Thứ Bảy ngày 08.06.2013
"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc".
Trần Bình Trọng sinh năm Kỷ Mùi (1259), quê ở xã Bảo Thái, huyện Thọ
Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nguyên là dòng dõi vua Lê Đại Hành, nhưng vì ông
nội có công với triều vua Trần Thái Tông, nên được phong quốc tích, mang
họ vua.
Bình Trọng có gương mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, từ nhỏ đã
theo võ nghiệp, sức mạnh siêu quần, không ai địch nổi. Năm mười bốn tuổi
theo cha đi săn, đánh chết hổ ở núi Tản Viên. Ngài lại giỏi cả binh thư
và kinh sử, gia đình mấy đời làm đại tướng. Đến thời Bình Trọng thì
nước nhà bị giặc Nguyên xâm chiếm.
Vợ ngài là công chúa Thụy Bảo. Con gái của ngài về sau là Chiêu Hiến
Hoàng thái hậu, là mẹ của Trần Minh Tông, vua thứ 5 triều Trần.
Về sau, đức Trần Bình Trọng được xem là danh tướng thời Trần, có công
bảo vệ cho vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông trong cuộc kháng chiến
chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai. Ngài hy sinh thân mình khi ngăn
chận quân Nguyên ở bãi Thiên Mạc, được truy phong làm Bảo Nghĩa Vương.
Tháng 1 năm 1285, Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt cầm 50 vạn
quân, chia làm hai cánh tiến sang xâm lược Đại Việt. Quân Nguyên là đạo
quân thiện chiến, nhanh chóng chiếm ưu thế trước quân Đại Việt quá ít và
không quen chiến trận.
Sau khi thất bại trong vài trận đánh mở đầu, Quốc công Tiết chế Hưng
Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp và sau đó
lui về Thăng Long, nhưng cũng không thể giữ thành trước sức tấn công ồ
ạt của quân giặc.
Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường.
Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương giao nhiệm vụ giữ vùng Đà Mạc -
Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên để cho bộ chỉ huy rút lui
an toàn.
Thoát Hoan xua quân truy đuổi bằng hai đạo quân gồm cả thủy binh lẫn
kỵ binh và đều giao cho những tướng giỏi chỉ huy. Khoan Triệt làm hữu
tướng và Lý Hằng cùng Ô Mã Nhi làm tả tướng, tất cả đều dùng quân khinh
kỵ và thuyền nhẹ để truy bắt vua Trần.
Trần Bình Trọng đã chỉ huy quân sĩ đánh chận quân Nguyên ngay tại bãi
Thiên Mạc. Do sự chênh lệch quá lớn về quân số nên ngài bị bắt. Nhưng
trận đánh này là một thắng lợi quan trọng về mặt chiến lược của cuộc
kháng chiến. Kể từ đó, quân Nguyên hoàn toàn mất dấu bộ chỉ huy của quân
Đại Việt.
Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, các tướng Nguyên tìm mọi cách để
khai thác tin tức, dọa nạt và dụ dỗ ngài quy hàng, nhưng ngài kiên quyết
không khuất phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất Bắc hay không,
Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời:
"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc".
Đó là một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử chống
ngoại xâm của dân tộc Việt và câu nói này đã trở thành biểu tượng cho
tinh thần yêu nước về sau.
Không thể khuất phục được Trần Bình Trọng, quân Nguyên giết ngài vào ngày 21 tháng Giêng, năm Ất Dậu. Năm đó, ngài được 26 tuổi.
Đức Trần Bình Trọng được các sử gia đời sau vinh danh là anh hùng của
dân tộc Việt vì lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm. Câu nói của
ngài trở thành một gương sáng điển hình giúp cho các cuộc kháng chiến
chống giặc phương Bắc thành công sau này.
Hiện nay tại Sài Gòn và Hà Nội đều có nhiều con đường và trường học mang tên Trần Bình Trọng.
Có bài thơ nổi tiếng viết về Trần Bình Trọng của Trần Phan Kế Bính. Nội dung bài thơ như sau:
Giỏi thay Trần Bình Trọng,
Dòng dõi Lê Đại Hành.
Đánh giặc dư tài mạnh,
Thờ vua một tiết trung.
Bắc vương sống mà nhục,
Nam quỷ thác cũng vinh.
Cứng cỏi lòng trung nghĩa,
Ngàn thu tỏ đại danh".
Tên tuổi đức Trần Bình Trọng sống mãi trong lòng dân tộc vì ngài đã
hiên ngang và khẳng khái trước bè lũ ngoại xâm. Tinh thần này đã được
con dân nước Việt noi theo trước những cơn nguy biến của "sơn hà xả tắc"
như anh hùng Nguyễn Trung Trực, Phạm Hồng Thái, Ngụy Văn Thà... gần đây
trong cuộc đấu tranh chống bạo quyền Cộng sản Việt Nam có linh mục
Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhạc sĩ Việt Khang, Trần Huỳnh Duy
Thức... và gần đây nhất là Đinh Nguyên Kha. Những việc làm cho đất nước
của những anh hùng này sẽ được ghi vào trang sử Việt và tên tuổi sẽ sống
mãi trong lòng dân tộc giống như đức Trần Bình Trọng thuở nào.
Trong khi đó, bạo quyền Cộng sản Việt Nam đã chối bỏ tinh thần này và
đã "hèn với giặc, tàn ác với dân". Hèn vì đã dâng biển đảo cho Tàu Cộng
và tàn ác với dân vì đã nhẫn tâm đàn áp đẩm máu những người Việt yêu
nước biểu tình bày tỏ lập trường chống ngoại xâm.
Không lâu, một ngày gần đây chế độ Cộng sản cũng sẽ sụp đổ trước khí
thế đấu tranh của toàn dân. Và sau đó, toàn dân Việt sẽ đòi lại đất đai,
biển đảo đã bị tập đoàn Cộng sản dâng hiến cho Tàu Cộng./.
No comments:
Post a Comment