Thứ Sáu, ngày 28.06.2013
Miến Điện nguyên thủy là một trong
những quốc gia có mức độ phát triển kinh tế cao nhất Á Châu, cho đến khi
phe quân phiết của tướng Newin cướp chính quyền và áp đặc xã hội chủ
nghĩa theo mô hình Trung Quốc trên quốc gia này năm 1962. Từ đó, kinh tế
và xã hội tụt hậu tang thương. Tuy nhiên từ năm 2011, các tướng lãnh
Miến Điện đã thức tỉnh vì tương lai dân tộc, dứt khoát với Thực Dân
Trung Quốc và khởi đầu một kỷ nguyên tươi sáng hơn cho dân tộc họ. Mời
quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Miến
Ðiện đổi luật chơi với Trung Quốc " sẽ được Thanh Bình trình bày để kết
thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tháng Chín năm 2011, Tổng Thống Miến Ðiện Thein Sein tuyên bố đình
chỉ hợp đồng xây dựng đập nước Myitsone. Bang giao giữa Miến Ðiện và
Trung Quốc thay đổi hoàn toàn. Vì ông Thein Sein không hỏi ý kiến, cũng
không báo trước cho chính phủ Trung Quốc về quyết định của mình, tuy nói
chỉ tạm ngưng nhưng ai cũng hiểu là sẽ chấm dứt công trình đầu tư hơn 3
tỷ 600 ngàn Mỹ kim này.
Chính phủ Miến Ðiện đã ký hợp đồng với Tập đoàn Ðầu tư Ðiện lực Trung
Quốc CPI để xây khu đập nước này từ năm 2006. Gần 500 gia đình, thuộc
hai làng đã được lệnh di chuyển chỗ ở từ hai năm trước, nhiều nông dân
vẫn quay trở về làng cũ để trồng trọt, vì nơi đất mới khó sống; và phần
lớn vẫn chưa nhận được số tiền bồi thường mà công ty CPI hứa hẹn. Trung
Quốc đã xây hơn 30 các đập thủy điện ở miền Bắc Miến Ðiện, cung cấp điện
cho tỉnh Vân Nam. Khu đập Myitsone là dự án điện lực lớn nhất mà Trung
Quốc thực hiện, nếu được hoàn thành thì sẽ đứng trong năm nhà máy thủy
điện lớn nhất thế giới, mà 90% điện sản xuất ra sẽ đáp ứng nhu cầu của
tỉnh Vân Nam.
Vì thế, khi ông Thein Sein tuyên bố ngưng dự án xây dựng Myitsone, cả
Bắc Kinh đã chấn động, như ông Tần Huy, giáo sư lịch sử ở Ðại học Thanh
Hoa nhận xét. Tại sao chính phủ Miến Ðiện lại đơn phương xé bỏ một hợp
đồng thương mại lớn như vậy mà không tham khảo ý kiến phía bên kia?
Câu trả lời chính thức của chính phủ Miến là: Vì việc xây dựng đập Myitsone bị dân chúng chống đối.
Trong cuộc bang giao giữa các nước, ít có một chính phủ nào lại giải
thích với một nước láng giềng to lớn về một hành động chấm dứt hợp tác,
mà lại chỉ nêu lên một lý do giản dị như vậy: Vì dân phản đối.
Quả thật, dân Miến Ðiện đã bày tỏ ý kiến, họ chống đối cả mối quan hệ
ngoại giao mà họ thấy người cầm quyền nước họ giống như đã nằm trong
túi của nước láng giềng. Trong các cuộc biểu tình, thanh niên Miến Ðiện
trương lên những biểu ngữ viết, "Ðây là nước Myanmar! Tự Do cho Myanmar!
Quỷ ÐraCuLa Trung Quốc cút đi!"
Vụ xây đập Myitsone là giọt nước sau cùng làm tràn ly. Không riêng gì
nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi mà dư luận của giới trí thức,
sinh viên, các người bảo vệ môi trường, các chùa Phật Giáo, cả giáo hội
Báp Tít trong tiểu bang Kachin, vùng xây đập nước, cũng lên tiếng phản
đối.
Thực ra phong trào phản đối xây đạp Myitsone ở Miến Ðiện không được
biểu hiện mạnh mẽ và rộng lớn như phong trào phản đối việc khai thác bô
xít ở Việt Nam. Dân Miến Ðiện cũng không biểu tình chống Trung Cộng
nhiều lần và kéo dài nhiều năm hơn dân Việt Nam. Nhưng chính quyền Miến
Ðiện không ngoan cố lên ti vi tuyên bố, "Xây đập Myitsone là một chính
sách lớn của Ðảng và nhà nước" như Nguyễn Tấn Dũng đã quả quyết để hăm
dọa, bịt miệng dân Việt Nam.
Quan hệ giữa hai nước đã thay đổi. Ngay khi ông Thein Sein giải thích
quyết định ngưng xây đập Myitsone với một lý do duy nhất: Vì dân Miến
Ðiện phản đối. Với lời giải thích đó, Thein Sein đã thay đổi "luật chơi"
trong quan hệ giữa hai nước. Ông viện dẫn một quy tắc: "Chúng tôi do
dân chúng bầu lên, cho nên phải tôn trọng ý nguyện của dân."
Một tháng trước quyết định Myitsone, Thein Sein đã mời lãnh tụ đối
lập Aung San Suu Kyi tới gặp để bắt tay nhau, mở đầu tiến trình dân chủ
hóa. Trước đó, Thein Sein đã bãi bỏ lệnh kiểm duyệt báo chí và kiểm soát
các mạng Internet. Ngày nay dân Miến Ðiện có quyền xuất bản báo tự do,
tiếng nói của người dân được cất lên. Một đạo luật mới ra đời, công nhận
quyền tự do lập công đoàn của người lao động. Có thể nói, ông Thein
Sein đã thay đổi luật chơi trên cả hai sân: trong nước và đối ngoại. Và
ông được ngay cả các nhà tranh đấu cho dân chủ ở Miến Ðiện kính trọng và
tin tưởng.
Tại sao chính quyền quân phiệt Miến Ðiện dám thay đổi nhanh như vậy?
Vì họ có can đảm công nhận chính họ đã sai lầm. Từ năm 1962, Tướng Newin
cướp chính quyền, công bố theo chủ nghĩa xã hội, đánh tư sản, ngưng
giao thương với các nước tư bản; họ đã đưa đất nước vào tình trạng suy
đồi, rõ rệt nhất là về kinh tế. Nhưng một ưu điểm của chính quyền quân
phiệt là họ không tôn thờ chủ nghĩa Mác-LêNin, không nô lệ một ý thức hệ
ngoại lai. Các tướng lãnh vẫn coi sứ mạng của họ là bảo vệ dân, giúp
nước, chứ không nhập cảng một ý thức hệ như một tôn giáo mới, bắt toàn
dân phải theo. Do đó, khi nhìn thấy con đường sai lầm về cả kinh tế lẫn
chính trị, họ có thể sửa đổi tất cả chính sách nội trị và ngoại giao mà
không luyến tiếc, rũ bỏ một quá khứ đen tối để đi theo con đường mới.
Chính phủ Miến Ðiện đã thay đổi luật chơi với Trung Cộng, nhân danh nguyện vọng và quyền lợi của người dân.
Dân Miến Ðiện đã bước vào sân cỏ, bắt đầu tham dự cuộc chơi dân chủ.
Ðến bao giờ nước Việt Nam mới có những người cầm quyền đủ can đảm như
vậy?
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment