Thứ Tư, ngày 26.06.2013
Nhật báo hàng đầu của Mỹ New York
Times hôm 6/6 cho đăng bài xã luận với tiêu đề "Vietnam's Angry Feet" do
giáo sư Tương Lai, một giáo sư ngành xã hội học từng làm cố vấn cho 2
thủ tướng cs Việt Nam từ năm 1991 đến năm 2006, viết. Xin giới thiệu đến
độc giả bản tiếng Việt của bài viết do giáo sư cung cấp. Mời quý thính
giả nghe phần Bình Luận của GS Tương Lai với tựa đề: "Những Bàn Chân Nổi
Giận" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh
tối hôm nay.
Tháng trước, tòa án tỉnh Long An Việt Nam đã kết án nặng nề hai sinh
viên yêu nước ở độ tuổi 20. Trong những tội danh bị áp đặt có tội "nói
xấu Trung Quốc". Những cáo buộc này đã xúc phạm tới lòng yêu nước và
tinh thần dân tộc của người dân VN . Người ta phẫn nộ vì ai đó đã hợp
đồng với Trung cộng xâm lược để quay lại đàn áp người yêu nước.
Bi kịch lớn nhất của một số người lãnh đạo Việt Nam là đã không quyết
liệt đáp trả những thủ đoạn bành trướng nham hiểm và những hành động
xâm lược ngang ngược của Trung cộng, nhưng họ lại quyết liệt đàn áp
những người yêu nước, bóp nghẹt dân chủ, bưng bít thông tin và khủng bố
tư tưởng công dân mình. Công an Hà Nội đã từng đàn áp những cuộc biểu
tình chống Trung cộng và bắt nhiều người, hành hung, đánh đập họ, trong
đó có cả phụ nữ.
Dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về truyền thống bất khuất, quật
cường của mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước trong vị thế oái ăm, sát
cạnh một láng giềng khổng lồ chưa bao giờ từ bỏ giấc mộng bành trướng
nhằm nuốt chửng Việt Nam. Đất nước này đã từng chìm đắm cả nghìn năm Bắc
thuộc. Trong cái đêm dài đau đớn ấy, kẻ thù luôn tìm cách đồng hóa dân
tộc Việt nhưng chúng đã thất bại.
Hiện nay, Trung cộng bất chấp luật pháp quốc tế, chà đạp nguyên tắc
và đạo lý, chúng đã ngang nhiên thực hiện mộng bành trướng trên Biển
Đông, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn và cũng là con đường huyết mạch trên
biển để Trung cộng thực hiện tham vọng của chúng.
Vì thế, những "bàn chân nổi giận" đã rầm rập xuống đường biểu tình
chống Trung cộng xâm lược. Cùng với những cuộc biểu tình ấy, những khiếu
kiện tập thể của nông dân cũng dồn dập bùng lên. Sự nối kết giữa tầng
lớp trí thức với giới trẻ ở đô thị và nông dân – những người bị đẩy vào
cuộc sống đói nghèo vì mất đất sản xuất. Cùng với điều đó, mạng lưới
thông tin qua Internet đã trỗi lên như nấm sau cơn mưa biểu dương tinh
thần yêu nước bất chấp mọi đàn áp.
Sự nổi giận của người Việt Nam lại càng tăng lên khi một số những
người lãnh đạo nói rất nhiều về một nhà nước "của dân, do dân và vì dân"
nhưng người ta chưa bao giờ muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và
một xã hội dân sự đúng với ý nghĩa đích thực của nó, vì người ta quyết
duy trì một hệ thống chính trị lạc hậu và một hệ tư tưởng giáo điều nên
nền kinh tế Việt Nam đã không thể phát triển mạnh mẽ. Từ đó, những kẻ
lãnh đạo VN trở thành mục tiêu phê phán của cộng đồng quốc tế về đàn áp
dân chủ và vi phạm nhân quyền.
Chính vì một số nhà lãnh đạo Việt Nam bị "cái mũ kim cô" của chủ
nghĩa bành trướng Đại Hán siết chặt nên đã đẩy đất nước ra khỏi quỹ đạo
dân chủ để gánh chịu lạc hậu và lạc điệu so với thế giới văn minh, một
thế giới mà Việt Nam đang rất cần hòa nhập để đất nước có điều kiện phát
triển.
Nhằm bảo vệ cái ghế quyền lực của một số người đang giành được những
vị thế quan trọng, để củng cố và mở rộng những lợi ích béo bở của mình,
người ta đang quay lưng lại với đồng bào VN. Một số trí thức và nhân sĩ
đã đưa ra hàng loạt kiến nghị về thực thi dân chủ và nhân quyền trong
Hiến pháp nhằm hướng tới việc tạo ra một hệ thống chính trị thực sự dân
chủ. Tuy nhiên, những kiến nghị của những đồng bào yêu nước đã gặp phải
những lời lăng mạ và vu khống trên các tờ báo chính thống được chỉ đạo
chặt chẻ.
Những kẻ cầm quyền đã không thấy được rằng, một khi phong trào yêu
nước chống ngoại xâm gắn kết được với cuộc đấu tranh dân chủ và thực
hiện quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp, sẽ tạo ta những đột
phá không lường trước được, hình thành một cục diện mới, đưa đất nước đi
lên.
Cho nên, càng sử dụng bạo lực và đàn áp, càng cho thấy sự phi dân chủ, vô nhân tính của những người sử dụng nó.
Nếu người lãnh đạo nắm bắt được cục diện mới, nhanh nhẹn đáp ứng được
lợi ích dân tộc, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và trước hết, sẽ
nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ của dân và sự đồng tình của quốc tế. Ngược
lại, nếu tiếp tục quay lưng lại với dân, nấp dưới chiêu bài ý thức hệ đã
lỗi thời, bám chặt mô hình toàn trị phản dân chủ, chỉ cốt giữ cho được
cái ghế quyền lực đã rệu rã và đưa đất nước vào ngõ cụt không lối thoát,
thì sự cáo chung là điều không thể tránh khỏi.
GS Tương Lai
No comments:
Post a Comment