúc đẩy nhưng phải
cảnh giác, đừng để hớ. Đỗ Mười cũng khuyên anh Linh không nên gặp đại sứ
Trung Quốc và Từ Đôn Tín trước cuộc đàm phán."
Nhưng có một nhân vật hết sức ủng hộ Nguyễn Văn Linh. Ông Trần Quang Cơ kể tiếp:
"Lê Đức Anh lại tỏ ra đồng tình với dự định của anh Linh, cho rằng
phải thăm dò và phân tích chiến lược của Trung Quốc, xử lý mối quan hệ
của 3 nước lớn và 5 nước thường trực Hội đồng bảo an, tranh thủ thế giới
thứ ba, ủng hộ các nước xã hội chủ nghĩa... Cuối cùng Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh kết luận lại là anh sẽ chỉ gặp đại sứ Trung Quốc, còn
không gặp Từ Đôn Tín."
Vài ngày sau Nguyễn Văn Linh mời đại sứ Trung Cộng tới tận Nhà khách Trung ương để thú nhận như thế này:
"Trong quan hệ hai nước, 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã
sửa..., có cái sai đang sửa... Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo
cấp cao Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ
kêu một tiếng là tôi đi ngay.."
Nhưng không chỉ Nguyễn Văn Linh có hành động làm sỉ nhục quốc thể. Tuần sau chúng ta sẽ biết về những con người đó.
Dian, Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị.
Tiến Văn
23/11/2014
No comments:
Post a Comment