Thứ Tư, ngày 05.11.2014
Nguyên nhân nào dẫn đến tham nhũng
tại Việt Nam? Phải chăng đồng lương không đủ sống hay vì một lý do khác?
Nguyên Hồng sẽ trình bày trong chuyên mục Con Người Việt Nam. Mời quý
thính giả cùng theo dõi sau đây
Xã hội Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề cấp bách mà trong đó
gồm có giáo dục, y tế, môi sinh và những tệ nạn xã hội đang xảy ra càng
ngày càng lớn mạnh và làm ảnh hưởng đến sự sống còn của một dân tộc. Nếu
không cải tổ thực sự, không thực thi tự do dân chủ thì những vấn nạn
này sẽ tiếp tục phát triển -- dù rằng nhà cầm quyền Việt Nam, trên lý
thuyết rất mong muốn được giải quyết những vấn nạn mà đất nước đang trực
diện -- nhưng trên thực tế thì sẽ không làm được gì ngoài những lý
thuyết suông, những chỉ tiêu không bao giờđạt đến, hoặc đưa ra những kế
hoạch thật to, tốn nhiều chi phí nhưng kết quả thật nhỏ, bởi do cái hệ
thống độc tài -- độc đảng là cản trở thật lớn để thực thi những cải tổ
cần thiết.
Khi nói đến tệ nạn xã hội thì không thể nào không nói đến vấn nạn
tham nhũng, hối lộ đang xảy ra càng ngày càng lớn mặc dù nhà cầm quyền
Việt Nam luôn luôn có những cố gắng rất là nhỏ trong việc bài trừ tham
nhũng, hối lộ. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến tham
nhũng -- hối lộ.
Tham nhũng thực sự có ở khắp nơi, từ những nước độc tài nghèo khổ,
đến những nước tự do dân chủ giàu có. Mức độ có khác nhau nhưng tựu
chung tham nhũng là một trong những vấn nạn mà các quốc gia phải đương
đầu để giải quyết. Ở các nước nghèo đói thì tham nhũng trở thành quốc
nạn. Trong khi ở các quốc gia giàu có thì tham nhũng là những điều hiếm
khi xảy ra nhưng không có nghĩa là không có tham nhũng.
Ở các nước Á Châu thì tham nhũng trở thành một chuyện bình thường.
Riêng tại Việt Nam thì tham nhũng là một hệ thống từ trên xuống dưới và
được sự bao che của đảng cộng sản Việt Nam. Sự bao che này được thể hiện
qua báo chí. Bởi khi nào không có tự do báo chí thì những vụ tham nhũng
lớn ở cấp trung ương sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Dĩ nhiên sẽ
có người nói-- báo chí Việt Nam cũng phanh phui những vụ tham nhũng lớn
cấp trung ương. Điều này đúng. Nhưng nếu có một ngàn vụ tham nhũng mà
chỉ có một vài vụ được đưa ra ánh sáng thì quả thực đảng bao che cho tất
cả những vụ tham nhũng đi theo hệ thống của đảng.Những vụ tham nhũng
được đưa ra ánh sáng là những vụ tham nhũng đi ra ngoài hệ thống của
đảng -- nghĩa là ăn chia không đều, và ăn xong lại không chùi sạch
miệng, để cuối cùng đảng bắt buộc đưa ra ánh sáng làm con vật thiêu thân
nhằm che lấp những vụ tham nhũng to hơn nhưng chưa ai biết đến -- bởi
biết ăn đồng chia đủ.
Ngay cả những vụ đưa ra ánh sáng, chẳng hạn như vụ tham nhũng trong
Bộ Giao Thông Vận Tải mà người ta gọi tắc là vụ án PMU 18, nhà báo
Nguyễn Việt Chiến thực hiện đúng nhiệm vụ báo chí để đưa ra ánh sáng
những bí ẩn của vụ này. Kết quả anh nhà báo này bị 2 năm tù với cái tội
vớ vẫn chỉ có ở Việt Nam là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân và
tội cố ý làm lộ bí mật công tác". Thì ra nhà báo nào đưa ra những vụ
tham nhũng -- mà nếu những vụ này đụng chạm đến cơ chế đảng -- thì là vi
phạm lợi ích của nhà nước, tiết lộ bí mật quốc gia, dù rằng bí mật đó
là chuyện ăn cắp tài sản của quốc gia, và cá nhân này sẽ đi tù mà nhà
báo Nguyễn Việt Chiến là thí dụ điển hình. Còn các cá nhân trong bộ máy
cầm quyền đang lấy tài sản của nhân dân bỏ túi thì không hề vi phạm lợi
ích của nhân dân, quốc gia và những loại người này đang sống trên khắp
nẽo đường của đất nước.
Có hai nguyên nhân chính đưa đến tham nhũng: đồng lương không được
trả tương xứng với nhu cầu sinh hoạt cho đời sống hằng ngày và hệ thống
chính trị.
Khi mà đồng lương trả không tương xứng với vật giá ở thị trường thì
vì nhu cầu cho cuộc sống của bản thân và gia đình, các cá nhân nằm trong
vị trí cầm quyền sẽ tìm đủ mọi cách để tạo ra đồng tiền nuôi sống gia
đình. Tham nhũng, hối lộ là một trong những cách làm tiền nếu không bị
tố tụng của nhà cầm quyền lẫn người dân. Đối với người dân, để tránh sự
làm khó dễ của giới cầm quyền -- người dân sẵn sàng hợp tác với những cá
nhân trong cơ cấu cầm quyền để tạo ra tình trạng tham nhũng, hối lộ để
hai bên đều có lợi.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tham nhũng là hệ thống chính trị. Một hệ
thống chính trị không có sự kiểm soát của các cơ quan ngoài chính quyền,
một hệ thống chính trị độc tài toàn trị thì sẽ dễ tạo ra tình trạng
tham nhũng cho dù nguyên nhân thứ nhất được giải quyết. Nói một cách dễ
hiểu thì cho dù đồng lương của những người làm việc trong bộ máy nhà
nước được trả tương xứng với thị trường cũng như vật giá sống, nhưng một
chính quyền độc tài như Việt Nam thì cũng sẽ dẫn đến tham nhũng bởi
lòng tham của con người.
Bản tính của con người là luôn luôn có thêm và không biết thế nào gọi
là đủ. Và khi mà một hệ thống cầm quyền không có sự kiểm soát thì con
người sẽ lợi dụng vị thế trong cầm quyền để tạo ra thêm của cải cho
chính bản thân qua hành động tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc. Ngay cả ở
một nước dân chủ như ở Hoa Kỳ, hệ thống chính quyền có sự kiểm soát chặt
chẽ đối với những người nằm trong bộ máy nhà nước, thỉnh thoảng giới
báo chí đưa ra những vụ tham nhũng, hối lộ-- tuy rằng ở một mức độ rất
là nhẹ mà chính cá nhân tham nhũng đó không nghĩ rằng mình đã vị phạm
luật hối lộ. Điều đó chứng minh rằng con người luôn luôn lợi dụng vị thế
trong cơ chế nhà nước để đem lợi cho chính bản thân dù vô tình hay cố
ý.
Nguyên Hồng
No comments:
Post a Comment